KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC ĐỀ ÁN, ĐỀ TÀI TRONG 5 NĂM GẦN ĐÂY (2009 – 2014)

     Trong thời gian từ 2009 đến 2014, Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc đã hoàn thành 03 báo cáo lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 các nhóm tờ Lạng Sơn (2009), Hà Quảng (2011), Văn Chấn (2012) và đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của các đứt gãy hoạt động trong Neogen và Đệ tứ. Dự báo khả năng và mức độ gây ra tai biến địa chất của chúng”. Các đề án và đề tài này đều có nhứng phát hiện mới có giá trị về địa chất và khoáng sản.
Liên đoàn giới thiệu những kết quả chính đạt được trong những công trình điều tra cơ bản nêu trên.
     ĐỊA CHẤT VÀ KHOÁNG SẢN NHÓM TỜ LẠNG SƠN
     Đề án lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản, tỷ lệ 1:50 000, nhóm tờ Lạng Sơn, diện tích 2440km2, thuộc địa phận 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, nằm trong 9 tờ bản đồ hệ Gauss: F - 48 - 58 (A, C); F - 48 - 70 (A, C, D), F - 48 - 82 (B, D); F - 48 - 83 (A, C).
     Thời gian thi công:  01/2004 – 12/2009.
     Chủ biên: KS. Phạm Đình Trưởng

     Những thành tựu chính đạt được
    Địa tầng: đã thể hiện được diện phân bố theo không gian và thời gian của 24 phân vị trên bản đồ địa chất tỷ lệ 1: 50.000 có tuổi từ Cambri đến Đệ tứ. Trong đó có 6 phân vị lần đầu tiên được thể hiện (so với bản đồ địa chất tỷ lệ 1: 200.000 là các hệ tầng: Nà Ngần, Bản Cỏng, Bằng Ca, Lũng Nậm, Bằng Giang và Điềm He).
     Phát hiện được nhiều quan hệ địa chất có ý nghĩa (quan hệ không chỉnh hợp giữa hệ tầng Hà Cối, hệ tầng Bản Hang lên các thành tạo cổ hơn, quan hệ xuyên cắt của các thành tạo á núi lửa hệ tầng Tam Lung với các đá lục nguyên hệ tầng Khôn Làng).
     Phát hiện được nhiều điểm hoá thạch mới trong các hệ tầng: Mia Lé, Nà Quản, Sông Hiến, Khôn Làng, Điềm He... Trong đó lần đầu tiên phát hiện được hoá thạch Cúc đá tuổi Devon sớm - giữa trong hệ tầng Nà Quản.
     Phát hiện được các hoá thạch Cúc đá, Chân rìu tuổi Olenec trong các trầm tích trước đây xếp vào hệ tầng Nà Khuất (thuộc đới cấu trúc An Châu - Phạm Đình Long và nnk, 1974, Trần Văn Trị và nnk, 2000). Phát hiện này là cơ sở cần thiết phải đầu tư nghiên cứu vai trò phân đới của đứt gãy Cao Bằng - Tiên Yên đối với hai đới cấu trúc Sông Hiến và An Châu; đồng thời góp phần chứng minh hệ tầng Sông Hiến và hệ tầng Lạng Sơn có cùng mức tuổi.
    Xác nhận ở nhóm tờ vào giới Mesozoi có 3 mức phun trào: Sông Hiến, Khôn Làng, Tam Lung được phân biệt bởi quan hệ địa chất thành phần vật chất và đặc điểm phân bố không gian. Các thành tạo phun trào đã được phân chia chi tiết theo tướng và thể hiện trên bản đồ.


   
Ảnh 1,2,3: Hoá thạch Cúc đá tuổi Devon sớm - giữa, hệ tầng Nà Quản. Ảnh Nguyễn Trần Hùng



Ảnh 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10: Hóa thạch Chân rìu và Cúc đá tuổi Trias sớm, hệ tầng Sông Hiến. Ảnh Nguyễn Trần Hùng


              
Ảnh 11, 12:  Hoá thạch Cúc đá tuổi Anisi hệ tầng Khôn Làng. Ảnh Nguyễn Trần Hùng
 
Ảnh 13, 14: Hoá thạch Chân rìu tuổi Anisi hệ tầng Điềm He. Ảnh Nguyễn Trần Hùng
                   
Ảnh 15, 16, 17, 18: Hoá thạch Chân rìu tuổi Trias trong hệ tầng Nà Khuất. Ảnh Nguyễn Trần Hùng



Ảnh 19: Quan hệ xuyên cắt ryolit tướng á núi lửa hệ tầng Tam Lung  1  với đá lục nguyên chứa hoá thạch Chân rìu tuổi Anizi hệ tầng Khôn Làng  2 . Ảnh Phạm Đình Trưởng

 
Ảnh 20: Hoá thạch Chân bụng tuổi Neogen,  hệ tầng Rinh Chùa (N2rc). Ảnh Nguyễn Trần Hùng

 
Ảnh 21: Hoá thạch gỗ họ Elaeocarpaceae ở mỏ than Na Dương (Lạng Sơn). Ảnh Đỗ Đức Quang 800x600

      - Magma xâm nhập
     Đã xác nhận diện tích nhóm tờ có mặt phức hệ Cao Bằng (P3cb). Những thành tạo này trước đây chỉ phát hiện được vài ba thể nhỏ và được xếp vào các đai cơ mạch chưa rõ tuổi. Kết quả nghiên cứu khẳng định diện tích nhóm tờ không có mặt các phức hệ Núi Điệng (G/T2nđ), Mỏ Pe (G/D2mp).
      - Cấu trúc kiến tạo
     Đã tiến hành nghiên cứu, tổng hợp tài liệu về đứt gãy Cao Bằng - Tiên Yên: cho thấy đây là đứt gãy sâu có thời gian hoạt động lâu dài, trong diện tích nhóm tờ không đóng vai trò phân đới, dọc theo đứt gãy hiện nay quan sát được các đới milonit hoá, các dấu hiệu trượt bằng và các tai biến địa chất liên quan đến trượt lở đất đá.
     Đã phát hiện đứt gãy chờm nghịch Quốc Khánh - Nà Nưa, dọc theo đứt gãy quan sát được các đá carbonat tuổi Devon phủ chờm trên các thành tạo bazan hệ tầng Bằng Giang (P3bg) và các thành tạo lục nguyên tập 2 hệ tầng Sông Hiến (T1sh2). Đứt gãy đóng vai trò phân chia 2 khối cấu trúc Phục Hoà và Lộc Bình.


Ảnh 22:  Đá vôi hệ tầng Nà Quản phủ chờm nên đá bazan hệ tầng Bằng Giang dọc theo đứt gãy chờm nghịch Quốc Khánh - Nà Nưa. Tại vết lộ ở cạnh uỷ ban xã Quốc Khánh. Ảnh Phạm Đình Trưởng

     Đã phát hiện được bazan cầu gối (đang vẽ vào hệ tầng Bằng Giang) ở sát nhóm tờ nằm gần ranh giới giữa khối cấu trúc Phục Hoà và khối cấu trúc Lộc Bình. Phát hiện khoanh định được thành tạo melange nguồn gốc phức tạp ở đèo Kéo Đẩy.
     Khoáng sản
     Trên diện tích nhóm tờ đã đăng ký 69 mỏ khoáng, biểu hiện khoáng sản (BHKS) và biểu hiện khoáng hóa (BHKH); 94 vành phân tán khoáng vật và 93 vành phân tán nguyên tố. Trong đó có 44 mỏ khoáng, BHKS, BHKH được Đoàn 50A phát hiện và đăng ký mới. Có triển vọng hơn cả là vàng, barit và vật liệu xây dựng:
     + Vàng: tất cả các BHKS, khoáng hoá vàng gốc (21 điểm) có mặt trên diện tích nhóm tờ Lạng Sơn đều được các tác giả Đoàn Địa chất 50A phát hiện, điều tra lần đầu tiên. Trong đó có ý nghĩa hơn cả là vàng gốc (Tình Sung - Nà Bó). Đây là BHKS rất có triển vọng cần được tiến hành điều tra đánh giá tiếp theo.
     + Vật liệu xây dựng: đã đăng ký được 25 mỏ khoáng, BHKS. Trong đó, có 20 BHKS do Đoàn Địa chất 50A phát hiện. Các mỏ, BHKS có triển vọng cần được thăm dò, đánh giá tiềm năng gồm: ĐVXM Cách Linh, đá vôi ốp lát Bản Nưa, Bản Thần; sét gạch ngói Bản Mới, Khuất Xá, Nà Lái.
     + Các khoáng sản khác:
     Ngoài vàng và vật liệu xây dựng, các khoáng sản: than nâu, sắt limonit và bauxit đã được tìm kiếm thăm dò, thăm dò đánh giá trữ lượng và hiện tại đang được khai thác từ nhiều năm nay (than, sắt). BHKS barit Nà Chích do Đoàn 50A phát hiện rất có triển vọng với TNDB cấp 334a là 80.000 tấn.
     Trên cơ sở các tiền đề địa chất thuận lợi, dấu hiệu tìm kiếm, các yếu tố khống chế quặng… chúng tôi lựa chọn 8 diện tích (61km2) đề nghị tiến hành tìm kiếm đánh giá tiếp theo (vàng Tình Sung - Nà Bó; barit Nà Chích; đá vôi xi măng Cách Linh; đá ốp lát: Bản Nưa, Bản Thần; sét gạch ngói: Bản Mới, Nà Lái, Khuất Xá).

 
Ảnh 23:  Các hạt vàng trong mẫu giã đãi tại BHKS vàng gốc Nà Bó, Cao Lộc, Lạng Sơn. (Phóng đại 20 lần). Ảnh Trần Thi Oanh
 
Ảnh 24: Đá vôi phân dải màu hồng hệ tầng Tốc Tát (BHKS đá vôi ốp lát Bản Thần, Hạ Lang, Cao Bằng) . Ảnh Nguyễn Trần Hùng

Hỗ trợ trực tuyến