ĐỊA CHẤT VÀ KHOÁNG SẢN NHÓM TỜ VĂN CHẤN

    Đề án “Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 nhóm tờ Văn Chấn, tỉnh Yên Bái”. Diện tích đo vẽ: 1924km2.
Thời gian thi công: tháng 02 năm 2006 - 12/2012.
Chủ biên: KS. Phạm Thanh Bình.
    Những kết quả chủ yếu đạt được:

    Địa tầng
    Tổng hợp đặc điểm mặt cắt địa chất, thành phần vật chất, kết hợp sinh địa tầng, đã chính xác hóa diện phân bố của các thành tạo trầm tích thuộc các phân vị  địa tầng trong nhóm tờ. Nổi bật là các phát hiện và ghi nhận như sau:
       - Ghi nhận và thể hiện trên bản đồ địa chất nhóm tờ gồm 21 phân vị địa tầng có tuổi từ Archei đến Đệ tứ. Trong đó ghi nhận mới 5 phân vị: phức hệ biến chất Suối Chiềng, các hệ tầng Đa Niêng, Suối Bé, Văn Yên và thành tạo Neogen (N?).
     - Về thành tạo Tiền Cambri: lần đầu mô tả và thể hiện trên bản đồ nhóm tờ thành tạo biến chất không phân tầng phức hệ Suối Chiềng chứa phong phú quarzit - magnetit. Phát hiện thành tạo biến chất hệ tầng Ngòi Chi chứa các thể đá skacnoid và đá najdac có biểu hiện khoáng hóa corindon. Phát hiện hệ tầng Sin Quyền chứa phong phú đá hoa bị biến đổi (đá mỹ nghệ) có giá trị thương phẩm cao. Phát hiện quan hệ chỉnh hợp giữa đá hoa hệ tầng Đá Đinh chuyển tiếp lên trên thành tạo lục nguyên biến chất tướng phiến lục hệ tầng Cha Pả.
     - Về thành tạo Paleozoi: phát hiện hệ lớp quarzit mica hạt thô chứa cuội sỏi thạch anh ép dẹt là phần thấp nhất của hệ tầng Cam Đường nằm không chỉnh hợp trên phức hệ Suối Chiềng. Phát hiện quan hệ chỉnh hợp hệ tầng Bản Nguồn trên trầm tích lục nguyên hạt mịn hệ tầng Sông Mua nằm dưới, hệ tầng Bản Cải chỉnh hợp trên trầm tích carbonat hệ tầng Bản Páp nằm dưới, hệ tầng Đa Niêng chỉnh hợp trên thành tạo carbonat - silic hệ tầng Bản Cải nằm dưới và phát hiện các nhóm hóa thạch định tuổi cho mỗi hệ tầng. Ngoài ra, còn phát hiện quan hệ không chỉnh hợp của thành tạo carbonat hệ tầng Bắc Sơn trên thành tạo hệ tầng Đa Niêng.
     - Về thành tạo Mesozoi: phát hiện quan hệ không chỉnh hợp hệ tầng Yên Châu phủ trên hệ tầng Suối Bàng và hệ tầng Suối Bé phủ trên hệ tầng Nghĩa Lộ.        
     - Về thành tạo Kainozoi: lần đầu mô tả hệ tầng Văn Yên nằm phủ không chỉnh hợp lên thành tạo biến chất cổ thuộc hệ tầng Ngòi Chi và thành tạo Neogen (N?) phân bố ở thung lũng Nghĩa Lộ. Phát hiện các vết in thực vật, bào tử, phấn hoa trong hệ tầng Cổ Phúc định tuổi tin cậy Miocen muộn.
    Magma xâm nhập          
    Ghi nhận và thể hiện trên bản đồ địa chất 4 phức hệ magma xâm nhập Ca Vịnh, Xóm Giấu, Bảo Hà, Ba Vì có thành phần từ siêu mafic đến á kiềm, 1 phức hệ núi lửa axit Ngòi Thia và các đá mạch không rõ tuổi. Làm rõ diện phân bố, thành phần vật chất và quan hệ địa chất của các thành tạo magma trong nhóm tờ bằng các ghi nhận xác đáng như:
     - Chính xác lại diện phân bố và làm rõ nội dung của phức hệ magma Ca Vịnh gồm các đá: tonalit, diorit, plagiogranit; còn tổ hợp đá plagiogneis, gneis... xen quarzit - magnetit trong plagiogranit Ca Vịnh theo mô tả trước đây được xếp vào địa tầng biến chất cổ với tên gọi phức hệ Suối Chiềng tuổi Archei.
    - Phát hiện quan hệ granitoid cao kali phức hệ Xóm Giấu xuyên cắt đá granitogneis phức hệ Suối Chiềng và bị thành tạo đá mafic phức hệ Bảo Hà xuyên cắt là cơ sở xác định tuổi tương đối cho mỗi phức hệ.

Ảnh 1: Quan hệ giữa plagiogranit (phức hệ Ca Vịnh) với đá phiến thạch anh - felspat - muscovit (phức hệ  Suối Chiềng). Tại vết lộ VC.5408, thuộc Ngòi Giành, Trung Sơn, Yên Lập, Phú Thọ (Ảnh La Mai Sơn). 

Ảnh 2: granit giàu felspat kali phức hệ Xóm Giấu - pha 1 (PP1xg1) xuyên cắt và bắt tù đá phiến thạch anh - felspat - biotit hệ tầng Sin Quyền (PPsq). Tại vết lộ VC.5348, gần UB xã Minh An, Văn Chấn, Yên Bái. (Ảnh: La Mai Sơn)

Ảnh 3: pyroxenit bị biến đổi mạnh thuộc phức hệ Bảo Hà xuyên cắt và bắt tù vỉa quarzit magnetit phức hệ Suối Chiềng. Tại vết lộ VC.5413 (75-81), bờ phải suối Ngòi Lao, xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: La Mai Sơn)

Ảnh 4: Gabrodiabas phức hệ Ba Vì (T1bv) xuyên cắt gây biến đổi đá carbonat thuộc hệ tầng Bắc Sơn  (C-Pbs). Tại vết lộ VC.12521, thuộc xã Suối Bu, huyện Văn Chấn, Yên Bái. (Ảnh: Phạm Thanh Bình)

    Cấu trúc kiến tạo           
    Phân chia diện tích nhóm tờ Văn Chấn ra 3 khối cấu trúc riêng biệt: Phình Hồ, Nà Hẩu - Trung Sơn, Đan Hà là từng phần diện tích của các đới cấu trúc Tú Lệ, Phan Si Pan và Sông Hồng.   
   Phân chia diện tích nhóm tờ thành 10 tổ hợp thạch kiến tạo tương ứng với 6 giai đoạn lịch sử phát triển địa chất và trải qua 5 pha biến dạng (trước Kainozoi: 3, trong Kainozoi: 2).  
   Tai biến địa chất         
   Mô tả và đăng ký trên bản đồ các dạng tai biến động đất, trượt lở đất đá, đá đổ đá rơi, lũ ống lũ quét, xói lở bờ sông, xói mòn bề mặt, các tai biến địa chất liên quan đến hoạt động của con người. Khoanh định các vùng Văn Chấn - Ba Khe, Mỏ Vàng - An Lương, Trục đường 32 và bờ sông Hồng đoạn cầu Âu Lâu (Yên Bái) - Lệnh Khanh, Ngòi Lao, Ngòi Thia dự báo là có nguy cơ tiềm ẩn về tai biến địa chất.          
    Khoáng sản
   Đến nay, nhóm tờ đã đăng ký trên bản đồ 7 MK, 36 BHKS, 18 BHKH và 130 vành phân tán trọng sa, 96 vành địa hóa dòng phân tán nguyên tố của các loại khoáng sản: than đá, sắt, mangan, đồng, chì - kẽm, vàng, quặng phóng xạ, kaolin, sét gốm, felspat, đá mỹ nghệ, đá vôi đen ốp lát, đá vôi xi măng, đá vôi làm vật liệu xây dựng, sét gạch ngói, cát cuội sỏi, najdac, asbest, nước nóng, nước khoáng.
     Phát hiện và ghi nhận mới 30/61 MK, BHKS, BHKH có trong nhóm tờ. Hầu hết khoáng sản trọng tâm của nhóm tờ được phát hiện và điều tra chi tiết xác nhận là các BHKS nổi bật như sau:
      Sắt: ngoài các vùng mỏ ghi nhận trước đây như: Làng Mỵ, Hưng Khánh, Khe Giang - Núi Khay, đề án phát hiện mới 5 BHKS, 1 BHKH sắt nguồn gốc biến chất và 1 BHKS sắt nguồn gốc nhiệt dịch. Nổi bật là phát hiện vùng quặng sắt Tân An - Bản Phào - Xóm Bằng, trong đó BHKS sắt Tân An tài nguyên dự báo cấp 334a: >30 triệu tấn quặng, đã được các cấp có thẩm quyền đề nghị Chính phủ đưa vào qui hoạch phát triển kinh tế đất nước.
     Vàng gốc: mới được phát hiện ở nhóm tờ, gồm BHKS vàng Minh Đồng trong đá phun trào axit phức hệ núi lửa Ngòi Thia, BHKS vàng Khe Họp trong đá phiến thạch anh - sericit hệ tầng Cha Pả và 2 BHKH vàng gốc (Việt Cường, Khe Quyết) trong thành hệ đá phiến sét đen hệ tầng Sông Mua và Bản Nguồn là những vùng có tiền đề tìm kiếm triển vọng cần được điều tra chuyên khoáng.
      Đồng: phát hiện mới BHKS đồng Khun Bổ nguồn gốc nhiệt dịch trong thành tạo đá phiến calcit hệ tầng Cha Pả và ghi nhận lại MK đồng An Lương nguồn gốc nhiệt dịch trong thành tạo đá hoa thuộc hệ tầng Đá Đinh. 
     Chì - kẽm: phát hiện mới BHKS (Đèo Ách) nguồn gốc dịch liên quan đến đá vôi hệ tầng Bản Páp, BHKH (Lóng Ba) nguồn gốc nhiệt dịch trong đá hoa hệ tầng Đá Đinh và ghi nhận lại điểm BHKH Bản Bó trong đá carbonat hệ tầng Bản Páp.
       Kaolin, felspat: mới được phát hiện ở nhóm tờ phân bố liên quan đến thành tạo đá biến chất thuộc hệ tầng Ngòi Chi có tài nguyên dự báo cấp 334a đối với kaolin là 4,5 triệu tấn, với felspat là 4,7 triệu tấn.
      Khoáng sản khác: phát hiện nhiều khoáng sản khác như: than đá Suối Quyền, sét gạch ngói Xóm Đồng, cát cuội sỏi Ngòi Thia, Ngòi Nhì, đá vôi xi măng Suối Bu, najdac Núi Phận có giá trị thực tiễn. Nhưng có ý nghĩa hơn cả là phát hiện mới loại hình khoáng sản đá mỹ nghệ có giá trị thương phẩm cao, điển hình là điểm Suối Giàng.
      Các diện tích khoáng sản được đề nghị điều tra tiếp theo gồm: 91km2 cần được điều tra đánh giá, thăm dò quặng sắt; 99 km2 cần được điều tra chuyên khoáng vàng; 9,8km2 cần được điều tra chi tiết hoặc điều tra đánh giá về đá vôi xi măng.

Ảnh 5: Vỉa quarzit magnetit, thấu kính amphibolit xen trong đá gneis biotit phức hệ Suối Chiềng. Tại vết lộ VC.5158+80m, thuộc xã Bình Thuận,Văn Chấn. (Ảnh: La Mai Sơn)

Ảnh 6: Quarzit magnetit có cấu tạo dạng dải mỏng (1-vài mm), dải xẫm màu là magnetit, dải sáng màu chủ yếu là thạch anh. Tại vết lộ VC.5369 + 40m (70-84), thuộc Bản Rẹ, xã Bình Thuận, huyện Văn chấn (Yên Bái). (Ảnh : La Mai Sơn)

Ảnh 7: Các thân đá vôi bị biến đổi màu sắc sặc sỡ thuộc hệ tầng Sin Quyền (PP sq) tạo thành các đá mĩ nghệ có giá trị cao, khu vực xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái (Ảnh: La Mai Sơn)

Ảnh 8: Đá vôi sọc dải bị vò uốn thuộc hệ tầng Bản Cải (D3 bc) tạo thành các đá mĩ nghệ có giá trị cao, khu vực Giàng Cao, xã Suối Giàng, Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: La Mai Sơn)

Ảnh 9: Đá mỹ nghệ vùng Suối Giàng, Văn Chấn (đã được chế tác) (Ảnh Vũ Quang Lân)

Hỗ trợ trực tuyến