HỘI THẢO “TÍCH HỢP XỬ LÝ DỮ LIỆU ĐỊA VẬT LÝ VÀ ĐỊA HÓA (IGDP)” TẠI CÔN MINH - TRUNG QUỐC

     Hội thảo “Tích hợp xử lý dữ liệu địa vật lý và địa hóa (IGDP)” tại Côn Minh, Trung Quốc được tổ chức từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 8 năm 2014.

     Tham gia Hội thảo có đại diện của 13 quốc gia: Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Lào, Philippin, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Srilanka, Pakistan, Peru, Triều Tiên, Thái Lan; đoàn Việt Nam có TS. Nguyễn Công Thuận (Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc) và TS. Đỗ Văn Lĩnh (Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam).

 

Ảnh: Các thành viên tham gia hội thảo (Đỗ Văn Lĩnh, Nguyễn Công Thuận đứng thứ 5, thứ 6 từ phải qua trái ở hàng thứ hai từ trước ra sau)

    Nội dung chính của Hội thảo
    Báo cáo quốc gia: trong 02 ngày (22 và 23 tháng 8 năm 2014), đại diện một số nước trình bày báo cáo về một số nội dung nghiên cứu địa chất và khoáng sản tại quốc gia mình.
    1- Đoàn Trung Quốc trình bày về nghiên cứu địa hóa (nguyên tố Cd) ở một số vùng của Trung Quốc. Mạng lưới lấy mẫu theo mạng ô vuông trên một số diện tích và hệ thống sông suối, vị trí lấy mẫu được định vị bằng GPS. Mẫu lấy ở đáy hố có độ sâu ~20cm; một mẫu lấy ở 5 hố trộn đều chia lấy mẫu trọng lượng còn lại khoảng 1000g ở lớp đất phủ (miền núi). Ở những vùng trầm tích lấy theo lớp đất sâu 150-180cm. Phân tích 54 nguyên tố bằng phương pháp phân tích (ICP-MS), tính toán bậc hàm lượng và khoanh định vùng có cường độ khác nhau. Đoàn Trung Quốc đưa ra kết quả khảo sát hàm lượng Cd ở miền Nam cao hơn ở miền Bắc của lãnh thổ quốc gia mình.
     2- Đoàn Campuchia khái quát về khoáng sản của Campuchia gồm 27 loại khoáng sản chủ yếu: than, graphit, bauxit, sét, đồng, fluorit, sắt… Một báo cáo cụ thể nghiên cứu vùng quanh Campuchia về vàng, thiếc, đồng, chì, kẽm… Phương pháp nghiên cứu gồm thực địa, lấy mẫu sa khoáng và trầm tích dòng, phân tích tư liệu viễn thám.
     3- Đoàn Malaysia trình bày về công tác đo vẽ bản đồ địa chất của Malaysia tỷ lệ 1:50.000 vùng Peminsula đạt 90% và vùng Sabah và Savawak đạt 30% diện tích. Tiến hành cùng công tác đo vẽ bản đồ địa chất là nghiên cứu địa hóa; mẫu lấy nghiên cứu địa hóa là trầm tích dòng, nước và đá gốc. Mật độ trung bình 1 mẫu/1km2; mạng lưới 100-300m/tuyến, 50-100m/1 mẫu; trọng lượng mẫu 0,5-1kg. Phương pháp phân tích là ICP và xử lý theo phần mềm chuyên dụng để khoanh định vành phân tán nguyên tố.
     4- Đoàn Indonesia giới thiệu các hệ thống bản đồ thành lập là địa chất, địa vật lý, địa hóa, kiến tạo, Đệ tứ với hệ thống phương pháp là thực địa, lấy mẫu, khoan, phân tích. Các khoáng sản chính là đồng, vàng, bauxit, nickel, sắt, mangan, thiếc, monazit và khoáng sản không kim loại khác.
     5- Đoàn Philippin giới thiệu hệ thống núi lửa hoạt động, hệ thống đứt gãy thuộc đới hút chìm ở Philippin. Giới thiệu hệ thống bản đồ địa chất ở các tỷ lệ khác nhau, công tác đo vẽ bản đồ địa chất tỷ lệ 1: 50.000 đạt 50% diện tích lãnh thổ. Ngoài ra, báo cáo còn nêu các vùng chứa khoáng sản vàng, đồng, sắt, mangan, coban, đất hiếm, crom,… có triển vọng và trữ lượng lớn của quốc gia mình.
     6- Đoàn Cộng hòa DCND Triều Tiên giới thiệu hệ thống đo vẽ bản đồ địa chất ở tỷ lệ 1:1.000.000; 1:500.000; 1:200.000 đã phủ toàn diện tích quốc gia và tỷ lệ 1:50.000 ở một số vùng. Công tác đo trọng lực tỷ lệ 1:50.000 đã hoàn thành trên phạm vi toàn quốc. Công tác đo vẽ cấu trúc kiến tạo được tiến hành cùng đo vẽ trọng lực và đã xây dựng được mô hình trọng lực trên phạm vi toàn quốc.
     7- Đoàn Peru giới thiệu công tác đo vẽ bản đồ địa chất được tiến hành trước và đo vẽ ở tỷ lệ 1:100.000 toàn quốc; công tác đo vẽ tỷ lệ 1:50.000 được tiến hành từ năm 2000 đến nay. Công tác nghiên cứu tai biến môi trường địa chất rất được quan tâm như ô nhiễm nguồn nước, trượt lở, đổ lở, núi lửa hoạt động và thành lập bản đồ tai biến địa chất môi trường toàn quốc.
     Về khoáng sản chính của Peru là Au, Ag, Cu, Mo, Pb, Zn đã được nghiên cứu, khai thác; đây là nguồn thu có đóng góp lớn cho kinh tế quốc dân.
     8- Đoàn Thái Lan giới thiệu hệ thống quản lý quốc gia về địa chất và khoáng sản. Hệ thống đo vẽ bản đồ địa chất ở tỷ lệ 1:1.000.000; 1:250.000; 1:50.000. Công tác nghiên cứu cơ bản địa chất được tiến hành trước, chú ý các đối tượng địa chất, các điểm du lịch địa chất, hóa thạch,… Các phương pháp nghiên cứu cấu trúc địa chất và khoáng sản gồm có lộ trình địa chất, địa hóa, phân tích viễn thám, địa vật lý, khoan, phân tích mẫu; trong đó, các phương pháp nghiên cứu địa vật lý gồm bay đo, mặt đất và xử lý số liệu.
     9- Đoàn Myanmar giới thiệu hệ thống quản lý quốc gia về địa chất và khoáng sản, chính sách thu hút đầu tư về địa chất và khoáng sản. Các khoáng sản chính có hàm lượng, trữ lượng lớn là sắt, than, nicken và khoáng sản không kim loại, đá quý. Quốc gia này coi khoáng sản là nguồn thu lớn của kinh tế quốc dân.
     10- Đoàn Lào giới thiệu khái quát vị trí, dân số, đặc điểm văn hóa Lào và cơ cấu tổ chức của Cục Địa chất Lào. Tình hình đo vẽ bản đồ địa chất, địa hóa tỷ lệ 1:200.000 với Trung Quốc, với Việt Nam, với Thái Lan; kèm theo nguồn tài chính hỗ trợ từ chính phủ Trung Quốc và Việt Nam.
     11- Các đoàn Pakistan, Srilanka: không có báo cáo quốc gia, chỉ giới thiệu ngắn gọn về đất nước và cơ cấu tổ chức của quốc gia mình.
    Một số nghiên cứu thực tế ở Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan và phần mềm xử lý số liệu do CCOP cung cấp
    Đoàn Trung Quốc trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu thực tế về từ và trọng lực nhằm phát hiện khoáng sản, đặc biệt là sắt; báo cáo nêu chi tiết nghiên cứu phát hiện quặng sắt ở một vùng mỏ cụ thể ở phía đông bắc Trung Quốc bằng việc sử dụng phần mềm RGIS-IGDP xử lý số liệu. Kết quả đã xác định được 9 thân quặng sắt có từ tính, trữ lượng trên một tỷ tấn. Phần mềm có định dạng số liệu, nhập số liệu bằng phần mềm Excel, *.txt, *.dat, *.tab, *.dbf.
     Công tác nghiên cứu và xử lý các số liệu địa hóa môi trường của Thái Lan được tiến hành ở tỷ lệ 1:50.000 thuộc một tỉnh miền nam Thái Lan cũng tương tự như nghiên cứu ở Việt Nam. Mẫu lấy theo mạng lưới sông suối với diện tích khoảng hơn 400km2 lấy 975 mẫu, trọng lượng mẫu 2kg/mẫu. Mẫu bùn được lấy với trọng lượng khoảng 2000g, sau đó phơi, sấy và gia công phân tích bằng phương pháp ICP – OSE. Xử lý theo tập mẫu với số lượng mẫu 30≤ N ≤3000; công tác xử lý tính toán số liệu tương tự như ở Việt Nam đã làm.
    Công tác nghiên cứu từ, trọng lực và địa nhiệt nhằm phát hiện các mỏ nước khoáng, nước nóng và mỏ sắt được áp dụng có hiệu quả ở Indonesia.
     Phần mềm xử lý số liệu IGDP software chạy trên nền Mapinfor 5.0 hoặc cao hơn và suffer 5 hoặc cao hơn. Các phần mềm nền thấp hơn so với phần mềm đang sử dụng ở Việt Nam. Mỗi máy tính chạy phần mềm này có một số code nhất định được Hội nghị cung cấp, khi chuyển sang máy tính khác có thể không sử dụng được.
     Ưu điểm: khả năng tích hợp xử lý GIS với chủ yếu là tài liệu trọng lực, từ, điện, địa hóa (là phụ) trên một phần mềm. Giao diện dễ sử dụng, thân thiện với mapinfor, suffer, exel,…và mô hình hóa 3D, mặt cắt… đối với trọng lực, từ, điện và cũng rất sát quy trình đo vẽ bản đồ, tìm kiếm và thăm dò khoáng sản của nước ta.
     Hạn chế: nội suy tạo lưới (gridding) không được đa dạng như suffer, chưa có yếu tố đứt gãy, đường chặn (barrier line) trong việc nội suy tạo lưới. Phần mềm IGDP chỉ có nội suy tạo lưới theo 03 phương pháp: nghịch đảo bình phương khoảng cách, lân cận gần nhất và Kriging.
     Hoạt động khác: Ngày 24/8/2014, Ban tổ chức Hội thảo tổ chức tham quan làng dân tộc ở Côn Minh và khu trung tâm TP. Côn Minh.
     Tài liệu: tài liệu phát cho hội nghị là balô đựng 01 phần mềm RGIS-IGDP2013 ghi dạng đĩa CD-ROM, 01 sách hướng dẫn sử dụng, 01 USB chứa báo cáo Quốc gia của các nước và bài diễn văn khai mạc hội nghị, 01 bài giới thiệu và 01 tập huấn phần mềm RGIS-IGDP2013.
     Kết luận: chuyến công tác tham dự hội thảo lần thứ 2 về “Tích hợp xử lý dữ liệu địa vật lý và địa hóa (IGDP)” từ ngày 22 đến 24 tháng 8 năm 2014 tại Côn Minh, Trung Quốc đã thành công tốt đẹp. Qua đó, người tham gia nhận thức được xu thế chung của khu vực Đông Á và Đông Nam châu Á trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản với định hướng: khai thác và sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên, khoáng sản trong tương lai và đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực địa chất – khoáng sản.
                              TS. Nguyễn Công Thuận, Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc.

Hỗ trợ trực tuyến