TẠP CHÍ ĐỊA CHẤT, LOẠT A, SỐ 346-348, 9-11/2014

                                                          LỜI CẢM ƠN
     Nhân dịp kỷ niệm 55 năm xây dựng và phát triển Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc, được sự tạo điều kiện giúp đỡ của Tạp chí ĐỊA CHẤT, Liên đoàn công bố những kết quả nghiên cứu chủ yếu về địa chất, khoáng sản, địa chất môi trường và tai biến địa chất của Liên đoàn trong giai đoạn 2009 - 2014 trên Tạp chí ĐỊA CHẤT, loạt A, số 346-348. Trong quá trình chuẩn bị nội dung cho Số Tạp chí này, Liên đoàn đã nhận được nhiều bài báo của cán bộ kỹ thuật trong Liên đoàn và của cộng tác viên của Liên đoàn hoạt động trong các đề án điều tra địa chất – khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 và các đề tài nghiên cứu chuyên sâu. Những bài báo được tuyển chọn đăng trên Số Tạp chí này đã phản ánh với nội dung phong phú, hình thức đa dạng các kết quả nghiên cứu, điều tra địa chất – khoáng sản, địa vật lý, tai biến địa chất và địa chất môi trường; đây là kết quả lao động khoa học miệt mài của các cán bộ, công nhân viên Liên đoàn và cộng tác viên khoa học trong suốt 5 năm qua.
     Nhân dịp này, Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc trân trọng cảm ơn các tác giả, các cán bộ kỹ thuật và các cộng tác viên của Liên đoàn đã dành nhiều công sức viết bài; đặc biệt là các Ủy viên Ban Biên tập Tạp chí ĐỊA CHẤT đã dành nhiều công sức và thời gian biên tập nội dung, biên tập kỹ thuật để Tạp chí ĐỊA CHẤT, loạt A, số 346-348 kịp thời ra mắt bạn đọc trong dịp tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì và Kỷ niệm 55 năm thành lập Liên đoàn (1959-2014).
                                                                                   LIÊN ĐOÀN TRƯỞNG

                       
                                                                                     Nguyễn Đình Viên

 

LIÊN ĐOÀN BẢN ĐỒ ĐỊA CHẤT MIỀN BẮC
55 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN  
NGUYỄN ĐÌNH VIÊN
            Liên đoàn trưởng, Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc

     Tóm tắt: 55 năm trước (tháng 9/1959), một chuyên ngành mới của Ngành Địa chất Việt Nam được thành lập - chuyên ngành Bản đồ địa chất, với tên gọi Ban Bản đồ. Nhiệm vụ của chuyên ngành Bản đồ địa chất là tiến hành đo vẽ lập bản đồ địa chất và tìm kiếm khoáng sản ở các tỷ lệ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tính đến nay, Liên đoàn đã qua 7 lần xây dựng, bổ sung về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Liên đoàn cho phù hợp với từng thời kỳ thay đổi của Tổng cục Địa chất, Tổng cục Mỏ và Địa chất, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.
     Thành quả lao động khoa học của hàng ngàn cán bộ, công nhân viên Liên đoàn 55 năm qua tạo dựng nên là nguồn tài liệu tổng hợp hết sức quí giá cả về ý nghĩa khoa học lẫn giá trị thực tiễn, với hệ thống bản đồ địa chất, bản đồ khoáng sản và các bản đồ chuyên đề đi cùng ở các tỷ lệ khác nhau:
     - Tỷ lệ 1:500.000 (1:1.000.000) gồm 12 bộ theo từng miền (miền Nam, miền Bắc) và trên toàn lãnh thổ của đất nước.
     - Tỷ lệ 1:200.000 gồm 25 bộ theo tờ, nhóm tờ và đã được hiệu đính nhiều lần của các loạt tờ Tây Bắc, Đông Bắc và Bắc Trung Bộ.
     - Tỷ lệ 1:50.000 với 49 bộ theo tờ, nhóm tờ.
    - Tỷ lệ 1:25.000 (1:10.000) với 17 bộ của 17 vùng và rất nhiều loại bản đồ thuộc các đề tài nghiên cứu khoa học khác.
Đặc biệt là ở tỷ lệ 1:50.000, đến năm 2014 Liên đoàn đã hoàn thành công tác lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản diện tích >75.000 km2 (phần đất liền), đăng ký được 2.656 điểm khoáng sản ở qui mô mỏ khoáng và biểu hiện khoáng sản, trong đó phát hiện mới là 1.246 điểm; những số liệu này là biểu hiện cụ thể và sinh động nhất về hiệu quả của công tác điều tra cơ bản địa chất trong việc cung cấp cơ sở khoa học để xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
     Với những thành tích đạt được trong xây dựng và phát triển 55 năm qua, Liên đoàn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao tặng nhiều phần thưởng cao quí.
    Trong công cuộc đổi mới hiện nay, phát huy truyền thống 55 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước, với sự chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trực tiếp là Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, tập thể cán bộ công nhân viên Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc sẽ tiếp tục phấn đấu lập thêm nhiều thành tích, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh.

MỘT SỐ KẾT QUẢ NỔI BẬT VỀ ĐỊA CHẤT VÀ
KHOÁNG SẢN NHÓM TỜ VĂN CHẤN, TỈNH YÊN BÁI
PHẠM THANH BÌNH
Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc

     Tóm tắt: Kết quả đề án“Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 nhóm tờ Văn Chấn, tỉnh Yên Bái” đã ghi nhận được nhiều tài liệu mới  về địa chất, khoáng sản có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn.
Bài viết này giới thiệu một số tài liệu mới nổi bật về những phát hiện của nhóm tờ Văn Chấn để làm rõ bản chất các đối tượng địa chất tuổi Tiền Cambri; làm rõ về thành phần vật chất, hóa thạch, quan hệ, khoáng sản liên quan với các thành tạo địa tầng Devon, Carbon và phát hiện mới các điểm mỏ, biểu hiện khoáng sản của các loại hình: sắt, đồng, chì - kẽm, vàng, đá mỹ nghệ, kaolin, felspat, đá vôi xi măng mà các tài liệu trước đây còn bỏ ngỏ. Hy vọng chúng sẽ là cơ sở định hướng cho công tác hiệu đính lắp ghép các nhóm tờ bản đồ địa chất và khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 trong khu vực Tây Bắc, miền Bắc Việt Nam.

ĐẶC ĐIỂM TƯỚNG ĐÁ CỔ ĐỊA LÝ TRONG PALEOZOI GIỮA - MUỘN VÙNG HẠ LANG, CAO BẰNG
NGUYỄN CÔNG THUẬN
Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc

     Tóm tắt: Các phân vị địa tầng được hình thành trong một điều kiện lịch sử địa chất nhất định. Các đặc điểm trầm tích như độ hạt, độ mài tròn, thành phần hóa học và đặc biệt sự có mặt của các dấu tích sinh vật sẽ giúp ích rất nhiều cho các nhà địa chất để lập lại điều kiện môi trường của khu vực nào đó trên bề mặt vỏ Trái đất. Vùng Hạ Lang, nơi có các trầm tích Paleozoi trung - thượng được thành tạo liên tục từ Devon sớm đến Carbon sớm đồng thời có sự thể hiện khá rõ về thành phần trầm tích, hóa thạch là cơ sở để luận giải các điều kiện cổ địa lý thành tạo các trầm tích đó.

CẤU TRÚC ĐỊA CHẤT KAINOZOI VÙNG TRŨNG NGHĨA LỘ, TỈNH YÊN BÁI 
PHẠM THANH BÌNH, TRẦN VĂN HẠNH, PHẠM THỊ NỤ
Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc

     Tóm tắt: Bài viết phản ánh bình đồ cấu trúc thẳng đứng của bồn trầm tích Kainozoi vùng trũng Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái đã được nghiên cứu trong công tác đo vẽ “Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 nhóm tờ Văn Chấn, tỉnh Yên Bái”. Trên cơ sở kết quả đo vẽ của nhóm tờ, các tác giả đã phân tích địa tầng và cấu trúc địa chất vùng trũng Nghĩa Lộ, xác định cấu trúc địa chất chung có hai phần: tầng cấu trúc móng trước Kainozoi và tầng cấu trúc Kainozoi:
Tầng cấu trúc móng trước Kainozoi bao gồm các đá có tuổi trước Kainozoi, được bóc lộ ở ven rìa và bị phủ ở đáy vùng trũng.
     Tầng cấu trúc Kainozoi bao gồm chủ yếu các đá lục nguyên gắn kết yếu, tướng sông - lũ được mô tả chủ yếu theo tài liệu lỗ khoan. Tầng cấu trúc này có chiều dày trầm tích thay đổi 76-238 m gồm hai phần: phần dưới có tuổi Neogen và phần trên tuổi Đệ tứ.

MỘT SỐ PHÁT HIỆN MỚI VỀ ĐỊA CHẤT - KHOÁNG SẢN QUA ĐO VẼ ĐỊA CHẤT VÀ ĐIỀU TRA KHOÁNG SẢN TỶ LỆ 1: 50.000 NHÓM TỜ BẮC GIANG
VŨ XUÂN LỰC, HOÀNG BÁ QUYẾT, PHẠM VĂN THỦY, BÙI TIẾN DŨNG
  Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc   

     Tóm tắt: Kết quả đo vẽ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1: 50 000 nhóm tờ Bắc Giang đã ghi nhận những phát hiện mới góp phần làm sáng tỏ thêm cấu trúc địa chất và tiềm năng khoáng sản của vùng nghiên cứu.
Đã xác định sự có mặt của hệ tầng Tấn Mài tại phường Hoàng Hoa Thám, Chí Linh, Hải Dương. Lần đầu tiên ghi nhận sự có mặt của hệ tầng Hà Cối trên diện tích đo vẽ nhóm tờ.
Đã xác định quan hệ bất chỉnh hợp của hệ tầng Bãi Cháy (P3bc) trên hệ tầng Dưỡng Động (D1-2dđ) tại vết lộ BG.330, hệ tầng Hòn Gai
    (T3n-rhg) nằm bất chỉnh hợp trên hệ tầng Bình Liêu (T2a bl) và trên hệ tầng Dưỡng Động (D1-2dđ). Đã ghi nhận mặt cắt lục nguyên carbonat hệ tầng Nà Khuất nằm chuyển tiếp trên hệ tầng Khôn Làng, quan hệ chuyển tiếp trực tiếp của hệ tầng Mẫu Sơn trên hệ tầng Nà Khuất.
     Phát hiện mới các hóa thạch động vật và thực vật  trong các hệ tầng Dưỡng Động, Bãi Cháy và Hòn Gai, các di tích thực vật thân cây, các bào tử phấn, tảo trong các thành tạo Đệ tứ.
     Về khoáng sản, đã phát hiện mới nhiều biểu hiện quặng hóa nội và ngoại sinh như đồng, chì-kẽm, vàng gốc, vàng sa khoáng, barit, cát thủy tinh, kaolin…; trong đó, nhiều điểm có triển vọng có thể đầu tư điều tra đánh giá tiềm năng.

CÁC KẾT QUẢ PHÂN TÍCH ĐỒNG VỊ U-Pb TRONG ZIRCON TỪ GNEIS PHỨC HỆ SIN QUYỀN BẰNG PHƯƠNG PHÁP LA-ICPMS - CHỨNG CỨ VỀ SỰ KIỆN BIẾN CHẤT, KIẾN TẠO GIAI ĐOẠN PALEOPROTEROZOI KHU VỰC PHAN SI PAN
LA MAI SƠN1, LÊ TIẾN DŨNG2, PHẠM TRUNG HIẾU3
1Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc; 2 Đại học Mỏ - Địa chất, Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội; 3 Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh

     Tóm tắt: Mẫu zircon (VC.5828) tuyển từ mẫu đá gneis biotit thuộc phức hệ Sin Quyền nằm trong đới Phan Si Pan đã được phân tích và xác định tuổi bằng phương pháp LA-ICPMS U-Pb. Kết quả phân tích cho khoảng tuổi 1750-1850 triệu năm, minh chứng tuổi biến chất của phức hệ Sin Quyền tương ứng với Paleoproterozoi. Đồng thời ghi nhận giai đoạn nhiệt - kiến tạo ở điều kiện biến chất cao xảy ra trong Paleoproterozoi, ảnh hưởng lên các giai đoạn trước.

ĐẶC ĐIỂM BIẾN CHẤT VÀ VỊ TRÍ ĐỊA TẦNG CÁC ĐÁ METACARBONAT KHU VỰC THẠNH MỸ, BẮC QUẢNG NAM
LÊ TIẾN DŨNG1, LA MAI SƠN2, NGUYỄN HỮU TRỌNG1,
NGUYỄN THỊ LY4, PHẠM THỊ VÂN ANH1, NGUYỄN KHẮC GIẢNG1,
PHẠM TRUNG HIẾU3, HÀ THÀNH NHƯ1, TRẦN VĂN ĐỨC4
1Đại học Mỏ - Địa chất, Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội; 2 Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc; 3 Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Cừ, P.4, Tp.HCM; 4 Công ty CP Tư vấn Tài nguyên và Môi trường Việt Nam

    Tóm tắt: Trong các văn liệu địa chất hiện có, các đá hoa sọc dải khu vực Thạnh Mỹ, tỉnh Quảng Nam được các nhà địa chất xếp vào các phân vị địa chất với tên gọi khác nhau tuổi Tiền Cambri. Các tác giả của bài báo này đã khảo sát địa chất khu vực Thạnh Mỹ, kết hợp nghiên cứu các công trình khoan thăm dò đá hoa phục vụ cho dự án xây dựng nhà máy xi măng. Dựa vào đặc điểm biến chất, vị trí địa chất, nguồn gốc các đá hoa khu Thạnh Mỹ và diện tích kế cận cho thấy khối metacarbonat Thạnh Mỹ, có nguồn gốc từ trầm tích vôi ít dolomit, tương đồng với đá hoa Ngũ Hành Sơn, mức tuổi Carbon - Permi, bị biến chất khu vực đạt trình độ tướng phiến lục, tiêu biểu bởi tổ hợp cộng sinh khoáng vật: ca + qu + phl ± tr. Hoạt động kiến tạo và biến chất động lực xảy ra mạnh mẽ trong Mesozoi liên quan với quá trình hình thành bồn trũng Nông Sơn, là nguyên nhân phá hủy khối đá metacarbonat Thạnh Mỹ đã được thành tạo trong Paleozoi, có diện phân bố rất rộng rãi ở phía bắc Quảng Nam, kéo dài từ Ngũ Hành Sơn đến Thạnh Mỹ.

TUỔI ĐỒNG VỊ U-Pb ZIRCON VÀ THÀNH PHẦN ĐỒNG VỊ Hf TRONG GRANIT HAI MICA KHỐI SẦM SƠN
PHẠM TRUNG HIẾU1, LA MAI SƠN2
1Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh,  2Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc

     Tóm tắt: Tuổi kết tinh của granit hai mica khối Sầm Sơn được xác định bằng đồng vị U-Pb zircon trên máy LA-ICP-MS. Hầu hết các kết quả phân tích tuổi 206Pb/238U dao động trong khoảng 225-235 Tr.n, trung bình 227 ± 4 Tr.n. Kết qủa tuổi này chỉ ra sự tồn tại sự kiện nhiệt kiến tạo Indosini trong vùng nghiên cứu. Các giá trị tuổi cổ hơn tập trung trong hai khoảng 400 Tr.n và 750 Tr.n cũng có mặt trong mẫu phân tích, chứng tỏ vỏ lục địa vùng nghiên cứu có cả thành phần vật chất tuổi Paleozoi giữa và Neoproterozoi. εHf(t) có giá trị âm và biến thiên chủ yếu trong khoảng -9 ÷ -11, tuổi mô hình (Tdm2) khá cổ tập trung chủ yếu quanh 1.9 tỷ năm, điều đó cho thấy granit khối Sầm Sơn được thành tạo do sự nóng chảy vỏ lục địa tuổi Paleoproterozoi.

ĐẶC ĐIỂM TRẦM TÍCH VÀ LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN TRONG KỶ ĐỆ TỨ KHU VỰC CỒN NỔI, KIM SƠN, NINH BÌNH
LÊ CẢNH TUÂN1, LÊ TIẾN DŨNG2, VŨ QUANG LÂN3,
LA MAI SƠN3, NGUYỄN QUANG MIÊN4, ĐINH XUÂN TRƯỜNG5
1Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội;  2ĐH Mỏ - Địa chất; 3Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc; 4Viện Khảo cổ học; 5Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình

     Tóm tắt: Nghiên cứu các mẫu thu được trong lỗ khoan LK.CN1 tại Cồn Nổi, Kim Sơn, Ninh Bình, kết hợp với tài liệu đo địa chấn nông phân giải cao, phân tích các thế hệ bản đồ địa hình, ảnh vệ tinh, ảnh hàng không và đối sánh với tài liệu khu vực, có thể đưa ra các kết luận:
     - Các trầm tích Đệ tứ ở khu vực nghiên cứu bao gồm trầm tích sông-biển tuổi Pleistocen sớm (amQ11), trầm tích sông-biển tuổi Pleistocen giữa-muộn, phần sớm (amQ12-3); trầm tích sông-biển, biển tuổi Pleistocen muộn, phần muộn (am,mQ13); trầm tích sông-biển, biển tuổi Holocen sớm- giữa (am,mQ21-2) và các trầm tích được thành tạo trong môi trường cửa sông ven biển tuổi Holocen muộn (amb, amQ23).
     - Trong kỷ Đệ tứ, ở khu vực nghiên cứu ít nhất đã diễn ra 4 lần biển tiến xảy ra vào Pleistocen sớm, Pleistocen giữa-muộn, phần sớm; Pleisotocen muộn, phần muộn và Holocen sớm - giữa; kết quả đã hình thành 4 nhịp trầm tích. Mỗi nhịp trầm tích bắt đầu bằng các trầm tích thuộc môi trường lục địa và kết thúc là trầm tích hạt mịn được hình thành trong môi trường cửa sông và môi trường biển; cuối mỗi nhịp đã xảy ra biển lùi, tạo ra các gián đoạn trầm tích mà dấu hiệu là các trầm tích hạt mịn có màu sắc loang lổ ở phần trên của mỗi nhịp trầm tích và các lòng sông cổ được thể hiện rõ nét trên các băng địa chấn.
     - Trong thời gian tới, Cồn Nổi có xu thế dịch chuyển về phía tây nam cùng với hướng dịch chuyển của đỉnh Cửa Đáy. Vào khoảng 40-60 năm nữa, đỉnh Cửa Đáy sẽ nằm cách vị trí hiện nay 5,2 km về phía tây nam, cách Hòn Nẹ về phía đông nam khoảng 12 km, cách vị trí Cồn Nổi hiện nay khoảng 8,5 km về phía tây nam. Cồn cát mới tương lai (tương tự Cồn Nổi) nằm cách vị trí hiện nay khoảng 5,2 km về phía tây nam.

GHI NHẬN MỚI VỀ ĐỊA CHẤT- KHOÁNG SẢN NHÓM TỜ PHỐ LU - BẮC THAN UYÊN QUA KẾT QUẢ LẤY MẪU TRỌNG SA - ĐỊA HÓA DIỆN TÍCH TỶ LỆ 1:50.000
ĐINH ĐỨC ANH, NGUYỄN TRỌNG DŨNG, NGUYỄN PHƯƠNG ĐÔNG,
NGUYỄN HUY THỰ, PHẠM VĂN THẮNG, CHU NGỌC TUYẾN,
PHẠM QUANG PHÚC, PHẠM QUỐC UY
Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc

     Tóm tắt: Kết quả công tác lấy mẫu trọng sa - địa hóa tỷ lệ 1: 50.000 nhóm tờ Phố Lu - Bắc Than Uyên bước đầu đã có những ghi nhận mới về địa chất - khoáng sản, có ý nghĩa định hướng cho công tác đo vẽ tiếp theo. Trong đó, các ghi nhận đáng quan tâm gồm:
     - Ghi nhận sự có mặt của loại hình khoáng sản đất hiếm kiểu hấp phụ ion trong vỏ phong hóa các thành tạo granit chưa rõ tuổi thuộc đới cấu trúc Phan Si Pan, trước đây được xếp vào hệ tầng Sin Quyền, là loại hình khoáng sản có tiềm năng lớn trong diện tích nhóm tờ;
     - Ghi nhận các dải khoáng hóa vàng gốc có triển vọng: Pắc Ta liên quan với các đá núi lửa phức hệ Tú Lệ và Hứa Cuổi - Nậm Sổ liên quan với các thành tạo cát bột kết tuf bị carbonat hóa hệ tầng Pu Tra và các đai mạch lamproid, minet phức hệ Cốc Pìa;
     - Phát hiện nhiều thể gabro, gabro pegmatit trong đới cấu trúc Sông Hồng có liên quan với sự thành tạo quặng hóa graphit nguồn gốc khí hóa nhiệt dịch; vỏ phong hóa phát triển trên chúng có liên quan với sa khoáng ilmenit; trên diện lộ của chúng đã ghi nhận các tảng lăn đá skarnoid có biểu hiện khoáng hóa molybdenit.

ĐẶC ĐIỂM KHOÁNG HOÁ ĐỒNG (VÀNG) TÂN CA, HUYỆN MỘC CHÂU,                    TỈNH SƠN LA
ĐỖ VĂN THANH, NGUYỄN VĂN THUẬT, HOÀNG VĂN QUYỀN
Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc

    Tóm tắt: Điểm khoáng hoá đồng (vàng) Tân Ca nằm trong đới cấu trúc sinh khoáng Tân Ca, các thân quặng đều liên quan với đới dập vỡ, cà nát, milonit của các đá núi lửa hệ tầng Viên Nam. Các thân quặng có đặc điểm khá phức tạp, bị biến đổi mạnh về quy mô cũng như hàm lượng đồng.
     Khoáng vật nguyên sinh chủ yếu là chalcopyrit phân bố ở dạng xâm tán, ổ đi cùng các vi mạch thạch anh hoặc xâm tán trong đá bazan, khoáng vật thứ sinh là bornit, covelit, malachit, azurit thường  tạo thành ổ, hoặc tạo thành màng bám trong các khe nứt của đá. Ngoài khoáng sản đồng (vàng) là đối tượng khoáng sản chính, còn có biểu hiện của một số khoáng sản khác như chì, kẽm, barit.

ĐẶC ĐIỂM QUẶNG HÓA ANTIMON KHU VỰC DON NGEUN, HUYỆN PHON THOONG, TỈNH LUANG PRABANG, CHDCND LÀO
ĐINH ĐỨC ANH, NGUYỄN TRỌNG DŨNG,
NGUYỄN PHƯƠNG ĐÔNG, NGUYỄN VĂN KHÁNH
Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc, Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội

     Tóm tắt: Kết quả công tác điều tra địa chất-khoáng sản tỷ lệ 1:25.000 và thăm dò ở khu vực Don Ngeun -Tà Tơn thuộc huyện Phon Thoong, tỉnh Luang Prabang (CHDCND Lào) đã phát hiện và khoanh định được các thân quặng antimon có giá trị công nghiệp. Thành phần khoáng vật quặng chủ yếu là antimonit, arsenopyrit, pyrit, khoáng vật mạch có thạch anh. Quặng hóa thuộc kiểu thành hệ antimonit - thạch anh, nguồn gốc nhiệt dịch nhiệt độ trung bình -thấp. Kết quả điều tra, thăm dò cũng cho thấy đây là khu vực có tiềm năng lớn về khoáng sản antimon, cần được tìm kiếm, thăm dò mở rộng ra các khu vực lân cận.

ĐẶC ĐIỂM PHÂN BỐ - TRIỂN VỌNG VÀ GIÁ TRỊ SỬ DỤNG ĐÁ MỸ NGHỆ Ở VÙNG VĂN CHẤN, TỈNH YÊN BÁI
PHẠM THỊ NỤ, PHẠM THANH BÌNH, LA MAI SƠN
 Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc    

     Tóm tắt: Bài báo giới thiệu một số đặc điểm phân bố, triển vọng tài nguyên và giá trị sử dụng đá mỹ nghệ ở vùng Văn Chấn phục vụ cho quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Yên Bái.
     Kết quả điều tra chi tiết khoáng sản đá mỹ nghệ vùng Văn Chấn cho thấy chúng có những đặc điểm riêng biệt thuộc hai kiểu: đá mỹ nghệ nguồn gốc trầm tích phân bố trong hệ tầng Bản Páp, Bải Cải và đá mỹ nghệ nguồn gốc biến chất trong thành tạo biến chất nhiệt động hệ tầng Sin Quyền.
     Hiện nay, một số vị trí phát hiện đá mỹ nghệ như ở: Suối Giàng, Suối Bu, Suối Lốp, Khe Thắm, Sùng Đô, chúng đang được khai thác để chế tác đá mỹ nghệ sử dụng trong đời sống văn hóa của người dân. Không chỉ vậy, một số đá trong nhóm đá mỹ nghệ nguồn gốc trầm tích bước đầu được sử dụng cho công nghiệp sản xuất “nhân” nuôi cấy trai ngọc, loại ngọc tạo hình dùng trang sức đang có sức hấp dẫn trên thị trường trong và ngoài nước.

TÀI NGUYÊN ĐÁ CARBONAT TRONG ĐỚI CẤU TRÚC HẠ LANG
HOÀNG BÁ QUYẾT
Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc

     Tóm tắt: Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc đã hoàn thành điều tra, lập bản đồ địa chất khoáng sản tỉ lệ 1:50.000 trên toàn diện tích đới cấu trúc Hạ Lang với diện tích khoảng 2.400 km2. Trong đó, các đá carbonat phân bố rộng rãi trên diện tích khoảng 1.550 km2, tập trung trong các hệ tầng Nà Quản (D1-D2e nq), Bản Cỏng (D2gv bcg), Nà Đắng (D2gv-D3fr nđ), Tốc Tát (D3-C1 tt), Bắc Sơn (C-P bs), Lũng Nậm (C1 ln). Kết quả đo vẽ địa chất tỷ lệ 1:50.000 và điều tra khoáng sản chi tiết 1:10.000 các vùng Cách Linh, Bản Nưa, Bản Thần, Thượng Thôn, Quang Long, Quảng Uyên, Nà Vường đã xác định các đá carbonat có chất lượng tốt, quy mô lớn, có thể sử dụng làm khoáng chất công nghiệp, vật liệu xây dựng, đá mỹ nghệ. Các tầng đá carbonat còn góp phần tạo nên các di sản địa mạo như hang động, thác nước và cảnh quan thiên nhiên, có giá trị để phát triển du lịch.

ĐẶC ĐIỂM BIẾN DẠNG KIẾN TẠO KHU VỰC NHÓM TỜ BẮC GIANG VÀ MỐI LIÊN QUAN CỦA CHÚNG VỚI
QUẶNG HÓA NỘI SINH QUA KẾT QUẢ ĐO VẼ ĐỊA CHẤT VÀ ĐIỀU TRA KHOÁNG SẢN TỶ LỆ 1: 50.000
VŨ XUÂN LỰC
Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc

      Tóm tắt: Khu vực Nhóm tờ Bắc Giang thuộc một phần các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Hải Dương, thuộc miền cấu trúc Đông Bắc Bộ. Đây là nơi có cấu trúc địa chất khá phức tạp, gồm nhiều thành tạo địa chất có thành phần, tuổi, nguồn gốc, có đặc điểm biến dạng khác nhau. Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, các thành tạo địa chất trong vùng đã chịu những tác động bởi ít nhất 6 pha biến dạng kiến tạo. Mỗi pha biến dạng được đặc trưng bởi một hoặc một tổ hợp các cấu tạo đại diện cho một chế độ biến dạng diễn ra trong giai đoạn phát triển địa chất mang tính khu vực. Các pha sớm (Pha 1, 2, 3) diễn ra trong môi trường dẻo hoàn toàn, Pha 4 diễn ra trong môi trường dẻo tới dòn-dẻo, Pha 5 diễn ra trong chế độ dòn. Các pha biến dạng sau thường tác động mạnh tới các cấu tạo của các pha trước đó, nên đã làm cho cấu trúc địa chất khu vực cũng như các thân quặng trở nên khá phức tạp. Một số loại cấu tạo có mối liên quan chặt chẽ và có ý nghĩa khống chế với các thành tạo quặng hoá nội sinh trong khu vực. Trong đó, Pha 2 khống chế sự thành tạo các tích tụ vàng, đồng, chì, kẽm, barit, thủy ngân; Pha 4 liên quan tới thành tạo quặng vàng, barit (chì, kẽm, đồng, vàng).

LỊCH SỬ NHIỆT ĐỘNG CỦA CÁC THÀNH TẠO TRẦM TÍCH BIẾN CHẤT VÙNG TRUNG TÂM NẾP LỒI TẠ KHOA VÀ
Ý NGHĨA CỦA CHÚNG TRONG TIẾN HÓA KIẾN TẠO TÂY BẮC BỘ
           VŨ XUÂN LỰC1, TRẦN THANH HẢI2, LƯƠNG QUANG KHANG2, YOONSUP KIM3
1Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc; 2Trường Đại học Mỏ - Địa chất
3Chungbuk National University (CBNU), Republic of Korea

     Tóm tắt: Khu vực trung tâm phức Nếp lồi Tạ Khoa thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Đây là vùng có cấu trúc địa chất hết sức phức tạp, được cấu tạo bởi nhiều loại đá nhưng chủ yếu là các thành tạo trầm tích biến chất cao, tạo nên phần nhân của phức nếp lồi, phủ trên là các thành tạo biến chất và các thành tạo nguồn phun trào trẻ hơn. Các đá này bị các thể magma có thành phần và nguồn gốc đa dạng xuyên cắt, gây biến đổi mạnh mẽ. Các đá trầm tích biến chất trong khu vực bị tác động bởi ít nhất 5 pha biến dạng và 2 pha biến chất chính, trong đó pha biến dạng 1 là pha biến dạng mạnh mẽ nhất, đi kèm sự kiện biến chất thứ nhất (M1), đạt tướng amphibolit với sự hình thành rộng rãi của fibrolit. Pha biến dạng 2 diễn ra trong điều kiện nhiệt áp duy trì từ pha 1 và tạo nên sự kết tinh cục bộ của silimanit. Pha biến dạng 3 liên quan tới sự kiện biến chất 2 ở mức độ thấp hơn, dẫn tới sự thay thế giật lùi của tổ hợp khoáng vật nhiệt độ cao hơn bằng tổ hợp khoáng vật biến chất thấp hơn. Các pha biến dạng muộn hơn có mức độ biểu hiện yếu ớt và không tác động đáng kể tới bình đồ cấu trúc khu vực. Kết quả định tuổi U-Pb, của các hạt zircon và monnazit trong các đá trầm tích biến chất và pegmatitic magma, bằng Phổ khối ion độ nhạy phân giải cao (SHRIMP) cho thấy, đá trầm tích biến chất được hình thành muộn nhất là vào đầu kỷ Devon (411 Tr.n). Pha biến dạng sớm nhất (B1) tác động lên chúng có thể bắt đầu từ giữa Carbon và kéo dài ít nhất đến đầu Trias (tương ứng với 250 Tr.n) khi kịch điểm biến chất của pha biến chất 1 (M1) xảy ra. Quá trình biến dạng tiếp tục với Pha 2 diễn ra ở chế độ nhiệt áp cao được duy trì từ Pha 1 trong thời gian khoảng từ 230-240 Tr.n. Pha biến dạng thứ 3 diễn ra tương đồng với quá trình biến chất ở nhiệt độ thấp hơn, có thể do sự nâng cao tạo núi và bóc mòn, tạo ra thế hệ khoáng vật biến chất thấp thay thế các khoáng vật biến chất cao. Các pha biến dạng muộn hơn đều diễn ra trong điều kiện giảm nhiệt-áp, tương ứng với sự nâng lên dần và bóc mòn của vỏ Trái đất nhưng không làm ảnh hưởng lớn đến bình đồ cấu trúc khu vực. 

ĐẶC ĐIỂM HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỚI ĐỨT GÃY CAO BẰNG - TIÊN YÊN TRONG GIAI ĐOẠN NEOGEN – ĐỆ TỨ
VÀ CÁC TAI BIẾN ĐỊA CHẤT LIÊN QUAN
TRẦN NGỌC DIỄN1, BÙI CHÍ TIẾN1, ĐÀO VĂN THỊNH2, PHẠM VĂN HÙNG3
1Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc; 2Viện Địa chất và Môi trường,Phạm Ngũ Lão, Hoàn Kiếm, Hà Nội; 3Viện Địa chất, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, Phố Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội.

      Tóm tắt: Đới đứt gãy Cao Bằng - Tiên Yên là đới đứt gãy hoạt động, riêng trong giai đoạn Neogen - Đệ tứ đã xảy ra hai pha hoạt động. Các dấu hiệu về hoạt động của chúng được ghi nhận bởi các tài liệu địa mạo, ảnh viễn thám và các số liệu đo đạc ngoài thực địa. Trong đó, pha sớm đặc trưng bởi tính chất chuyển động trượt bằng trái, pha muộn đặc trưng bởi tính chất trượt bằng phải. Hoạt động của các pha biến dạng này đã gây ra các tai biến địa chất dọc theo đới đứt gãy như: động đất, nứt đất, trượt lở đất đá, xói lở bờ sông,...

ĐẶC ĐIỂM ĐỊA HÓA VỎ PHONG HÓA CÁC ĐÁ BAZAN HỆ TẦNG VIÊN NAM KHU VỰC TÂN CA, Ý NGHĨA TÌM KIẾM
 NGUYỄN TRỌNG DŨNG, ĐỖ VĂN THANH
Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc

 Tóm tắt: Kết quả lấy mẫu địa hóa đất phủ trong công tác điều tra khoáng sản chi tiết đồng-vàng vùng Tân Ca (nhóm tờ Mộc Châu) cho phép rút ra một số nhận định sau:
Phương pháp tìm kiếm theo vành phân tán địa hóa thứ sinh trong công tác điều tra khoáng sản chi tiết đối với các loại hình khoáng sản như đồng, chì-kẽm,… hiện đang được áp dụng trong đo vẽ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1: 50.000 tại Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc là phương pháp nghiên cứu kết hợp đã thực sự phát huy hiệu quả.
Quá trình triển khai áp dụng trong việc tìm kiếm đồng (vàng) vùng Tân Ca cho thấy tính hiệu quả cao của phương pháp bằng việc phát hiện hàng loạt các thân quặng đồng gốc cũng như mối liên quan mật thiết giữa các dị thường địa hóa của nguyên tố Cu với các thân quặng đồng.

ĐẶC ĐIỂM ĐỊA CHẤT TAI BIẾN, ĐỊA CHẤT MÔI TRƯỜNG KHU VỰC CHÍ LINH, TỈNH HẢI DƯƠNG
BÙI TIẾN DŨNG, VŨ XUÂN LỰC, NGUYỄN ĐỨC NHƯỢNG
Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc

     Tóm tắt: Khu vực Chí Linh nằm ở phía Bắc tỉnh Hải Dương, đây là khu vực có mật độ dân cư tập trung khá cao, có rất nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và là vùng thuộc vành đai kinh tế quan trọng Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng - Quảng Ninh. Có nhiều nhà máy và nhiều nơi đang được khai thác khoáng sản. Đi kèm theo chúng các chất thải công nghiệp gây ô nhiễm môi trường đất, nước và đã ảnh hưởng trực tiếp tới dân cư trong vùng cũng như các khu du lịch sinh thái của vùng. Các hệ thống sông suối trong vùng khá phát triển, đặc biệt đây là nơi hợp lưu của các con sông lớn (được gọi là Lục Đầu Giang) thường xuyên xảy ra các hiện tựơng xói lở đường bờ, mất và thay đổi dòng chảy, gây lũ lụt. Đây còn là khu vực có hoạt động Tân kiến tạo khá mạnh, luôn có nguy cơ xảy ra các hiện tượng sụt lún đất, trượt lở đất đá ở các khu vực đồi núi. Kết quả điều tra đã chỉ ra, trong khu vực ở một số vùng, đã xảy ra và có nguy cơ xảy ra các dạng tai biến về trượt lở đất đá ở dưới chân sườn núi dọc đường giao thông. Quá trình xói lở bờ sông cũng xảy ra mạnh mẽ và có nguy cơ sẽ xảy ra rất lớn ở nơi hợp nhất của các con sông lớn. Về môi trường nước, môi trường đất, môi trường phóng xạ, nhìn chung đều đảm bảo yêu cầu theo các tiểu chuẩn hiện hành. Tuy nhiên, ở một số vùng đã bị ô nhiễm bởi một số nguyên tố độc hại, bị nhiễm khuẩn hoặc thiếu hụt một số nguyên tố cần thiết trong đất trồng. Để tránh những nguy cơ về các tai biến địa chất có thể xảy ra và tác động của ô nhiễm môi trường, cần phải có biện pháp tổng thể để xử lý và phòng tránh.


NGHIÊN CỨU TÍNH TOÁN VẬN CHUYỂN TRẦM TÍCH VÀ BIẾN ĐỔI ĐỊA HÌNH ĐÁY BIỂN VEN BỜ SÓC TRĂNG - CÀ MAU SỬ DỤNG MÔ HÌNH MIKE21 BẰNG PHƯƠNG PHÁP PHẦN TỬ HỮU HẠN
LƯU THÀNH TRUNG1, VŨ TUẤN ANH2, VŨ VĂN PHÁI3,
VŨ QUANG LÂN4, PHẠM HẠNH NGUYÊN5
1Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường
2Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
3Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội
4Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc; 5Tổng cục Môi trường

     Tóm tắt: Trong bài báo này, các tác giả trình bày về phương pháp tính toán vận chuyển trầm tích từ sông Cửu Long ra biển, tính toán sóng, dòng chảy, lan truyền cũng như thay đổi địa hình đáy. Nghiên cứu chủ yếu thực hiện bởi phần mềm MIKE21 bằng phương pháp phần tử hữu hạn. Các kết quả thu được dựa trên số liệu gió năm 2012 tại trạm Côn Đảo và số liệu lưu lượng, nồng độ trầm tích lơ lửng sông Hậu (trạm Cần Thơ), sông Tiền (trạm Mỹ Thuận) năm 2012 của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nghiên cứu này góp phần cung cấp cơ sở dữ liệu phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế và phòng tránh tai biến xói lở - bồi tụ đối với dải bờ biển thuộc địa phận các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau với chiều dài đường bờ biển khoảng 382 km (bao gồm Sóc Trăng: 72 km, Bạc Liêu: 56 km; Cà Mau: 254 km).

KẾT QUẢ ÁP DỤNG CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐỊA VẬT LÝ TÌM KIẾM NƯỚC KHOÁNG NÓNG Ở KHE LẶC, HUYỆN TIÊN YÊN, TỈNH QUẢNG NINH
TRẦN VĂN HẠNH
 Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc

     Tóm tắt: Việc áp dụng các phương pháp điện, từ để giải quyết các nhiệm vụ địa chất thủy văn ở Việt Nam đã đạt được những hiệu quả nhất định ở một số nơi có điều kiện tiếp đất thuận lợi, trong đó có điểm nước khoáng nóng Khe Lặc, xã Đại Thành, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Công tác đo địa vật lý ở Khe Lặc đã khoanh định được đới dị thường liên quan đến đới dập vỡ, dẫn và chứa nước khoáng nóng. Kết quả khoan địa chất thủy văn trên dị thường địa vật lý đã gặp nước khoáng nóng ở độ sâu 38,5 m. Bài báo giới thiệu kết quả áp dụng tổ hợp các phương pháp địa vật lý điều tra, đánh giá nước khoáng nóng ở Khe Lặc, tỉnh Quảng Ninh.

NGHIÊN CỨU NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐỊA VẬT LÝ TẠI ĐOÀN ĐỊA VẬT LÝ 209
NGUYỄN ĐỨC NHƯỢNG, PHẠM VĂN HÙNG, ĐÀO XUÂN TRƯỜNG
Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc

     Tóm tắt: Đoàn Địa vật lý 209 là đơn vị chuyên đề thuộc Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc. Trong những năm gần đây, nhu cầu áp dụng phương pháp địa vật lý phục vụ nghiên cứu địa chất, điều tra khoáng sản và các ngành khác ngày càng đa dạng. Để góp phần nâng cao năng lực giải quyết các nhiệm vụ trong và ngoài ngành, các cán bộ kỹ thuật Đoàn Địa vật lý 209 đã kế thừa và phát huy tốt những kinh nghiệm của thế hệ đi trước, đẩy mạnh việc ứng dụng kỹ thuật cải tiến thiết bị công nghệ nâng cao hiệu quả công tác địa vật lý, đáp ứng các yêu cầu điều tra cơ bản địa chất, môi trường, đánh giá và thăm dò khoáng sản.

ỨNG DỤNG VIỄN THÁM VÀ HỆ THÔNG TIN ĐỊA LÝ NGHIÊN CỨU BIẾN ĐỘNG ĐƯỜNG BỜ VÙNG CỬA SÔNG DIÊM ĐIỀN (DIÊM HỘ), TỈNH THÁI BÌNH
TRƯƠNG XUÂN LUẬN1, ĐỖ MINH HẰNG1, VŨ QUANG LÂN2
1Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội
2Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc

     Tóm tắt: Bài báo giới thiệu kết quả nghiên cứu về biến động đường bờ vùng cửa sông bằng phân tích dữ liệu viễn thám, đối sánh, kiểm định với kết quả quan trắc thực tế và một số bản đồ hiện có, đặc biệt là bản đồ sử dụng đất. Kết quả ghi nhận hiện tượng xói lở, bồi tụ cửa sông Diêm Điền khác nhau theo các năm và các giai đoạn khác nhau trong năm. Nhìn chung, diện tích bồi tụ lớn hơn nhiều so với diện tích xói lở và đặc điểm nổi bật là hiện tượng bồi tụ xảy ra chủ yếu ở đường bờ biển, xói lở xảy ra chủ yếu ở ven sông.

NHỮNG KẾT QUẢ CHỦ YẾU VỀ ĐỊA CHẤT – KHOÁNG SẢN VÀ HOẠT ĐỘNG KỸ THUẬT CỦA LIÊN ĐOÀN BẢN ĐỒ
ĐỊA CHẤT MIỀN BẮC TRONG GIAI ĐOẠN 2009 - 2014
                    VŨ QUANG LÂN, LA MAI SƠN, TRẦN VĂN LONG
         Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc

     Tóm tắt: Trong giai đoạn 2009-2014, công tác kỹ thuật của Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc đã có những bước chuyển biến khá nổi bật. Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, Liên đoàn còn tham gia thực hiện các đề án Chính phủ, các hợp đồng sản xuất dịch vụ địa chất theo xu hướng đa dạng hóa công việc. Kết quả của các đề án điều tra cơ bản địa chất đã xây dựng được các bản đồ địa chất, khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 đạt tiêu chuẩn quốc gia, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về địa chất khu vực còn tồn tại, xác định được nhiều diện tích có triển vọng khoáng sản để chuyển sang đánh giá chi tiết hơn, khoanh định được những khu vực có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất và đề xuất biện pháp phòng tránh thích hợp, nhiều phát hiện mới nổi bật về địa chất, khoáng sản có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tế. Các đề tài khoa học - công nghệ và những phần công việc thuộc đề án Chính phủ do Liên đoàn thực hiện đều được hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, có những kết quả mới về địa chất và khoáng sản. Việc hoàn thành đúng tiến độ với chất lượng cao của những phần công việc thuộc các đề án Chính phủ đã góp phần vào thành quả chung của toàn đề án.
     Để có được những kết quả mới, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn về địa chất, khoáng sản, Liên đoàn luôn quan tâm đến công tác đào tạo lực lượng cán bộ kỹ thuật bằng nhiều hình thức khác nhau.
Mục tiêu chung, xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động kỹ thuật của Liên đoàn là xây dựng lực lượng cán bộ kỹ thuật đủ mạnh, đáp ứng được yêu cầu đa dạng hóa công việc trong thời gian trước mắt và lâu dài.

Hỗ trợ trực tuyến