HỘI NGHỊ KHOA HỌC CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 55 NĂM THÀNH LẬP LIÊN ĐOÀN BẢN ĐỒ ĐỊA CHẤT MIỀN BẮC (1959-2014)

     Chào mừng kỷ niệm 55 năm thành lập (1959-2014), Liên đoàn tổ chức Hội nghị khoa học vào ngày 11 tháng 10 năm 2014, với mục đích tăng cường trao đổi về các lĩnh vực chuyên môn Liên đoàn đang thực hiện giữa cán bộ kỹ thuật trong Liên đoàn với các cộng tác viên và các nhà khoa học hiện đang công tác ở trong và ngoài ngành.
     Tham dự Hội nghị có Ban Lãnh đạo Liên đoàn, lãnh đạo các phòng quản lý, lãnh đạo các đơn vị trong Liên đoàn; đại diện Vụ Địa chất - Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, trường Đại học Mỏ - Địa chất, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm; đại diện cán bộ kỹ thuật lão thành và toàn thể cán bộ kỹ thuật của Liên đoàn.
     Chủ trì Hội nghị: TS. Vũ Quang Lân, Phó Liên đoàn trưởng.
     Hội nghị đã nghe và thảo luận 7 báo cáo khoa học; tuy số lượng báo cáo không nhiều, nhưng qua các báo cáo đã thể hiện dưới hình thức khá đa dạng một phần kết quả nghiên cứu, điều tra địa chất - khoáng sản, địa vật lý, tai biến địa chất và địa chất môi trường của Liên đoàn trong những năm gần đây; các báo cáo của PGS, TS. Nguyễn Phương và TS. Hoàng Ngọc Kỷ đã mang tới Hội nghị nhiều thông tin mới.

      Hội nghị khoa học này đã đạt được mục đích tăng cường trao đổi về các lĩnh vực chuyên môn Liên đoàn đang thực hiện giữa cán bộ kỹ thuật trong Liên đoàn với các cộng tác viên và các nhà khoa học hiện đang công tác ở trong và ngoài ngành. Qua Hội nghị này, hy vọng sẽ góp phần khơi dậy sự niềm đam mê nghiên cứu khoa học địa chất trong lực lượng cán bộ kỹ thuật trẻ của Liên đoàn, đồng thời cũng góp phần tăng cường sự giao lưu, trao đổi giữa cán bộ kỹ thuật của     Liên đoàn với các đơn vị bạn và các cán bộ nghiên cứu, giảng viên ở các trường Đại học.
     Nhân dịp này, Ban Tổ chức Hội nghị trân trọng cảm ơn các tác giả, các cán bộ kỹ thuật và các cộng tác viên đã dành nhiều thời gian, công sức chuẩn bị nội dung báo cáo, các đại biểu đã nhiệt tình tham dự, góp phần thiết thực và quan trọng cho Hội nghị thành công.
     Các tóm tắt báo cáo tại Hội nghị được đưa lên Website của Liên đoàn, để mở rộng phạm vi tra cứu và trao đổi thông tin khoa học.

Ảnh 1: Toàn cảnh Hội nghị


Ảnh 2. PGS. TS. Nguyễn Phương trình bày báo cáo tại Hội nghị


Ảnh 3. Th.S Vũ Xuân Lực trình bày báo cáo tại Hội nghị


Ảnh 4. TS. Hoàng Ngọc Kỷ, nguyên Đoàn trưởng Đoàn 204 tặng sách cho Liên đoàn tại Hội nghị

TỔNG CỤC ĐỊA CHẤT VÀ KHOÁNG SẢN VIỆT NAM
LIÊN ĐOÀN BẢN ĐỒ ĐỊA CHẤT MIỀN BẮC
---------------------&---------------------



HỘI NGHỊ KHOA HỌC
CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 55 NĂM THÀNH LẬP
LIÊN ĐOÀN BẢN ĐỒ ĐỊA CHẤT MIỀN BẮC (1959-2014)
TÓM TẮT CÁC BÁO CÁO






THÁNG 10 - 2014

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỊA CHẤT VÀ MÔI TRƯỜNG
ĐỆ TỨ VIỆT NAM
 
                         HOÀNG NGỌC KỶ
                     Nguyên Đoàn trưởng Đoàn 204
                   ĐT: 0909342467, Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

           Công tác đo vẽ bản đồ địa chất Đệ tứ tỷ lệ 1:200.000 trên toàn bộ đồng bằng Việt Nam đã được hoàn thành vào năm 1991. Tuy nhiên tài liệu đo vẽ mỗi tờ hay cụm tờ được lưu trữ trong kho, nếu không được đối sánh liên kết thì những tài liệu này cũng không có giá trị về khoa học và sử dụng trong thực tế phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
          Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu ở tỷ lệ 1:200.000 và những nghiên cứu của bản thân, tác giả đã tổng hợp biên tập 3 chuyên khảo “Loess nguồn gốc gió ở Việt Nam và Đông Nam Á” do Nhà xuất bản KH-KT ấn hành năm 2007, “Địa chất và môi trường Đệ tứ Việt Nam”, Nhà xuất bản KH-KT ấn hành năm 2010 và “An ninh  môi trường - Hiểm họa và phương pháp phòng chống” do Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành 2014.   
           Nội dung ba chuyên khảo này là tổng hợp kết quả công tác nghiên cứu, đo vẽ bản đồ địa chất Đệ tứ đồng bằng của Ngành Địa chất ở tỷ lệ 1:200.000 và các nghiên cứu khác của tác giả trong hơn 44 năm qua (từ 1970 cho đến nay). Những vấn đề được trình bày trong Hội nghị cũng là nội dung chính của ba Chuyên khảo, bao gồm 8 nội dung:
         - Đất Loess (Hoàng thổ);
         - Địa tầng Đệ tứ Việt Nam;
         - Giao động mực nước biển trong kỷ Đệ Tứ ở Việt Nam;
         - Than nâu đồng bắng Bắc Bộ;
         - Về bauxit cao nguyên Bảo Lộc và Đắc Nông;
         - Về Biến đổi khí hậu và nước biển dâng;
         - Phòng chống hiểm họa môi trường;
         - Tài liệu nghiên địa chất Đệ tứ có thề góp phần nghiên cứu cổ sử.


ĐẶC ĐIỂM THẠCH ĐỊA HÓA CÁC THÀNH TẠO MAGMA NHÓM TỜ MỘC CHÂU
                               TRẦN VĂN THÀNH
                                 Đoàn Đo vẽ bản đồ Địa chất

     Trên diện tích nhóm tờ Mộc Châu các thành tạo magma phát triển trong phạm vi hẹp, phân bố chủ yếu ở phía Tây nam nhóm tờ (dọc Sông Mã). Các thành tạo magma có thành phần từ siêu bazơ đến axit và tuổi từ Paleozoi sớm đến Permi, gồm 4 phức hệ: Núi Nưa, Bó Xinh, Mường Lát, Điện Biên và các đai mạch không rõ tuổi.
     Phức hệ Núi Nưa (çPZ1nn)
     Trên diện tích của nhóm tờ, phức hệ này phân bố ở khu vực Tén Tằn với diện tích khoảng 4km2.
     Đặc điểm thạch học: thành phần chủ yếu là dunit, olivinit, harbugit, pyroxenit, các đá bị biến đổi mạnh; khoáng vật đặc trưng: serpentin, olivin, pyroxen, actinolit, epydot, chlorit.
     Đặc điểm địa hóa: đặc trưng của phức hệ có hàm lượng tổng kiềm thấp (Na2O+K2O: 0,39 -0,77%), MgO Cao; thuộc loạt tholeit, trội magie; loạt sodic (kiềm natri), trội calci. Các nguyên tố đất hiếm đều nhỏ hơn so với trị số Clark; các nguyên tố vết hầu như ngang hoặc trội hơn không nhiều so với Clark, chỉ có các nguyên tố phóng xạ trội hơn trị số Clack vài lần.  Đối sánh đặc điểm địa hóa với khối chuẩn, hàm lượng các nguyên tố chính khá tương đồng nhau (riêng chỉ có hàm lượng T.Fe cao hơn). Hàm lượng các nguyên tố: Ti, Co, Ni… thấp hơn nhiều so với khối chuẩn.
     Bối cảnh thành tạo của các đá thuộc phức hệ rơi vào trường dãy núi giữa đại dương.
     Khoáng sản liên quan đến phức hệ là: Ni.
     Phức hệ Bó Xinh (éPZ1bx)
     Trong diện tích nhóm tờ gặp một số thể nhỏ rộng vài mét đến vài chục mét, kéo dài vài chục mét tới vài trăm mét, phân bố ở phía đông bắc bản Tén Tằn và đông bắc thị trấn Mường Lát.
    Đặc điểm thạch học: Thành phần chủ yếu là gabro, gabro amphibol bị biến đổi mạnh; khoáng vật chủ yếu: plagioclas, hornblend.
     Đặc điểm địa hóa: các đá của phức hệ có hàm lượng tổng kiềm khá cao (3,31-4,2 %), hàm lượng nguyên tố Ti thấp, Mg cao, thuộc kiểu kiềm natri, cao calci. Hàm lượng các nguyên tố đất hiếm so với Chondrit đều cao hơn (2-95) lần; hàm lượng các nguyên tố vi lượng đều thấp hoặc ngang bằng với trị số Clark. Đối sánh với kết quả có được ở khối chuẩn nhận thấy: hàm lượng các nguyên tố chính khá tương đồng; còn các nguyên tố (Cu-Ni-Co) đều cho hàm lượng thấp hơn khối chuẩn.
     Trên biểu đồ phân định nguồn gốc đá magma, các đá của phức hệ rơi vào trường đảo đại dương.

     Phức hệ Mường Lát (ÛC1ml)
     Các đá thuộc phức hệ phân bố ở phía nam nhóm tờ với tổng diện tích khoảng 240km2.
     Đặc điểm thạch học: phức hệ được chia thành 3 pha với thành phần như sau:
     Pha 1: granit biotit, granit hai mica hạt vừa – thô.
     Pha 2: granit muscovit, granit hai mica sáng màu hạt nhỏ.
     Pha 3: aplit, pegmatit sáng màu.
    Khoáng vật chính của phức hệ: thạch anh, plagioclas, felspat, muscovit, biotit; khoáng vật phụ: apatit, zircon,...
    Đặc điểm địa hóa: các đá thuộc phức hệ có tổng sắt thấp, tổng kiềm cao (trội kali), nhôm cao; thuộc loạt patosic (kiềm kali), nghèo natri; loạt kiềm vôi trung bình kali; thuộc granit kiểu S. Các nguyên tố đất hiếm đều thấp hơn hoặc ngang bằng trị số Clark, các nguyên tố vi lượng cũng thấp hơn so với trị số Clark. Qua kết quả này phù hợp với kết quả phân tích khối chuẩn Mường Lát, một số nguyên tố (Cu, Ni, Co) theo kết quả trước đây thì ở đây đều cho hàm lượng thấp. Trên biểu đồ phân định nguồn gốc đá magma, các đá của phức hệ rơi vào trường granit nội mảng.
     Khoáng sản liên quan: Cu.
     Phức hệ Điện Biên (é,ÛP3đb)
     Trên diện tích của nhóm tờ, phức hệ này phân bố khá rộng rãi ở phía nam bản Tén Tằn với diện tích khoảng 42km2. Quan hệ giữa các pha xâm nhập trong phức hệ không rõ ràng, mà chỉ có pha đá mạch là được thể hiện xuyên cắt rõ nhất.
     Đặc điểm thạch học: Các đá của phức hệ có thành phần từ bazơ đến axit, được chia thành 4 pha:
     Pha 1: gabro, gabrodiabas, diorit, monzodiorit, diorit thạch anh.
     Pha 2: granodiorit, granodorit hornblend.
     Pha 3: granit, granit hornblend hạt vừa đến thô.
     Pha 4: đá mạch aplit, pegmatit.
     Đặc điểm địa hóa: các đá của phức hệ có hàm lượng Al2O3 tương đối cao, thuộc loạt sodic (kiềm natri) nghèo calci; trên biểu đồ phân chia các kiểu granit thì các đá của phức hệ thuộc rơi vào kiểu I-granit và S-granit.
Hàm lượng các nguyên tố đất hiếm có sự tăng cao dần từ pha 1 đến pha 3, nhưng so với trị số Clark đa số đều thấp hơn. Hàm lương các nguyên tố vi lượng đối sánh với manti nguyên thuỷ cho thấy hàm lượng các nguyên tố không tương hợp dao động mạnh. Nhìn chung kết quả phân tích phù hợp với khối chuẩn, riêng nguyên tố tạo quặng Pb trong phức hệ so với khối chuẩn thấp hơn nhiều.
     Trên biểu đồ phân định nguồn gốc đá magma cho thấy phức hệ có nguồn gốc cung núi lửa và rìa lục địa tích cực.
     Khoáng sản liên quan: Cu, Zr, Cr, V.
     Các đai mạch không rõ tuổi
     Các đai mạch không rõ tuổi được phân bố rải rác trong toàn diện tích của nhóm tờ, chúng gồm tất cả các nhóm đá từ bazơ đến axit.
    Nhóm đá bazơ gồm: gabro, gabrodiabas, diabas.
    Nhóm đá trung tính gồm: đá mạch diorit, diorit thạch anh, granodiorit.
    Nhóm đá axit gồm: granit bị greizen hóa, granit aplit bị ép, Tonalit hai mica,...

NHỮNG KẾT QUẢ CHỦ YẾU TRONG CÔNG TÁC ĐIỀU TRA KHOÁNG SẢN TỶ LỆ 1:50.000 NHÓM TỜ MỘC CHÂU
                          ĐỖ VĂN THANH, HOÀNG VĂN QUYỀN
               Đoàn Đo vẽ Bản đồ địa chất

     Kết quả công tác lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 nhóm tờ Mộc Châu đã đăng ký được 30 điểm biểu hiện khoáng sản và biểu hiện khoáng hóa, gồm các loại khoáng sản: kim loại (sheelit, nickel, đồng, chì - kẽm, vàng); xạ hiếm; khoáng chất công nghiệp (dolomit, đá ốp lát) và nước khoáng ấm.
     Trong số 30 biểu hiện khoáng sản và biểu hiện khoáng hóa có 22 điểm do Đề án mới phát hiện; đáng chú ý là các phát hiện sheelit (vàng) Bản Ngà, đồng (vàng) Tân Ca, chì – kẽm (barit) Tà Lại, chì – kẽm Bản Cóm và vàng (sheelit) Bản Lát.
     Dưới đây là đặc điểm chính của một số biểu hiện khoáng sản trong diện tích nhóm tờ có triển vọng cần được quan tâm:
     Biểu hiện khoáng sản sheelit (vàng) Bản Ngà
     Đã phát hiện được 3 thân quặng và 4 thân khoáng, trong mẫu hóa wolfram hàm lượng WO3 0,1-0,21%, trong mẫu NL-HTNT Hàm lượng Au (g/t): 1,19-1,34. Tài nguyên dự báo cấp 334: 416,5 tấn WO3 và 173,9 kg vàng.
     Biểu hiện khoáng sản đồng (vàng) Tân Ca
     Đã phát hiện được 7 thân quặng đồng có bề dày 0,6-4,3m kéo dài 200-550m theo phương TB-ĐN, đến á vĩ tuyến.   Khoáng vật quặng nguyên sinh là chalcopyrit, khoáng vật thứ sinh là malachit, azurit màu xanh da trời, xanh lá cây dạng màng bám, rất ít bornit dạng ổ nhỏ xâm tán thưa.
    Kết quả phân tích hóa (%): Cu 0,21-11,45, HTNT đồng (ppm): Cu 5090-30270; Pb1-42; Zn 27-271; mẫu nung luyện (g/t): Au 1-0,6; Ag 1-20. Tài nguyên dự báo (TNDB) cấp 334a 1028 tấn Cu ; 12,6 kg vàng.
     Biểu hiện khoáng sản Chì - kẽm (Barit) Tà Lại
     Đã phát hiện 4 thân quặng Pb-Zn (barit) có bề dày 0,8-3,3m, dài 100-300m theo phương TB-ĐN.
     Kết quả phân tích mẫu hóa (%): Pb+Zn 0,59-10,68.
    Tài nguyên dự báo (TNDB) cấp 334a 14568,5 tấn Pb+Zn; 108.804 tấn Barit
     Biểu hiện khoáng sản Chì - kẽm (Barit) Bản Cóm
     Đã phát hiện 2 thân quặng chì-kẽm có chiều dày 1,25-3m dài 230-350m theo phương TB-ĐN.
     Kết quả phân tích 6/6 mẫu hóa (%): Pb+Zn 9,43-14,12.
     Tài nguyên dự báo (TNDB) cấp 334a 10.744,7 tấn Pb+Zn.
     Biểu hiện khoáng sản đá hoa nguyên liệu hóa (ốp lát) Đoàn Kết
     Đá hoa làm nguyên liệu hóa, ốp lát phân bố thành dải núi cao 500m-1000m, rộng 1-2km, kéo dài 10km từ Chòm Pọng đến bản Đoàn Kết theo phương ĐB-TN. Đá hoa thuộc hệ tàng Hàm Rồng (Ɛ3-O1 hr) phân lớp dày đến dạng khối, hạt nhỏ đến vừa, màu trắng khá sạch, ít bị nứt nẻ, có độ nguyên khối tốt.
     Kết quả mẫu hóa (%) CaO: 54,59-54,84; MgO: 0,38-0,89; SO3: 0,12-0,14; kết quả mẫu cơ lý cường độ kháng nén: 555-649kg/cm3; độ bóng: 29-47%; độ lỗ rỗng: 0,74- 1,1%, độ trắng: 84,6-88,3%
     Dự kiến các biểu hiện khoáng sản cần đầu tư nghiên cứu chi tiết:
     Trên cơ sở kết quả công tác điều tra khoáng sản chi tiết, có thể xác định các điểm khoáng sản có triển vọng cần đầu tư nghiên cứu chi tiết:
    - Biểu hiện khoáng sản sheelit (vàng) Bản Ngà;
    - Biểu hiện khoáng sản đồng (vàng) Tân Ca;
    - Biểu hiện khoáng sản chì-kẽm (barit) Tà Lại ;
    - Biểu hiện khoáng sản đá hoa nguyên liệu hóa (ốp lát) Đoàn Kết.

NGHIÊN CỨU CẤU TRÚC KIẾN TẠO PHỤC VỤ CHO CÔNG TÁC ĐIỀU TRA KHOÁNG SẢN
    VŨ XUÂN LỰC
 Đoàn Địa chất Viễn thám

       Những kết quả nghiên cứu gần đây về đặc điểm cấu tạo cho thấy quặng hoá nội sinh và quặng hóa ngoại sinh thành tạo trong quá trình trầm tích luôn liên quan mật thiết và được khống chế chặt chẽ bởi các cấu tạo địa chất. Các thế hệ cấu tạo hình thành trong các pha biến dạng khác nhau tạo nên sự giao thoa cấu trúc phức tạp và làm phức tạp các thành tạo địa chất nói chung cũng như quặng hoá nói riêng.
     Đối với quặng hóa nội sinh, chúng được hình thành liên quan tới một số pha biến dạng nhất định với nguồn gốc có thể là magma, nhiệt dịch hoặc biến chất và chúng được khống chế bởi các yếu tố cấu tạo như đới trượt, vòm nếp uốn, đáy khối xâm nhập.... Quá trình phát triển và phân bố của chúng thay đổi mạnh theo quá trình phát triển biến dạng của khu vực.
     Đối với quặng hóa ngoại sinh thành tạo trong quá trình trầm tích sau đó được gắn kết, chúng cũng trải qua nhiều tác động của các quá trình biến dạng với nhiều giai đoạn khác nhau, bởi vậy, thế nằm và đặc điểm hình thái thân quặng sẽ không còn được bảo tồn như khi ban đầu mà chúng được thành tạo.
Việc nghiên cứu chuyên sâu về mặt cấu trúc kiến tạo cũng như mối liên quan của nó với sự phát triển và phân bố quặng hóa hầu như chưa được tiến hành, làm cho công tác tìm kiếm và đánh giá khoáng sản gặp nhiều khó khăn và kém hiệu quả.
     Từ  những tồn tại nêu trên cần phải tiến hành công tác nghiên cứu cấu trúc kiến tạo một cách chi tiết. Những kết quả nghiên cứu sẽ đem đến những hiểu biết mới về cấu trúc địa chất khu vực, từ đó xác định lịch sử kiến tạo và mối quan hệ giữa cấu trúc với quy luật phân bố quặng hóa trong khu vực, phục vụ thiết thực cho công tác tìm kiếm và đánh giá quặng hoá.
     Trong báo cào này chúng tôi sẽ trình bày tóm lược về mục đích, nhiệm vụ, đối tượng, phạm vi, nội dung, phương pháp nghiên cứu cấu trúc, kiến tạo phục vụ cho điều tra khoáng sản và dẫn chứng ở một số khu vực đã được nghiên cứu.

VẤN ĐỀ LỰA CHỌN MẠNG LƯỚI THĂM DÒ VÀ PHƯƠNG PHÁP TÍNH TRỮ LƯỢNG KHOÁNG SẢN RẮN
NGUYỄN PHƯƠNG
      Trường Đại học Mỏ - Địa chất

     Thăm dò khoáng sản là giai đoạn đặc biệt trong công tác hoạt động khoáng sản, với mục đích đánh giá chất lượng và tính trữ lượng khoáng sản, là cơ sở dữ liệu để thành lập dự án đầu tư khai thác mỏ, thiết kế kỹ thuật thi công trong quá trình khai thác và tuyển khoáng. Vì vậy, công tác thăm dò đóng vai trò quan trọng và ngày càng phải hoàn thiện phương pháp để phát hiện có hiệu quả và đánh giá chất lượng, trữ lượng các thân quặng bảo đảm độ tin cậy, nhằm hạn chế tối đa rủi ro, bất trắc trong quá trình khai thác mỏ sau này.
     Việc lựa chọn phương tiện kỹ thuật thăm dò có ảnh hưởng quyết định đến độ tin cậy hay tính hiệu quả kinh tế của công tác thăm dò. Phương tiện kỹ thuật thăm dò áp dụng phù hợp với đối tượng nghiên cứu sẽ cho phép nhận được thông tin có độ tin cậy cao và giảm giá thành công tác thăm dò. Vì vậy, việc lựa chọn phương tiện kỹ thuật thăm dò phải dựa vào ba yếu tố cơ bản: Yếu tố địa chất mỏ, yếu tố công nghệ khai thác và yếu tố kinh tế - xã hội; trong đó yếu tố địa chất mỏ đóng vai trò quan trọng và có tính quyết định tiên quyết.
Việc xác định đúng đắn mật độ mạng lưới thăm dò là rất quan trọng trong thăm dò các mỏ khoáng sản rắn. Trong thăm dò có thể sử dụng một hoặc kết hợp một số phương pháp để lựa chọn mạng lưới thăm dò phù hợp với đối tượng tính trữ lượng. Việc sử dụng phương pháp cụ thể nào là tùy thuộc vào năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tế của người chủ biên và khả năng kinh tế, cũng như yêu cầu về cấp trữ lượng và mức độ phức tạp về địa chất.
       Kinh nghiệm thực tế cho thấy: khả năng áp dụng phương pháp tính trữ lượng nào đó là phụ thuộc chủ yếu vào phương pháp bố trí công trình thăm dò, mức độ chi tiết của công tác thăm dò, hình thái kích thước và điều kiện thế nằm của thân quặng công nghiệp. Đặc trưng phân bố của thành phần có ích và thành phần có hại trong thân khoáng, tính chất vật lý của nguyên liệu khoáng .

MỘT SỐ KẾT QUẢ ÁP DỤNG TỔ HỢP CÁC PHƯƠNG PHÁP MẶT CẮT PHÂN CỰC KÍCH THÍCH THIẾT BỊ LIÊN HỢP VÀ ẢNH ĐIỆN PHÂN CỰC TRONG TÌM KIẾM VÀNG GỐC, TRIỂN VỌNG ÁP DỤNG TRONG TÌM KIẾM KHOÁNG SẢN NỘI SINH
PHẠM VĂN HÙNG
Đoàn Địa Vật lý 209

     Trong tự nhiên, các thể địa chất không phải là những thể có dạng đặc biệt (đẳng thước), môi trường nghiên cứu lại không phải là những môi trường đồng nhất. Sự phân bố các thân quặng, mạch quặng vàng gốc, khoáng sản nội sinh và môi trường tương quan giữa các thân quặng với đá vây quanh rất đa dạng. Mặt khác cơ sở lý thuyết trường địa vật lý cho phép các bài toán thuận đều mới chỉ giải trong các điều kiện đối với những đối tuợng có dạng cầu, trụ hoặc những lớp có những thế nằm đặc biệt dạng dải, đẳng thước... còn cách rất xa so với yêu cầu của thực tế sản xuất.
     Do yêu cầu của thực tế cần phải lựa chọn tổ hợp các phương pháp đo sao cho phù hợp với đối tượng nghiên cứu phức tạp đa dạng như quặng vàng gốc và các khoáng sản nội sinh quy mô phức tạp điều kiện địa hình phân cắt, cung cấp được nhiều thông tin hữu ích để loại trừ tính đa trị.
     Qua thực tế đã thi công tổ hợp các phương pháp mặt cắt phân cực kích thích thiết bị liên hợp và phương pháp đo sâu ảnh điện phân cực ở đề án “Đánh giá tiềm năng khoáng sản vàng khu vực xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai” mang lại nhiều thông tin hiệu quả cho việc tìm kiếm quặng vàng gốc ở đây. Những kết quả bước đầu mở ra triển vọng áp dụng hệ các phương pháp này trong việc tìm kiếm quặng vàng gốc nói riêng, khoáng sản nội sinh nói chung.

 KẾT QUẢ SỬ DỤNG VIỄN THÁM VÀ GIS TRONG ĐỀ ÁN “ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ VÀ PHÂN VÙNG CẢNH BÁO NGUY CƠ THẢM HỌA TRƯỢT LỞ ĐẤT ĐÁ CÁC VÙNG MIỀN NÚI VIỆT NAM”
(Thí dụ tỉnh Sơn La)
BÙI TUẤN ANH, TRẦN NGỌC DIỄN, NGUYỄN TRUNG ĐỨC
Đoàn Địa chất Viễn thám

          Công nghệ Viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS) ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong công tác điều tra địa chất, tài nguyên, môi trường và các tai biến thiên nhiên; đặc biệt phương pháp Viễn thám và GIS đã được sử dụng rộng rãi ở các nước và ở Việt Nam trong công tác điều tra, phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá.
        Từ kết quả thực tiễn sử dụng Viễn thám và GIS trong điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỉnh Sơn La, trong Hội thảo này, tác giả tập trung trình bày 2 nội dung chủ yếu sau: 
        1. Giới thiệu tổng quát về khái niệm và lịch sử phát triển của công nghệ Viễn thám và GIS, một số ví dụ về ứng dụng Viễn thám và GIS trong công tác đo vẽ bản đồ địa chất.
2. Một số kết quả bước đầu trong việc ứng dụng công nghệ Viễn thám và GIS thông qua sử dụng phần mềm ArcGIS hỗ trợ nghiên cứu điều tra và tổng hợp số liệu báo cáo phục vụ đề án: “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ thảm hoạ trượt lở đất đá các vùng miền núi việt nam” (Thí dụ tỉnh Sơn La) làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược lâu dài về phòng chống thiên tai.
        - Giới thiệu tổng quát phương pháp nghiên cứu giải đoán ảnh Viễn thám kết hợp phân tích cơ sở dữ liệu (CSDL) dựa trên GIS.
       - Dựa trên phân tích GIS sử dụng phần mềm ArcGIS, đã thành lập được các sơ đồ:
          + Sơ đồ phân cấp mật độ phân cắt lineament tỉnh Sơn La, tỷ lệ 1:50.000;
          + Sơ đồ phân cấp mật độ che phủ thực vật tỉnh Sơn La, tỷ lệ 1:50.000;
          + Sơ đồ hướng phơi sườn tỉnh Sơn La, tỷ lệ 1:50.000;
          + Sơ đồ phân cấp độ cao tỉnh Sơn La, tỷ lệ 1:50.000;
          + Sơ đồ phân cấp độ dốc tỉnh Sơn La, tỷ lệ 1:50.000;
          + Sơ đồ phân cấp phân cắt ngang tỉnh Sơn La, tỷ lệ 1:50.000;
          + Sơ đồ phân cấp độ sâu ngang tỉnh Sơn La, tỷ lệ 1:50.000.
        Các sơ đồ nêu trên cùng với các kết quả khảo sát thực địa cho phép xác định được mối liên quan giữa các yếu tố (độ cao địa hình, độ dốc sườn, hướng phơi sườn, độ phân cắt, lớp phủ, thạch học, đặc điểm kiến tạo phá hủy,…) với mức độ trượt lở đất đá; đây là cơ sở tài liệu khoanh định những diện tích có nguy cơ cao về trượt lở đất, đá; để có biện pháp phòng tránh thích hợp.