ĐỊA CHẤT VÀ KHOÁNG SẢN NHÓM TỜ MỘC CHÂU

Đề án “Đo vẽ bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 nhóm tờ Mộc Châu thuộc các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa". Diện tích đo vẽ: 2.260km2.

Chủ biên: ThS. Đỗ Văn Thanh.

 Sau hơn 8 năm thi công, đến nay đề án đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Những vấn đề tồn tại về địa chất và khoáng sản nêu ra trong đề án đã được giải quyết. 

Về địa chất: 

- Đã phân chia chi tiết các phân vị địa chất có mặt trong diện tích nhóm tờ, xác định được ranh giới, diện phân bố, đồng thời đã làm rõ thành phần, khối lượng, quan hệ địa chất và mối liên quan với khoáng sản (hệ tầng Nậm Cô, Sông Mã, Hàm Rồng, Viên Nam; phức hệ Điện Biên, Mường Lát…). 

- Lần đầu tiên ghi nhận sự có mặt của tập đá phiến thạch anh sericit chứa cuội ở phần thấp của hệ tầng Sông Mã. 

- Xác lập mới hệ tầng Suối Lát tuổi ̀NeoProterozoi muộn (NP3sl) có thành phần chủ yếu là đá hoa, có vị trí địa tầng tương đương các hệ tầng tầng Đá Đinh (NP3đđ), hệ tầng An Phú (NP3-e1ap).

Đã phát hiện nhiều hóa thạch mới tuổi Devon, góp phần làm rõ hơn vị trí tuổi của các phân vị địa tầng Devon và chính xác hóa ranh giới địa chất các phân vị này. 

 Cuội sạn trong đá phiến thạch anh sericit hệ tầng Sông Mã (MC.9457)

Ảnh:  Đỗ Văn Thanh

 Dải núi đá hoa thuộc hệ tầng Suối Lát tại Mường Lát, Thanh Hóa.

Ảnh: Thái Bình Dương

 

Đá granodiorit (2) pha 2 bắt tù đá gabro (1) pha 1 phức hệ Điện Biên, tại MC.1660.

Ảnh: Vũ Trọng Sách

 Đá diorit thạch anh (2) pha 2 bắt tù đá gabrodiorit (1) pha 1 phức hệ Điện Biên, tại MC.9235.

Ảnh: Đỗ Văn Thanh

              Về cấu trúc kiến tạo:

- Đã phân chia ra 8 tổ hợp thạch kiến tạo (THTKT) theo thành phần vật chất và bối cảnh kiến tạo giả định theo quan điểm kiến tạo hiện đại. Mỗi THTKT được phân chia chi tiết ra một số tổ hợp đá theo nguồn gốc, môi trường thành tạo.

- Về đặc điểm biến dạng: đã làm rõ các đặc điểm uốn nếp, khe nứt trong các THTKT. Đã chia ra 5 pha biến dạng với các đặc trưng khác nhau tạo nên các thế hệ đứt gãy và nếp uốn phức tạp với quy mô đa dạng.

- Về đặc điểm đứt gãy, vùng nghiên cứu phát triển 2 hệ thống đứt gãy chính theo phương TB-ĐN và ĐB-TN. Theo quy mô và vai trò cấu trúc, các đứt gãy chính được phân chia ra các đứt gãy cấp 1 và cấp 2, chúng đóng vai trò phân chia các khối và phụ khối cấu trúc.

- Ghi nhận dấu hiệu liên quan giữa các giai đoạn biến dạng với khoáng sản như: khoáng hóa wolfram (vàng) liên quan đến giai đoạn nhiệt dịch sau magma hình thành vào giai đoạn cuối của chuyển động tạo núi Indosini tương ứng với pha biến dạng sớm; khoáng hóa đồng (vàng) trong các đới đá phun trào basalt hệ tầng Viên Nam bị biến đổi propylit hoá, epidot hoá,... liên quan tới các hoạt động nhiệt dịch sau phun trào phân bố dọc các đứt gãy kéo theo của đứt gãy sâu Sông Đà.

 

Đá vôi hệ tầng Đồng Giao phủ chờm trên các thành tạo lục địa màu đỏ hệ tầng Yên Châu

Ảnh: Đỗ Văn Thanh 

Về địa chất thủy văn, tai biến địa chất và địa mạo cảnh quan:

- Công tác nghiên cứu địa chất thuỷ văn được kết hợp trong đo vẽ địa chất, kết quả đã xác lập đặc điểm địa chất thủy văn của toàn vùng nghiên cứu.

- Công tác khảo sát tai biến địa chất là công tác kết hợp trong quá trình đo vẽ địa chất. Trên cơ sở các kết quả khảo sát ngoài thực địa kết hợp với tổng hợp các tài liệu đã khoanh vùng có nguy cơ tiềm ẩn tai biến địa chất như lũ ống, lũ quét, trượt lở đất đá, đá đổ, đá rơi, xói lở bờ sông chủ yếu ở khu vực thị trấn Mường Lát, Mộc Châu, theo Quốc lộ 6 và khu tập trung dân cư. Đánh giá mức độ ảnh hưởng của tai biến liên quan đến các dị thường địa hóa, địa vật lý.

- Ghi nhận các vị trí có cảnh quan đẹp để phát triển du lịch sinh thái trên cao nguyên Mộc Châu. 

 Trượt đất phá hủy đường giao thông tại huyện Mộc Châu.

Trượt đất trên các thành tạo màu đỏ hệ tầng Yên Châu ở huyện Mộc Châu.       

Ảnh : Vũ Quang Lân 

               

 Thác Dải Yếm-suối Nà Bó xã Đông Sang, Mộc Châu

Ảnh: Đỗ Văn Thanh

Đỉnh núi Pha Luông thuộc xã Tân Xuân, Mộc Châu.

Ảnh: Nguyễn Văn Hảo 

              Về điều tra khoáng sản:

- Đã đăng ký, thể hiện trên bản đồ và mô tả trong báo cáo 33 điểm biểu hiện khoáng sản và biểu hiện khoáng hoá, trong đó đăng ký mới 22 điểm biểu hiện khoáng sản và biểu hiện khoáng hoá. Theo kết quả trọng sa, địa hóa đã xác định được 71 vành phân tán khoáng vật và 131 vành phân tán nguyên tố.

- Đã phát hiện và sơ bộ xác định tiềm năng một số khoáng sản có ý nghĩa: wolphram, vàng, chì-kẽm, dolomit, đá vôi xi măng. Trong đó, đáng chú ý là biểu hiện khoáng sản đồng (vàng) Tân Ca, biểu hiện khoáng sản wolfram (vàng) Bản Ngà, biểu hiện khoáng sản chì-kẽm bản Cóm.

- Trên cơ sở các tiền đề địa chất và dấu hiệu khoáng sản đã khoanh được các diện tích đề nghị tiến hành đánh giá, thăm dò tiếp theo của các khoáng sản: wolphram, vàng, dolomit, đá vôi xi măng theo mức độ tổng hợp tài liệu hiện có.

 Malchit, azurit trong đá basalt bị dập vỡ  (H32-TC).

Ảnh: Hoàng Văn Quyền

Chalcopyrit dạng hạt tha hình, méo mó, bị nứt nẻ và oxi hóa mạnh, phóng đại 40 lần (H36-TC).

Ảnh: Đỗ thị kim Tuyến

               

 Ổ, mạch thạch anh màu trắng đục xâm tán sheelit (MC.3756 ).

Ảnh: Hoàng Văn Quyền

Khoáng vật sheelit phát quang dưới ánh đèn tia cực tím (MC.3756).

Ảnh: Hoàng Văn Quyền

  

 

Quặng Chì –kẽm trong mạch thạch anh sulfur (Điểm quặng Bản Cóm)

Ảnh: Hoàng Văn Quyền

Hỗ trợ trực tuyến