KẾT QUẢ CHỦ YẾU CỦA ĐỀ ÁN: LẬP BẢN ĐỒ ĐỊA CHẤT VÀ ĐIỀU TRA KHOÁNG SẢN TỶ LỆ 1: 50.000 NHÓM TỜ BẮC GIANG

Diện tích: 2.850km2.

Chủ nhiệm đề án: ThS. Vũ Xuân Lực.

Thời gian thực hiện: 01/2008 - 12/2016.

Tập thể tác giả đã hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của đề án. Những kết quả chủ yếu của đề án là:

 Địa tầng

Phân chia chi tiết về diện phân bố trong không gian và trật tự theo thời gian của các thành tạo địa chất có mặt trong vùng có tuổi từ Ordovic muộn tới Đệ tứ. Trong đó:

- Các thành tạo trước Đệ tứ gồm các hệ tầng Tấn Mài, Dưỡng Động, Bãi Cháy, Lạng Sơn, Khôn Làng, Nà Khuất, Mẫu Sơn, Văn Lãng, Hòn Gai, Hà Cối. Đã phát hiện mới được nhiều quan hệ chỉnh hợp, không chỉnh hợp và nhiều hóa thạch định tầng. Ngoài ra trong quá trình đo vẽ cũng đã thu thập các tài liệu điều tra trong các giai đoạn trước và phân chia được các hệ tầng Bản Páp, Phù Cừ, Tiên Hưng, Vĩnh Bảo.

- Các thành tạo Đệ tứ: Đã phân chia chi tiết được các hệ tầng Lệ Chi, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Hưng, Thái Bình.

Các phát hiện mới về địa tầng

- Lần đầu tiên ghi nhận sự có mặt của hệ tầng Hà Cối, Lạng Sơn trong khu vực.

- Hóa thạch thân và lá cây trong hệ tầng Văn Lãng; hóa thạch thực vật trong hệ tầng Hòn Gai; hóa thạch động vật trong hệ tầng Nà Khuất; các điểm có chứa di tích thân cây, hóa thạch động vật, Bào tử phấn hoa, Tảo trong các trầm tích Đệ tứ.

- Cuội kết đa khoáng hệ tầng Bãi Cháy phủ không chỉnh hợp trên hệ tầng Dưỡng Động; cuội kết đa khoáng Hệ tầng Hòn Gai phủ không chỉnh hợp trên hệ tầng Khôn Làng, Dưỡng Động; quan hệ chuyển tiếp của hệ tầng Mẫu Sơn trên hệ tầng Nà Khuất; hệ tầng Nà Khuất chuyển tiếp trên hệ tầng Khôn Làng.

- Đã ghi nhận một số loại khoáng sản ngoại sinh: cát thủy tinh, sét chịu lửa, sét gạch ngói, cát xây dựng,… có liên quan với các kiểu nguồn gốc của trầm tích Đệ tứ.

Cấu trúc kiến tạo

Đã ghi nhận được có ít nhất 5 Pha biến dạng tác động lên các đá trong vùng. Trong đó: Pha 1 phát triển trong các đá có tuổi trước Permi muộn; Pha 2 phát triển trong các đá có tuổi trước Nori - Reti; Pha 3 phát triển trong hầu hết các thành tạo địa chất có trong vùng; Pha 4 phát triển trong tất cả các đá có trong khu vực và muộn nhất là các biến dạng dòn (Pha 5). Quặng hóa nội sinh trong vùng có mối liên quan chặt chẽ với các yếu tố cấu tạo, trong đó Pha 2 khống chế sự thành tạo các tích tụ vàng, đồng, chì - kẽm, barit, thủy ngân, Pha 3 liên quan tới các tích tụ quặng vàng, Pha 4 liên quan tới thành tạo quặng vàng, barit (chì, kẽm, đồng, vàng).

Đã phân chia ra được 3 vùng nâng, hạ khác nhau trong tân kiến tạo. Trong đó ở phía bắc là vùng nâng tuyệt đối, phần trung tâm là vùng chuyển tiếp và phía nam là vùng sụt lún tuyệt đối; ở mỗi vùng đã phân chia chi tiết được các khối nâng, hạ tương đối. Ngoài ra kết quả nghiên cứu cũng đã ghi nhận được giai đoạn biển tiến trong Pleistocen muộn và trong Holocen sớm - giữa.

Vỏ phong hóa

Đã phân chia được khá chi tiết các kiểu vỏ phong hóa trong khu vực gồm kiểu vỏ ferosialit, feralit, ferit, sialferit, sialit, alit và saprolit trên cơ sở đặc điểm phân bố, mặt cắt và thành phần. Trong đó đã ghi nhận một số kiểu vỏ phong hóa có liên quan tới sự hình thành sét xi măng, đá ong, cát thủy tinh, cát, cuội, sỏi xây dựng và sét gạch ngói.

Địa mạo

Đã phân chia địa hình trong khu vực ra được 18 kiểu bề mặt địa hình khác nhau trên cơ sở đặc điểm hình thái, nguồn gốc và tuổi khác nhau, gồm các kiểu địa hình kiến tạo do đứt gãy, địa hình bóc mòn, địa hình tích tụ và một số các bề mặt địa hình nhân sinh như bề mặt âm do khai thác khoáng sản, bề mặt bãi thải và bề mặt san lấp. Việc phân chia chi tiết đã được sử dụng cho việc khoanh vẽ các thành tạo Đệ tứ, vỏ phong hóa, các khu vực có thể gây tai biến.

Tai biến địa chất và môi trường địa chất

- Tai biến địa chất: Đã thu thập và phân chia được các dạng tai biến gồm động đất, trượt lở đất đá, xói mòn bề mặt và xẻ rãnh; lũ ống, lũ quét và liên quan đến hoạt động con người. Nhìn chung khu vực nghiên cứu ít có nguy cơ xảy ra các tai biến trượt lở lớn, tuy nhiên lại có nguy cơ trượt lở và xói lở đường bờ sông cao, đã đề xuất các biện pháp phòng chống.

- Môi trường địa chất: Đã bổ sung các thông tin về đặc điểm môi trường nước, môi trường đất và môi trường phóng xạ ở khu vực Chí Linh - Phả Lại và Bắc Ninh. Đây là những thông tin có giá trị cho công tác quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của khu vực này.

Địa chất thủy văn  

Phân chia được 12 tầng chứa nước liên quan tới các thành tạo địa chất khác nhau, gồm 8 tầng chứa nước lỗ hổng và 4 tầng chứa nước khe nứt. Trong đó có ý nghĩa hơn cả là 2 đơn vị chứa nước lỗ hổng có khả năng khai thác nước với lưu lượng, trữ lượng lớn và ổn định, đó là tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích sông hệ tầng Vĩnh Phúc và hệ tầng Hà nội.

Địa chất công trình

Phân chia ra 7 đơn vị địa chất công trình ở đô thị Bắc Ninh. Đây là tài liệu có giá trị phục vụ cho công tác quy hoạch xây dựng đô thị này.  

Khoáng sản

Trong diện tích nhóm tờ có 75 điểm khoáng sản gồm các mỏ khoáng (MK), biểu hiện khoáng sản (BHKS), biểu hiện khoáng hóa (BHKH) của 19 loại khoáng sản: than đá, sắt, chì - kẽm, đồng - vàng, thủy ngân (vàng), vàng (gốc và sa khoáng), barit, sét gốm; kaolin, cát thủy tinh, sét chịu lửa, thạch anh sạch, cát kết xây dựng, đá ong, đá ryolit xây dựng, cát xây dựng, cát cuội sỏi, sét xi măng và sét gạch ngói. Kết quả điều tra cũng đã khoanh ra được các vùng có triển vọng khoáng sản khác nhau gồm: 18 diện tích rất triển vọng cần được thăm dò đánh giá trữ lượng hoặc thăm dò bổ sung nâng cấp trữ lượng khoáng sản; 17 diện tích triển vọng cần tiếp tục điều tra đánh giá tiềm năng khoáng sản; 13 diện tích ít hoặc chưa rõ triển vọng, hoặc không có triển vọng.  

Các phát hiện mới về khoáng sản

- Vàng gốc trong các đới biến dạng phân bố trong hệ tầng Mẫu Sơn khu vực Hố Tông và trong các thành tạo hệ tầng Bãi Cháy khu vực Thôn Mông; vàng sa khoáng đi cùng cát thủy tinh phân bố trong các thành tạo trầm tích nguồn gốc sông thuộc hệ tầng Hải Hưng tại Chí Linh.

- Các điểm biểu hiện quặng đồng phân bố trong các đới biến dạng trong hệ tầng Mẫu Sơn tại khu vực Đồng Sung và Trại Trầm, huyện Lục Nam.

- Barit phân bố trong hệ tầng Khôn Làng ở khu vực Hố Cao - Hố Tông.

- Thạch anh sạch phân bố trong hệ tầng Nà Khuất ở khu vực Đất Đỏ - Hòa Thắng.

- Các biểu hiện kaolin phân bố trong Tập 3 hệ tầng Hòn Gai khu vực Lê Lợi, trong hệ tầng Dưỡng Động khu vực Tân Dân và trong hệ tầng Nà Khuất khu vực Minh Sơn.

- Cát xây dựng trong các dòng sông cổ thuộc hệ tầng Hải Hưng trên các khu vực Phương Liễu, Ngô Khê, thành phố Bắc Ninh và Ích Phú, huyện Gia Bình - Bắc Ninh.


Cuội sạn kết chứa hóa thạch Huệ biển hệ tầng Bãi Cháy phủ không chỉnh hợp trên hệ tầng Dưỡng Động tại Phúc Thành B, Kinh Môn, Hải Dương

 


Cuội sỏi sạn kết đa khoáng hệ tầng Hòn Gai (T3n-rhg1) phủ không chỉnh hợp trên các thành tạo trầm tích phun trào hệ tầng Khôn Làng tại Đồng Việt, Yên Dũng, Bắc Giang

 


Cuội sỏi sạn kết đa khoáng hệ tầng Hòn Gai phủ không chỉnh hợp trên các trầm tích phun trào hệ tầng Dưỡng Động tại khu Dốc Mông, Kinh Môn, Hải Dương

 


Quan hệ chuyển tiếp giữa hệ tầng Mẫu Sơn trên hệ tầng Nà Khuất tại Yên Thế, Bắc Giang

 


Hóa thạch Costatoria paucicostata Vukhuc, C. inaequicostata (Klipstein) hệ tầng Nà Khuất khu vực Hòa Thắng, Hữu Lũng, Lạng Sơn

 


Hóa thạch thân cây trong đá phiến sét than màu đen hệ tầng Văn Lãng tại mỏ than Bố Hạ, Yên Thế, Bắc Giang

 


Hóa thạch động vật Chân rìu Yunnanophorus sp. (cf. Y. striasus Guo) trong bột kết hệ tầng Văn Lãng khu vực Đồi Ngô, Lục Nam, Bắc Giang

 


Hóa thạch thực vật Pterophyllum bavieri Zeiller trong sét bột kết vôi ở phần cao tập 2, hệ tầng Hòn Gai tại vùng Chí Linh, Hải Dương

 


Thân khoáng sét kaolin nằm xen trong các lớp trầm tích lục nguyên thuộc tập 3, hệ tầng Hòn Gai

 


Các thành tạo nguồn gốc sông, sông - đầm lầy hệ tầng Hải Hưng chứa cát thủy tinh

 


Sét chịu lửa Trúc Thôn

Hỗ trợ trực tuyến