KẾT QUẢ CHỦ YẾU CỦA ĐỀ TÀI KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ CẤP CƠ SỞ

Tên đề tài: Nghiên cứu mối quan hệ giữa đặc điểm cấu trúc địa chất với quặng hóa wolfram (vàng ) vùng bản Ngà.

Mã số: ĐCKS.CS.2016.03.02

Chủ nhiệm: ThS. Đỗ Văn Thanh

Thời gian thực hiện: 2016

Trên cơ sở kế thừa các kết quả của đề án Mộc Châu và những nghiên cứu mới, đề tài đã đạt được những kết quả chủ yếu như sau:

 Địa chất

Kế thừa kết quả đo vẽ bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản nhóm tờ Mộc Châu, có bổ sung tài liệu mới.

Khoáng sản

Khoanh định được các đới khoáng hóa trên cơ sở tổng hợp các tài liệu có trước và lộ trình khảo sát bổ sung. Phân tích bổ sung một số loại mẫu, thành lập sơ đồ cấu trúc thạch học nhằm khoanh định tập thạch học có yếu tố thuận lợi thành tạo khoáng hóa.

Kết quả nghiên cứu sơ bộ xác định được nguồn gốc và điều kiện thành tạo khoáng hóa wolfram (vàng) trong vùng thuộc loại hình nhiệt dịch nhiệt độ trung bình-cao, tương ứng với kiểu quặng sheelit-thạch anh- sulfur-vàng tương đối phổ biến trên thế giới.

Đối tượng sinh quặng là các thành tạo magma, đối tượng chứa quặng là tập đá phiến thạch anh-biotit có xen các lớp, thấu kính đá hoa, đá vôi bị hoa hóa, dolomit hóa và các đá mạch lamprofia. Mặt phân lớp, thớ phiến của đá là vị trí thuận lợi để tồn tại quặng hóa. Đứt gãy trượt bằng nghịch Bản Láy đóng vai trò là kênh dẫn dung dịch nhiệt dịch đến các vị trí thuận lợi.

Có thể nhận định các cấu trúc trước tạo quặng trong khu vực là đứt gãy Bản Láy và các lớp trầm tích lục nguyên xen carbonat bị biến chất tướng đá phiến lục. Cấu trúc đồng tạo quặng là các nếp uốn có kích thước lớn đến trung bình và các thớ phiến. Các cấu trúc sau tạo quặng là các vi uốn nếp, các khe nứt cắt.

Trong các đới khoáng hóa nói trên có ý nghĩa hơn cả là đới khoáng hóa số I và số IV khu bản Ngà, vì vậy khi tiến hành điều tra đánh giá khoáng sản cần tập trung nghiên cứu 2 đới khoáng hóa này. 

Kết quả nghiên cứu của đề tài có ý nghĩa định hướng cho công tác điều tra đánh giá khoáng sản wolfram ở khu vực này, đồng thời cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho các đề án đo vẽ bản đồ địa chất, điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 và điều tra đánh giá khoáng sản ở những khu vực có cấu trúc địa chất tương tự của các đơn vị thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam. 

 

Đới các mạch, thấu kính thạch anh trong đá phiến thạch anh-biotit tại điểm khảo sát BN.10

 

Ổ sheelit trong mạch thạch anh tại điểm khảo sát BN.10

 

 

Khoáng vật sheelit trong thạch anh

 

Sheelit phát quang dưới ánh đèn tia cực tím

 

 

Đá hoa xâm tán sulfur và khoáng vật sheelit (DS.208-BN)

 

Khoáng vật sheelit trong đá hoa phát quang dưới ánh đèn tia cực tím (DS.208-BN)

  

 

Calcit (cal) thay thế sheelit (she) (Mẫu KT- BN 09)

 

Pyrit (py) xâm tán trong thạch anh cùng sheelit (she) (Mẫu KT- BN 09)

  

 

Bismut tự sinh (bis) và vàng tự sinh (Au) xâm tán thành đám hạt trong mạch thạch anh có xâm tán sheelit (she) (Mẫu KT- H.210 BN)

 

Bismut tự sinh (bis) hạt tha hình xâm tán trong mạch thạch anh có xâm tán và mạch sheelit (she) (Mẫu KT- H.210 BN)

Hỗ trợ trực tuyến