KẾT QUẢ CHỦ YẾU CỦA ĐỀ TÀI KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CẤP BỘ

Tên đề tài: “Nghiên cứu xây dựng tiêu chí để hiệu đính, lắp ghép các nhóm tờ bản đồ địa chất - khoáng sản tỷ lệ 1:50.000. Áp dụng thử nghiệm tại một số nhóm tờ thuộc vùng Đông Bắc Bắc Bộ”.

Mã số: TBMT.03.49

Chủ nhiệm: TS. Vũ Quang Lân.

Thời gian thực hiện: 2014 – 2016.

Tập thể tác giả đã hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ và các nội dung nghiên cứu đề ra. Kết quả của đề tài có ý nghĩa là cơ sở khoa học và thực tiễn bước đầu cho công tác hiệu đính, lắp ghép các bản đồ địa chất và khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 trên phạm cả nước.

Các kết quả chủ yếu của đề tài gồm:

1. Hoàn thành 28 chuyên đề khoa học.

2. Xây dựng các tiêu chí định hướng cho công tác hiệu đính, lắp ghép bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 về các nội dung: các thành tạo phân tầng, các thành tạo núi lửa và biến chất không phân tầng, các thành tạo magma xâm nhập; cấu trúc - kiến tạo; tai biến địa chất, môi trường địa chất, di sản địa chất và khoáng sản.

3. Soạn thảo Dự thảo quy trình kỹ thuật công tác hiệu đính, lắp ghép bản đồ địa chất - khoáng sản tỷ lệ 1:50.000.

4. Thử nghiệm hiệu đính, lắp ghép 03 nhóm tờ ở vùng Đông Bắc Bắc Bộ là: Văn Mịch - Thất Khê, Cao Bằng - Đông Khê và Lạng Sơn. Thành lập 11 bản đồ địa chất và khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 trên nền bản đồ địa hình hệ VN2000; thành lập báo cáo thuyết minh tóm tắt địa chất và khoáng sản và sổ mỏ khoáng, biểu hiện khoáng sản cho các nhóm tờ này. 

Qua công tác thử nghiệm đã điều chỉnh lại các tiêu chí cho phù hợp hơn với thực tế để có thể áp dụng cho công tác hiệu đính, lắp ghép bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 (phần đất liền).

Những kết quả chủ yếu về địa chất và khoáng sản trên phạm vi 03 nhóm tờ qua công tác thử nghiệm hiệu đính, lắp ghép bản đồ bao gồm:

Địa tầng Cambri

Thống nhất sử dụng hệ tầng Thần Sa để phân chia các đá tuổi Cambri muộn trong khu vực nghiên cứu (nhóm tờ Văn Mịch - Thất Khê sử dụng hệ tầng Bồng Sơn). Hệ tầng Thần Sa được chia thành 2 tập.

Địa tầng Devon

- Gộp chung các thành tạo thuộc phần thấp nhất của Devon sớm ở đới cấu trúc Hạ Lang vào hệ tầng Nà Ngần (D1nn) như trong nhóm tờ Lạng Sơn. Các thành tạo tuổi Devon sớm ở khu vực Minh Tâm, Minh Thanh thuộc nhóm tờ Cao Bằng - Đông Khê được tác giả nhóm tờ này vẽ vào hệ tầng Bắc Bun, nay được chuyển xếp vào hệ tầng Mia Lé.

- Tuổi của hệ tầng Mia Lé thống nhất là Devon sớm (D1ml).

- Khối lượng đá vôi dạng khối, đá vôi phân lớp dày màu xám sáng thuộc điệp Bằng Ca và phụ điệp trên của điệp Nà Quản (trong nhóm tờ Văn Mịch – Thất Khê) được tách riêng và xếp vào hệ tầng Bản Cỏng.

- Sử dụng hệ tầng Nà Quản để phân chia các đá vôi, vôi silic, đá vôi sét màu xám chứa hóa thạch Amphipora tuổi Devon sớm - giữa.

- Các hệ tầng Nà Đắng, Bằng Ca, Tốc Tát được phân chia như trong nhóm tờ Lạng Sơn.

- Phát hiện nhiều vị trí có quan hệ chuyển tiếp giữa các phân vị địa tầng Devon và nhiều tập hợp hóa thạch đặc rưng cho hệ tầng Mia Lé, Nà Quản, Bản Cỏng.

Địa tầng Carbon – Permi

Các đá vôi phân lớp dày màu xám sáng ở khu vực Minh Tâm, Minh Thanh được tác giả nhóm tờ Cao Bằng - Đông Khê xếp vào hệ tầng Đồng Đăng, nay được xếp vào hệ tầng Bắc Sơn.

Địa tầng Permi - Trias

- Các đá phun trào bazan trước đây được xếp vào phần thấp của hệ tầng Sông Hiến nay thuộc hệ tầng Bằng Giang như trong nhóm tờ Cao Bằng - Đông Khê và nhóm tờ Lạng Sơn; tuổi của hệ tầng Bằng Giang là Permi muộn.

- Xác nhận không có hệ tầng Lân Páng trong diện tích 03 nhóm tờ hiệu đính, lắp ghép thử nghiệm.

- Phát hiện quan hệ phủ không chỉnh hợp của hệ tầng Sông Hiến trên hệ tầng Bằng Giang và quan hệ trực tiếp giữa tập 1 với tập 2 hệ tầng Sông Hiến.

Địa tầng Kainozoi

Sử dụng 3 hệ tầng để phân chia các trầm tích Paleogen - Neogen, bao gồm: hệ tầng Cao Bằng (E2cb), Na Dương (E3-N1nd) và Rinh Chùa (N2rc). Trong đó, hệ tầng Cao Bằng chỉ phân bố ở trũng Cao Bằng, hệ tầng Na Dương phân bố ở trũng Cao Bằng và trũng Na Dương, hệ tầng Rinh Chùa phân bố ở trũng Thất Khê và Trũng Na Dương.

Magma xâm nhập

            Thay đổi về tuổi phức hệ Cao Bằng là Permi muộn (P3cb) và tuổi phức hệ Núi Điệng là Trias sớm - giữa (T1-2nđ).

Cấu trúc – kiến tạo

- Vùng nghiên cứu được chia ra 3 khối cấu trúc: khối cấu trúc Phục Hòa – Thạch An, khối cấu trúc Hòa An – Tràng Định và khối cấu trúc Cao Lộc – Đình Lập. Ranh giới giữa khối cấu trúc Phục Hòa – Thạch An với khối cấu trúc Hòa An – Tràng Định là đứt gãy chờm nghịch Quốc Khánh – Nà Nưa, đứt gãy nghịch Hà Trì – Kim Đồng và đứt gãy Cao Bằng – Tiên Yên. Ranh giới giữa khối Hòa An – Tràng Định với khối Cao Lộc – Đình Lập là đứt gãy Bản Pục – Pắc Lạn. Ranh giới giữa phụ khối cấu trúc Tân Thanh với phụ khối cấu trúc Mẫu Sơn là đứt gãy Làng Thành – Còn Phặc. Chú giải địa chất, khoáng sản chung cho 3 nhóm tờ được xây dựng cho 3 khối cấu trúc này.

- Xác định đứt gãy Cao Bằng - Tiên Yên không đóng vai trò phân đới cấu trúc cổ như tài liệu trước đây.

- Phân chia các tổ hợp thạch kiến tạo phù hợp với lịch sử phát triển địa chất của khu vực.

            Khoáng sản: đã thể hiện vị trí, nguồn gốc, quy mô và mức độ nghiên cứu của 90 mỏ khoáng và biểu hiện khoáng sản thuộc các nhóm khoáng sản khác nhau.

 

Quan hệ chuyển tiếp giữa các lớp đá vôi sét, đá vôi siic hệ tầng Nà Đắng với đá vôi phân lớp dày dạng khối hệ tầng Bản Cỏng (Hà Quảng, Cao Bằng)

 

A: Quần xã Lỗ tầng Amphipora; B. Amphipora rasilis Yav., tiết diện ngang; C. Tiết diện dọc; D. Amphipora raritilis Yav. tiết diện ngang; E. Tiết diện dọc; Tuổi  Emxi muộn-Eifel, hệ tầng Nà Quản

 

 Hóa thạch Tay cuộn trong đá vôi hệ tầng Bản Cỏng

 

 Quan hệ phủ không chỉnh hợp giữa các đá ryolit porphyr thuộc tập 1 của hệ tầng Sông Hiến lên các thành tạo đá bazan của hệ tầng Bằng Giang (Đội Cấn - Quốc Khánh)

 

 Quan hệ chuyển tiếp giữa các các đá trầm tích lục nguyên sét bột kết bị ép của tập 2 với các đá phun trào ryolit của tập 1 hệ tầng Sông Hiến

 

 Quan hệ kiến tạo giữa các đá hệ tầng Bắc Sơn chờm lên các đá phun trào bazan của hệ tầng Bằng Giang (Phan Thanh, Hà Trì)

 

 Đá sét vôi, vôi silic phân dải hệ tầng Bản Cỏng phủ chờm nên đá bazan hệ tầng Bằng Giang dọc theo đứt gãy chờm nghịch Quốc Khánh - Nà Nưa

Hỗ trợ trực tuyến