Họp hội đồng đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia “Nghiên cứu xác lập tổ hợp phương pháp điều tra một số loại hình khoáng sản kim loại nội sinh ẩn sâu. Áp dụng thí điểm điều tra và khoanh vùng triển vọng vàng gốc ở địa khu Nam Ngãi”.

 

Ngày 25/12/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức phiên họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia: “Nghiên cứu xác lập tổ hợp phương pháp điều tra một số loại hình khoáng sản kim loại nội sinh ẩn sâu. Áp dụng thí điểm điều tra và khoanh vùng triển vọng vàng gốc ở địa khu Nam Ngãi”, mã số BĐKH.29/16-20. 

Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ gồm 09 thành viên do PGS.TS. Trần Tuấn Anh, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng; TS. Nguyễn Văn Nguyên, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam làm Phó Chủ tịch Hội đồng. 

Địa khu Nam Ngãi là một đơn vị cấu trúc có dạng uốn cong và bẻ gập lại, tạo thành hai nhánh hình thành trong Palezoi sớm, tương ứng với kiến sinh Pan-Africa muộn hay Caledoni sớm, nằm giữa á địa khu Ngọc Linh và đai tạo núi Trường Sơn, bị tái biến cải mạnh mẽ trong kiến sinh Indosini. Nhánh á vĩ tuyến phân bố trên địa phận nam Quảng Nam và bắc Quảng Ngãi, gọi tắt là Nam Ngãi, giữa hai đới Trà Bồng ở phía nam và Tam Kỳ - Phước Sơn ở phía bắc. Nhánh á kinh tuyến nằm ở rìa tây địa khu Kon Tum và tiếp giáp với đai tạo núi Đà Nẵng - Sê Kông dọc theo biên giới giữa Việt Nam - Lào - Campuchia. Tham gia vào cấu trúc địa chất bao gồm chủ yếu các thành tạo trầm tích biến chất thuộc hệ tầng Sông Re (PR1sr), hệ tầng Tắc Pỏ  (PR1 tp) phân bố ở phía nam, hệ tầng Khâm Đức (PR2 ), phân bố ở trung tâm, hệ tầng Núi Vú (PR3-e1 nv), A Vương (e1-O2 av) phân bố chủ yếu ở rìa phía bắc và tây bắc đới quặng. Các đá trầm tích biến chất này bị biến dạng mạnh tạo nên các vi uốn nếp và bị xuyên cắt bởi các đá xâm nhập mafic và siêu mafic phức hệ Núi Ngọc, phức hệ Hiệp Đức, gabrodiotit, granodiorit dạng pocfia thuộc phức hệ Bến Giằng - Quế Sơn, granodiorit phức hệ Trà Bồng, granit biotit phức hệ Hải Vân, Bà Nà. 

Kết quả điều tra địa chất về khoáng sản qua nhiều thời kỳ đã xác định địa khu Nam Ngãi là một trong những khu vực có tiềm năng hàng đầu Việt Nam về quặng vàng. Trong những năm 1983-2000 đã có nhiều dự án điều tra, đánh giá cũng như nghiên cứu về đặc điểm quặng hóa vàng trong khu vực. Trong địa khu Nam Ngãi, đã xác định được các trường quặng vàng Trà Dương - Tiên Phước, Phước Kim - Phước Thành, Phước Hiệp - Đak My; Khâm Đức – ĐăkGlei - Ngọc Hồi là ranh giới giữa rìa phía nam địa khu Nam Ngãi và rìa bắc địa khối Kon Tum, có phương á vĩ tuyến với bề rộng của đới khoảng 60km, dài 100km. Đới quặng được khống chế bởi các đứt gãy sâu Pô Kô phương á kinh tuyến ở phía tây, phía đông là Biển Đông, phía bắc là các hệ đứt gãy phương á vĩ tuyến Tam Kỳ - Phước Sơn, phía nam là các hệ đứt gãy sâu Trà Bồng, Tà Vi - Hưng Nhượng phương á vĩ tuyến đóng vai trò phân chia cấu trúc đới quặng hóa. 

Từ những kết quả tổng hợp cho thấy địa khu Nam Ngãi là một trong những khu vực có tiềm năng về  khoáng hóa vàng. Trong phạm vi địa khu còn nhiều khu vực có cấu trúc địa chất, tiền đề dấu hiệu nhưng chưa được làm sáng tỏ. Trong khuân khổ đề tài này, để áp dụng thí điểm điều tra và khoanh vùng triển vọng quặng vàng gốc ẩn sâu tại địa khu Nam Ngãi, đề tài lựa chọn diện tích khu vực Trà Bồng – Trà My  (665km2) để tập trung nghiên cứu triển khai. Trong diện tích này, dự kiến lựa chọn diện tích khu Nước Vin (30km2) đề tiến hành nghiên cứu chi tiết ở tỉ lệ 1: 25.000 nhằm triển khai kiểm chứng và hoàn thiện tổ hợp phương pháp điều tra quặng vàng nội sinh ẩn sâu dự báo những khu vực tồn tại quặng vàng ẩn sâu trong khu vực nghiên cứu. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt nhiệm vụ “Nghiên cứu xác lập tổ hợp phương pháp điều tra một số loại hình khoáng sản kim loại nội sinh ẩn sâu. Áp dụng thí điểm điều tra và khoanh vùng triển vọng vàng gốc ở địa khu Nam Ngãi” do TS. Trần Mỹ Dũng làm chủ nhiệm; Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc là Cơ quan chủ trì được thực hiện từ tháng 9/2017 đến tháng 9/2020 với hai mục tiêu chính: 

1. Xác lập được tổ hợp các phương pháp và quy trình kỹ thuật hiện đại điều tra khoáng sản kim loại nội sinh ẩn sâu; 

2. Áp dụng thử nghiệm điều tra và khoanh vùng triển vọng khoáng sản vàng ẩn sâu cho một số khu vực ở địa khu Nam Ngãi. 

I. Kết quả đã đạt được của nhiệm vụ  

1. Sản phẩm dạng II 

1.1. Báo cáo tổng hợp và Báo cáo tóm tắt. 

1.2. Các báo cáo tổng hợp số liệu hiện có trong nước và trên thế giới về cấu trúc, kiến tạo, địa vật lý….    

1.3. Báo cáo đánh giá hiện trạng điều tra địa chất về khoáng sản kim loại cơ bản và tính hiểu quả của hệ thống các phương pháp kỹ thuật trong điều tra địa chất về khoáng sản hiện hành. 

1.4. Báo cáo xác lập cơ sở khoa học của tổ hợp các phương pháp điều tra một số loại hình khoáng sản kim loại nội sinh (nhóm sắt, cơ bản, quý hiếm…) ẩn sâu. 

1.5. Báo cáo kết quả xác lập tổ hợp các phương pháp điều tra một số loại hình khoáng sản nội sinh ẩn sâu. 

1.6. Báo cáo kết quả thử nghiệm điều tra và khoanh vùng triển vọng khoáng sản vàng ẩn sâu cho một số khu vực ở địa khu Nam Ngãi. 

1.7. Quy trình điều tra một số loại hình khoáng sản kim loại nội sinh ẩn sâu. 

2. Sản phẩm dạng III 

2.1. 03 bài báo quốc tế và 02 bài đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước. 

2.2. Đào tạo 02 thạc sỹ, hỗ trợ 01 nghiên cứu sinh.  

II. Danh mục sản phẩm khoa học dự kiến ứng dụng, chuyển giao 

Số TT

Tên sản phẩm

Thời gian dự kiến ứng dụng

Cơ quan dự kiến ứng dụng

1

Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu cảu đề tài.

Tháng 12/2020

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam; Trường Đại học Mỏ-Địa chất; Viện Địa chất, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản; Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

2

Báo cáo đánh giá hiện trạng điều tra địa chất về khoáng sản kim loại cơ bản và tính hiểu quả của hệ thống các phương pháp kỹ thuật trong điều tra địa chất về khoáng sản hiện hành.

Tháng 12/2020

3

Báo cáo xác lập cơ sở khoa học của tổ hợp các phương pháp điều tra một số loại hình khoáng sản kim loại nội sinh (nhóm sắt, cơ bản, quý hiếm…) ẩn sâu.

Tháng 12/2020

4

Báo cáo kết quả xác lập tổ hợp các phương pháp điều tra một số loại hình khoáng sản nội sinh ẩn sâu.

Tháng 12/2020

5

Báo cáo kết quả thử nghiệm điều tra và khoanh vùng triển vọng khoáng sản vàng ẩn sâu cho một số khu vực ở địa khu Nam Ngãi.

Tháng 12/2020

6

Quy trình điều tra một số loại hình khoáng sản kim loại nội sinh ẩn sâu.

Tháng 12/2020

III. Về những đóng góp mới của nhiệm vụ  

1. Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở khoa học để triển khai công tác điều tra, đánh giá quặng kim loại nội sinh ẩn sâu, là một định hướng nghiên cứu mới hướng tới hoàn thiện các tổ hợp phương pháp nghiên cứu, quy trình kỹ thuật trong tìm kiếm, thăm dò các mỏ ẩn sâu ở Việt Nam. 

2. Kết quả nghiên cứu đóng góp những số liệu mới về đặc điểm địa chất, cấu trúc kiến tạo, nguồn gốc quặng hóa và điều kiện thành tạo, tính chất địa vật lý, mô hình các mỏ quặng của Việt Nam; góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều tra đánh giá vàng gốc trong khu vực nghiên cứu, đặc biệt là với quặng ẩn sâu. 

IV. Về hiệu quả về kinh tế và xã hội của nhiệm vụ 

1. Kết quả của đề tài cung cấp những thông tin đầy đủ về tổ hợp các phương pháp điều tra khoáng sản kim loại nội sinh ẩn sâu trên thế giới. 

2. Các kết quả đề tài là cơ sở khoa học cho công tác điều tra địa chất về khoáng sản, quy hoạch thăm dò và khai thác khoáng sản. 

3. Nâng cao hiệu quả công tác điều tra cơ bản của Nhà nước về khoáng sản. 

4. Nâng cao trình độ khoa học và năng lực nghiên cứu của các cán bộ tham gia đề tài về lĩnh vực khoa học địa chất- khoáng sản. 

5. Tăng cường khả năng hợp tác giữa nghiên cứu khoa học với điều tra địa chất về khoáng sản, quản lý tài nguyên khoáng sản. 

 

Toàn cảnh phiên họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Quốc gia. 

Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao những đóng góp của Chủ nhiệm đề tài, tập thể tác giả và Cơ quản chủ trì; phần báo cáo tổng kết và báo cáo tóm tắt có cấu trúc hợp lý, phù hợp với yêu cầu của một báo cáo khoa học. Về số lượng, khối lượng, tiến độ và chất lượng sản phẩm đều đạt yêu cầu nhiệm vụ. Với kết quả đạt được, Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài đạt yêu cầu. Đồng thời, đề nghị tập thể tác giả tiếp thu các nội dung và chỉnh sửa cho phù hợp, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Tài nguyên và Môi trường ra quyết định công nhận kết quả của nhiệm vụ .