Thông tin về Hội đồng đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ “Xác lập cơ sở khoa học để đánh giá triển vọng quặng wolfram (sheelit) và khoáng sản đi kèm khối Sông Chảy”, mã số TNMT.2017.03.03

Ngày 19/3/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức phiên họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ: “Xác lập cơ sở khoa học để đánh giá triển vọng quặng wolfram (sheelit) và khoáng sản đi kèm khối Sông Chảy”, mã số TNMT.2017.03.03. 

Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ gồm 11 thành viên do ThS. Nguyễn Thạc Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Chủ tịch Hội đồng; TS. Lê Quốc Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam làm Phó Chủ tịch Hội đồng.

Khối cấu trúc Sông Chảy trên lãnh thổ Việt Nam có dạng ovan lệch, chiếm một diện tích rất lớn, khoảng 2300km2; phía đông giáp thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên, phía nam giáp huyện Bắc Quang, phía tây giáp huyện Xín Mần, phía bắc kéo dài sang Trung Quốc qua địa phận Maguan – Malipo. Đây là vùng có địa hình núi cao hiểm trở thuộc dãy Tây Côn Lĩnh. Phần vòm biến chất chủ yếu được cấu thành từ các đá granit có cấu tạo gneiss, mylonit được xếp vào phức hệ Sông Chảy, cấu tạo phân phiến mạnh theo cấu trúc dạng vòm. Bao quanh vòm Sông Chảy là các thành tạo trầm tích biến chất tuổi Neproterozoi - Cambri hạ Loạt Sông Chảy. Tuổi thành tạo của granit phức hệ Sông Chảy là Devon sớm, được xác định dựa trên quan hệ địa chất. Bên trong diện tích xuất lộ của các thành tạo xâm nhập phức hệ Sông Chảy xuất hiện rất nhiều các thể tù của các đá biến chất Loạt Sông Chảy kích thước từ vài mét đết hàng trăm mét. Loạt Sông Chảy được cấu thành từ hai hệ tầng: phần dưới được xếp vào hệ tầng Thác Bà với thành phần chủ yếu gồm đá phiến thạch anh hai mica xen đá phiến mica, thấu kính mỏng đá hoa, quarzit và đá thạch anh – epidot - calcit, chuyển lên trên là quarzit, quarzit mica xen đá phiến thạch anh mica; nằm chỉnh hợp lên trên hệ tầng Thác Bà là hệ tầng An Phú với thành phần chủ yếu là đá hoa xen lớp mỏng đá phiến thạch anh hai mica. Bao quanh phần ngoài của vòm Sông Chảy là các thành tạo trầm tích của hệ tầng Hà Giang tuổi Cambri giữa. Thành phần thạch học của hệ tầng gồm: đá phiến thạch anh – biotit, đá phyllit, đá phiến sét sericit xen đá vôi dăm kết xám, đá vôi trứng cá chứa tảo và đá vôi hạt mịn.

 Kết quả công tác điều tra địa chất về khoáng sản đã tiến hành trong vùng nghiên cứu cho thấy có khá nhiều điểm quặng As-Au, As-Sn-Au và Pb-Zn phân bố trong các đá biến chất Loạt Sông chảy dọc theo rìa của phức hệ Sông Chảy. Đây là những biểu hiện quặng hóa nhiệt dịch nhiệt độ thấp thường tồn tại ở phần nông của những đới tạo quặng liên quan đến các hoạt động magma. Dựa trên những kết quả khảo sát, phân tích mẫu sơ bộ kết hợp với kết quả tổng hợp về địa chất cho thấy có sự tương đồng giữa các thành tạo địa chất của đới Sông Chảy trên lãnh thổ Việt Nam và Trung Quốc.

Trong thời gian gần đây, kết quả triển khai các đề án điều tra đánh giá khoáng sản tại khu vực phía tây và phía đông nam vùng nghiên cứu đã có những phát hiện mới rất có giá trị về quặng hóa sheelit trong các khu vực điều tra. Kết quả cho thấy quặng hóa trong vùng nghiên cứu tồn tại ở 3 kiểu loại hình chính: quặng hóa sheelit trong các đá biến đổi greizen phân bố tại rìa tiếp xúc giữa thành tạo xâm nhập phức hệ Sông Chảy và hệ tầng Thác Bà, hệ tầng Hà Giang; quặng hóa sheelit trong các đá biến đổi skarn phân bố tại rìa tiếp xúc giữa thành tạo xâm nhập phức hệ Sông Chảy và hệ tầng Thác Bà và quặng hóa sheelit trong các đá biến đổi skarn phân bố trong các thể tù đá biến chất phân bố trong các đá xâm nhập phức hệ Sông Chảy.

Từ kết quả tổng hợp những công trình nghiên cứu đã tiến hành nêu trên, có thể thấy khối cấu trúc Sông Chảy và vùng lân cận là khu vực có triển vọng về quặng hóa wolfram (sheelit) liên quan đến loại hình mỏ skarn. Hoạt động kiến tạo – magma khu vực nghiên cứu khá phức tạp và có thể trải qua nhiều thời kỳ và bối cảnh địa chất khác nhau. Vì vậy, để đạt được mục tiêu khoanh định các khu vực có triển vọng quặng wolfram (sheelit) và khoáng sản đi kèm tại khối Sông Chảy, đề tài đã tập trung nghiên cứu làm rõ đặc điểm, điều kiện thành tạo, nguồn gốc, cấu trúc và hoạt động magma khống chế quặng hóa wolfram (sheelit) khối Sông Chảy; xác lập quy luật phân bố quặng hóa, từ đó thành lập các bản đồ khoanh định các khu vực có triển vọng quặng wolfram (sheelit) và khoáng sản đi kèm vùng nghiên cứu. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt nhiệm vụ “Xác lập cơ sở khoa học để đánh giá triển vọng quặng wolfram (sheelit) và khoáng sản đi kèm khối Sông Chảy” do ThS. La Mai Sơn làm chủ nhiệm; Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc là Cơ quan chủ trì được thực hiện từ tháng 7/2017 đến tháng 10/2020 với mục tiêu:

Mục tiêu tổng thể: Khoanh định các khu vực có triển vọng quặng wolfram (sheelit) và khoáng sản đi kèm tại khối Sông Chảy.

Mục tiêu cụ thể: Nghiên cứu làm rõ đặc điểm, điều kiện thành tạo, nguồn gốc, cấu trúc và hoạt động magma khống chế quặng hóa wolfram (sheelit) khối Sông Chảy; xác lập quy luật phân bố quặng hóa, thành lập các bản đồ khoanh định các khu vực có triển vọng quặng wolfram (sheelit) và khoáng sản đi kèm vùng nghiên cứu.

I. Kết quả đã đạt được của nhiệm vụ 

1. Sản phẩm dạng II

1.1. Báo cáo tổng hợp và Báo cáo tóm tắt.

1.2. Bản đồ qui luật phân bố và phân vùng triển vọng quặng sheelit và khoáng sản đi kèm tại khối Sông Chảy tỷ lệ 1/250.000.

1.3. Bản đồ cấu trúc khống chế quặng sheelit và khoáng sản đi kèm tỷ lệ 1/25.000 các khu vực có triển vọng.

1.4. Mô hình địa chất-địa vật lý quặng hóa quặng sheelit và khoáng sản đi kèm tại khối Sông Chảy.

2. Sản phẩm dạng III

2.1. 01 bài báo quốc tế và 01 bài đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước.

2.2. Đào tạo 02 thạc sỹ, hỗ trợ 01 nghiên cứu sinh. 

II. Danh mục sản phẩm khoa học dự kiến ứng dụng, chuyển giao

Số TT

Tên sản phẩm

Thời gian chuyển giao

Cơ quan ứng dụng

1

Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu cảu đề tài.

Tháng 12/2020

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản.

2

Bản đồ qui luật phân bố và phân vùng triển vọng quặng sheelit và khoáng sản đi kèm tại khối Sông Chảy tỷ lệ 1/250.000.

Tháng 12/2020

3

Bản đồ cấu trúc khống chế quặng sheelit và khoáng sản đi kèm tỷ lệ 1/25.000 các khu vực có triển vọng.

Tháng 12/2020

4

Mô hình địa chất-địa vật lý quặng hóa quặng sheelit và khoáng sản đi kèm tại khối Sông Chảy.

Tháng 12/2020

III. Về những đóng góp mới của nhiệm vụ 

1. Kết quả nghiên cứu của đề tài làm sáng tỏ quy luật sinh khoáng wolfram, mô hình địa chất địa vật lý cho tìm kiếm quặng hóa wolfram (sheelit) vùng nghiên cứu, từ đó có những đề xuất mới về dấu hiệu, tiền đề tìm kiếm và phương pháp tìm kiếm-thăm dò hiệu quả cho các mỏ khoáng tương tự vùng Tây Bắc Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung; khoanh định những vùng triển vọng phân bố khoáng sản wolfram (sheelit) phục vụ trực tiếp công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản trong khu vực.

2. Kết quả nghiên cứu đóng góp những số liệu mới về đặc điểm địa chất, cấu trúc kiến tạo, điều kiện thành tạo, nguồn gốc, thời gian thành tạo, tính chất địa vật lý, quy luật phân bố của quặng hóa wolfram (sheelit) khối Sông Chảy; góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều tra đánh giá wolfram (sheelit) trong khu vực nghiên cứu.

IV. Về hiệu quả về kinh tế và xã hội của nhiệm vụ

1. Kết quả của đề tài góp phần vào cơ sở lý luận và thực tiễn trong công tác nghiên cứu về khoáng sản wolfram (sheelit) và khoáng sản đi kèm.

2. Các kết quả đề tài là cơ sở khoa học cho công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản vùng Tây Bắc.

3. Các kết quả đề tài đã góp phần nâng cao trình độ khoa học và năng lực nghiên cứu của các cán bộ tham gia đề tài về lĩnh vực khoa học địa chất - khoáng sản.

4. Tăng cường khả năng hợp tác giữa nghiên cứu khoa học với điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, quản lý tài nguyên khoáng sản.

5. Có được những thông tin đầy đủ về triển vọng khoáng sản sheelit và khoáng sản đi kèm khối Sông Chảy.

6. Các diện tích có triển vọng theo kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là đối tượng cho các doanh nghiệp đăng ký góp vốn điều tra đánh giá, thăm dò khoáng sản trong khu vực nghiên cứu.

Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao những đóng góp của Chủ nhiệm đề tài, tập thể tác giả và Cơ quản chủ trì; phần báo cáo tổng kết và báo cáo tóm tắt có cấu trúc hợp lý, phù hợp với yêu cầu của một báo cáo khoa học. Về số lượng, khối lượng, tiến độ và chất lượng sản phẩm đều đạt yêu cầu nhiệm vụ. Với kết quả đạt được, Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài đạt yêu cầu. Đồng thời, đề nghị tập thể tác giả tiếp thu các nội dung và chỉnh sửa cho phù hợp, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Tài nguyên và Môi trường ra quyết định công nhận kết quả của nhiệm vụ. 

Tập thể tác giả đề tài đã sửa chữa và hoàn thiện báo cáo tổng hợp kết quả đề tài, nộp lưu trữ và đã được Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận số 2021-04-793/KQNC ngày 27 tháng 4 năm 2021.

Hỗ trợ trực tuyến