CÔNG TRÌNH “NGHIÊN CỨU DI SẢN ĐỊA CHẤT LÀM CƠ SỞ KHOA HỌC ĐỂ THÀNH LẬP CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT TOÀN CẦU Ở KHU VỰC TAM GIANG – BẠCH MÔ ĐƯỢC NHẬN GIẢI THƯỞNG CỐ ĐÔ VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Giải thưởng Cố đô về khoa học và công nghệ là Giải thưởng của tỉnh Thừa Thiên Huế về khoa học và công nghệ, xét trao tặng cho các tác giả công trình xuất sắc, có giá trị cao về khoa học và công nghệ, có tính khả thi; mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh và sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngày 30/12/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Lễ tổng kết và trao tặng Giải thưởng Cố đô về khoa học và công nghệ lần thứ IV, 2021; Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Thừa Thiên Huế. Công trình “Nghiên cứu di sản địa chất làm cơ sở khoa học để thành lập công viên địa chất toàn cầu ở khu vực Tam Giang - Bạch Mã” do Liên đoàn chủ trì vinh dự là 1 trong 14 công trình/cụm công trình được trao Giải thưởng lần này. Đây là vinh dự và tự hào của Liên đoàn và tập thể tác giả công trình. Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu tóm tắt về công trình này.

Cơ quan chủ trì: Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc.

Cơ quan phối hợp: Bảo tàng Địa chất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản.

Chủ nhiệm: TS. Vũ Quang Lân

Thành viên chính: ThS. Trần Quang Phương, ThS. Lê Nguyễn Thới Trung, KS. Trương Quang Quý, TS. Nguyễn Đại Trung, TS. Trịnh Hải Sơn, TS. Vũ Xuân Lực. TS. Trịnh Xuân Hòa, TS. Nguyễn Mai Lương, ThS. Hoàng Bá Quyết, ThS. Hồ Thị Nam Phương, TS. Hoàng Ngô Tự Do và 14 thành viên khác

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Khu vực Tam Giang - Bạch Mã (TG-BM) và phụ cận có diện tích khoảng 1.600km2 bao gồm thành phố Huế, huyện Phú Vang, huyện Quảng Điền và một phần các huyện Phú Lộc, Hương Thủy, Nam Đông, Hương Trà và Phong Điền của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trong khu vực này có Cố đô Huế là Di sản văn hóa thế giới với nhiều danh thắng đặc sắc như sông Hương, núi Ngự, chùa Thiên Mụ... từ lâu đã đi vào thơ ca và là biểu tượng của thành phố Huế cổ kính và xinh đẹp.

Về góc độ khoa học địa chất, đây là vùng có lịch sử phát triển địa chất lâu dài, cấu trúc địa chất phức tạp. Cơ chế hình thành và phát triển các thành tạo địa chất ở đây mang dấu ấn riêng biệt, khác hẳn với các khu vực ven biển khác ở Việt Nam. Theo phương từ lục địa ra biển có sự thay đổi nhanh về đặc điểm địa hình và các thành tạo địa chất: Ở vùng núi cao và rìa đồng bằng chủ yếu lộ các thành tạo lục nguyên, lục nguyên xen carbonat tuổi Paleozoi, các đá magma axit và bazơ tuổi Permi muộn - Trias sớm; vùng đồng bằng ven biển được lấp đầy bởi các thành tạo gắn kết yếu, bở rời nguồn gốc sông, biển và hỗn hợp sông -biển tuổi Neogen - Đệ tứ phủ trên móng đá gốc tuổi Paleozoi, Mesozoi.

Về góc độ sinh học, khu vực này có sự đa dạng cao về loài và đa dạng về hệ sinh thái. Ở đây có các hệ sinh thái điển hình như: Hệ sinh thái rừng nhiệt đới thường xanh, hệ sinh thái đồng ruộng - khu dân cư, hệ sinh thái đầm phá, hệ sinh thái cồn cát, hệ sinh thái bãi triều, hệ sinh thái vùng ngập nước mặn...

Về lĩnh vực văn hóa: Thừa Thiên Huế là kinh đô của nước Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn. Thừa Thiên Huế nói chung và khu vực nghiên cứu Tam Giang-Bạch Mã nói riêng là một điểm đến có 7 danh hiệu được UNECO công nhận: Quần thể Di tích Cố đô Huế (năm 1993), Mộc bản triều Nguyễn (năm 2009), Châu bản triều Nguyễn (năm 2014), Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế (năm 2016), Nhã nhạc Cung đình Huế (năm 2003), Tín ngưỡng thờ Mẫu (năm 2016) và Bài Chòi (2017). Các giá trị di sản văn hóa (văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể) nơi đây vừa hội tụ những đặc trưng và tinh hoa của văn hóa dân tộc, vừa thể hiện nét riêng hấp dẫn của một vùng văn hóa.

Mặc dù có tiềm năng lớn, nhưng tiềm năng di sản ở Thừa Thiên Huế nói chung và khu vực TG - BM nói riêng vẫn chưa được nghiên cứu, điều tra chi tiết để xác lập đầy đủ, đặc biệt là di sản địa chất, di sản thiên nhiên nhiên, chưa đánh giá được hết các giá trị di sản để bảo vệ, bảo tồn, quản lý và khai thác hợp lý cho sự phát triển bền vững kinh tế xã hội.

Hiện nay, tiềm năng của vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai mới chỉ được khai thác mạnh trên lĩnh vực kinh tế tập trung chủ yếu vào đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, còn tiềm năng du lịch hầu như còn bỏ ngỏ. Mặc dù vài năm trở lại đây, một số lễ hội đặc trưng của cư dân vùng đầm phá được tổ chức qui mô rầm rộ hơn như lễ hội Cầu ngư làng An Truyền, hội vật Làng Sình, đua thuyền, đua thúng Lăng Cô...; các tour du lịch mới cũng được tổ chức nhằm khám phá thiên nhiên và văn hóa trong vùng, nhưng cũng chỉ là những tour riêng lẻ chưa nằm trên bản đồ tour, tuyến du lịch của ngành du lịch Thừa Thiên - Huế.   

Với Thừa Thiên Huế, ngành du lịch luôn được tỉnh quy hoạch phát triển, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực. Tuy vậy, việc khai thác di sản địa chất phục vụ cho du lịch đến nay vẫn chưa có chiều sâu, bởi các di sản này chưa được điều tra đánh giá đầy đủ. Điều đó đồng nghĩa với việc di sản địa chất đã “vô tình” không được biết đến, các giá trị quý giá của di sản không được làm rõ để bảo vệ bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững, dẫn đến di sản dễ bị xâm hại, phá hủy.

Hiện nay, các nhà khoa học địa chất Việt Nam đang hướng tới việc điều tra, xác lập các di sản địa chất (DSĐC) và thành lập mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) quốc gia để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản cho sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội. Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cũng đã hình thành đầu mối quốc gia về CVĐC với định hướng hoàn thiện thành Ủy ban quốc gia về CVĐC trong thời gian tới.

Việc thành lập CVĐC quốc gia, tiến tới phát triển thành CVĐC quốc tế cho khu vực TG - BM là cơ sở để đẩy mạnh du lịch, phát triển kinh tế xã hội và bảo tồn lâu dài các giá trị di sản thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa cho các thế hệ tương lai.

Chính vì những lý do nêu trên, công trình “Nghiên cứu di sản địa chất làm cơ sở khoa học để thành lập công viên địa chất toàn cầu ở khu vực Tam Giang - Bạch Mã” do TS. Vũ Quang Lân làm chủ nhiệm, Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc là Cơ quan chủ trì được thực hiện. 

II. NỘI DUNG CHÍNH

1. Mục tiêu nghiên cứu của công trình

Mục tiêu tổng quát:

Nhận biết được các di sản địa chất và tổng hợp tài liệu về các giá trị di sản khác (văn hóa, đa dạng sinh học); xác lập cơ sở khoa học cho việc thành lập công viên địa chất toàn cầu ở khu vực Tam Giang - Bạch Mã; góp phần bảo vệ, bảo tồn, quản lý và khai thác phát huy các giá trị di sản khu vực Tam Giang - Bạch Mã một cách hợp lý, phục vụ phát triển bền vững kinh tế xã hội.

Mục tiêu cụ thể:

- Xác lập được các di sản địa chất phân bố trong khu vực Tam Giang - Bạch Mã.

- Đánh giá các giá trị nổi bật của các kiểu di sản địa chất trong khu vực Tam Giang - Bạch Mã.

- Xây dựng cơ sở khoa học cho việc thành lập công viên địa chất toàn cầu ở khu vực Tam Giang - Bạch Mã.

2. Nội dung nghiên cứu

- Tổng hợp cơ sở khoa học và thực tiễn về DSĐC, CVĐC (trên thế giới, Việt Nam và ở khu vực Tam Giang - Bạch Mã).

- Nghiên cứu xác lập các DSĐC và tổng hợp về các giá trị di sản khác trong khu vực Tam Giang – Bạch Mã.

- Nghiên cứu đánh giá phân loại di sản và các giá trị nổi bật của DSĐC, đánh giá các yếu tố xâm hại di sản và công tác bảo tồn di sản.

- Xác lập cơ sở khoa học cho việc thành lập công viên địa chất toàn cầu ở khu vực Tam Giang - Bạch Mã.

- Nghiên cứu đề xuất giải pháp bảo tồn, quản lý và khai thác phát triển bền vững các loại di sản khu vực Tam Giang – Bạch Mã.

3. Kết quả nghiên cứu

Về đa dạng địa chất và di sản địa chất

- Khu vực TG-BM có tính đa dạng địa chất cao, thể hiện ở sự đa dạng về cấu trúc địa chất, tuổi các thành tạo địa chất, địa tầng, đá, cổ sinh vật, cổ môi trường sinh thái, lịch sử phát triển địa chất và địa mạo cảnh quan.

- Đã xác lập được 115 DSĐC thuộc 8 kiểu DSĐC là cổ sinh; địa mạo, cảnh quan; cổ môi trường; đá; địa tầng; khoáng sản; kinh tế địa chất; cấu trúc kiến tạo, lịch sử tiến hóa địa chất có mặt ở khu vực Tam Giang - Bạch Mã. Bước đầu phân cấp các DSĐC theo 3 cấp gồm: cấp quốc tế 5 DS, cấp quốc gia 41 DS và cấp địa phương 69 DS.

Kết quả nghiên cứu đã đánh giá khá chi tiết các giá trị di sản địa chất ở 7 khu trong khu vực Tam Giang – Bạch Mã. Trong đó, giá trị DSĐC nổi bật là sự đa dạng địa chất, tính độc đáo, kỳ vĩ tiêu biểu có giá trị khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và giá trị kinh tế cao.

Về đa dạng sinh học

Đa dạng hệ sinh thái:

Trong khu vực có 6 hệ sinh thái đặc trưng sau:

- Hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới.

- Hệ sinh thái và sinh cảnh đồng ruộng – khu dân cư.

- Hệ sinh thái đầm phá.

- Hệ sinh thái cồn cát.

- Hệ sinh thái bãi triều cát.

- Hệ sinh thái vùng ngập nước thường xuyên ven bờ.

Đa dạng về loài:

Theo kết quả nghiên cứu và tổng hợp tài liệu bước đầu đã xác định có 5.843 loài động, thực vật ở khu vực nghiên cứu. Trong đó, thực vật bậc cao 2.762 loài, 268 họ, 7 ngành; Nấm 346 loài, 134 chi, 55 họ, 28 bộ, 4 lớp, 3 ngành; Thực vật phù du 347 loài, 50 họ, 6 ngành; Động vật có xương sống 1.167 loài, 214 họ, 50 bộ, 5 lớp; Côn trùng 1.113 loài, 147 họ, 17 bộ; Thân mềm 42 loài, 27 giống, 14 họ, 7 bộ; Giáp xác có 66 loài, 37 giống, 18 họ, 5 bộ thuộc các hệ sinh thái khác nhau từ vùng rừng đến biển. Trong đó, có 223 loài đặc hữu, 191 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007), 92 loài có tên trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP.

Về đa dạng văn hóa

Phân vùng không gian văn hóa: khu vực TG-BM được đặc trưng bởi các vùng văn hóa sau:

- Văn hóa vùng ven biển.

- Văn hóa đầm phá.

- Văn hóa đồng bằng, đô thị.

- Văn hóa miền núi.

Về di sản văn hóa

Di sản văn hóa (DSVH) vật thể bao gồm di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh, các di vật, hiện vật gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất. Theo dòng chảy lịch sử từ thời tiền sử - sơ sử, đến thời kỳ lãnh thổ của Vương quốc Champa với những dấu tích văn hóa mang đậm bản sắc của văn minh Ấn Độ và tiếp nối đến văn hóa Đại Việt trải qua các triều đại Trần, Hồ, Lê và thời của chúa Nguyễn mở đất Đàng Trong, của Quang Trung thống nhất sơn hà bắt đầu từ Phú Xuân và định đô ở Phú Xuân – Huế. Lần đầu tiên trở thành Kinh đô của cả nước, đến triều Nguyễn với thời gian tồn tại 143 năm trong lịch sử, để lại một dấu ấn văn hóa Huế - văn hóa Phú Xuân trong lòng văn hóa Việt Nam, trong đó Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới của nhân loại.

DSVH phi vật thể hay văn hóa tinh thần từ văn hóa cung đình đến văn hóa dân gian xứ Huế, từ nghệ thuật diễn xướng truyền thống, lễ hội tín ngưỡng dân gian, văn hóa ẩm thực, làng nghề thủ công truyền thống... Đó là các giá trị văn hóa phát sinh và phát triển cùng quá trình sinh sống của cư dân Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế trong sự tiếp biến giao thoa văn hóa giữa việc kế thừa văn hóa truyền thống dân tộc từ văn minh sông Hồng, văn hóa Thăng Long, từ vùng văn hóa Thanh Nghệ Tĩnh, từ nền văn hóa bản địa của nền văn minh Champa rực rỡ một thời, là nối kết tinh hoa văn hóa phương Tây. Đặc biệt sự giao thoa và chuyển hóa giữa chốn cung đình và dân gian đã tạo nên các giá trị đặc sắc mà ngày nay, một bộ phận nghệ thuật âm nhạc truyền thống Huế là Nhã nhạc cung đình Huế được tôn vinh là DSVH phi vật thể, kiệt tác truyền khẩu của nhân loại. Đồng thời các lĩnh vực, hình thức khác tiếp tục được bảo tồn, phát huy và đồng hành trên con đường xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Về khả năng xây dựng CVĐC toàn cầu ở khu vực TG-BM

Những kết quả nghiên cứu về DSĐC, đa dạng sinh học và di sản văn hóa cho thấy khu vực Tam Giang - Bạch Mã hội tụ đủ điều kiện về mặt tự nhiên và xã hội để thành lập Công viên địa chất trong hệ thống công viên địa chất ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Bước đầu đánh giá khả năng xây dựng CVĐC toàn cầu ở khu vực này theo các tiêu chí của UNESCO. Để công viên địa chất toàn cầu Tam Giang - Bạch Mã thành hiện thực, công việc cần làm tiếp theo là áp dụng mô hình quản lý CVĐC của UNESCO vào Việt Nam (bao gồm 10 bước). Với điều kiện hiện có của khu vực TG-BM, khi xây dựng CVĐC toàn cầu ở đây, có thể rút ngắn được một số bước, cũng như thời thời thực hiện các bước.

Về các yếu tố có hại đối với di sản: Bước đầu đánh giá được sự ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên và xã hội đến các DSĐC và di sản khác trong khu vực Tam Giang – Bạch Mã và đề xuất một số giải pháp nhằm bảo vệ và bảo tồn di sản trong khu vực.

Về xây dựng bảo tàng địa chất ngoài trời: Đề xuất 5 khu có tiềm năng xây dựng Bảo tàng địa chất ngoài trời.

Du lịch địa chất: Đề xuất 4 tuyến du lịch địa chất kết hợp với du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử và tâm linh.

Những kết quả mới:

- Xác lập và phân loại được 115 DSĐC thuộc 8 kiểu DSĐC ở khu vực TG - BM; bước đầu phân cấp các DSĐC này thành 05 DS cấp quốc tế, 41 DS cấp quốc gia và 69 DS cấp địa phương.

- Đánh giá tổng hợp đa dạng địa chất, văn hóa và sinh học ở khu vực TG - BM; bước đầu nhận dạng được mối quan hệ giữa DSĐC với di sản văn hóa và đánh giá được các giá trị nổi bật về khoa học, giáo dục; thẩm mỹ và kinh tế của các DSĐC ở khu vực này.

- Góp phần làm sáng tỏ lịch sử phát triển đồng bằng ven biển Thừa Thiên Huế trong Holocen trong mối liên hệ với sự thay đổi mực nước biển. Phát hiện và khoanh định diện phân bố của một vịnh biển cổ ở đồng bằng Huế phát triển trong Holocen sớm - giữa và bị lấp đầy bởi vật liệu do sông mang đến trong Holocen giữa - muộn.

Đồng thời việc thực hiện công trình cũng là minh chứng cho cách tiếp cận mới trong lĩnh vực địa chất, tài nguyên, với cách nhìn nhận các đối tượng địa chất, khoáng sản dưới góc độ là những DSĐC nhằm phục vụ nhiều lĩnh vực (bảo tồn, du lịch...) của ngành Địa chất.

4. Hiệu quả ứng dụng của công trình

Địa chỉ nơi ứng dụng công trình

- Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam.

- Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Bảo tàng Địa chất.

 Hiệu quả về khoa học và công nghệ

- Kết quả nghiên cứu góp phần cung cấp các cứ liệu khoa học và thực tiễn để lựa chọn các tiêu chí phân loại, xếp hạng DSĐC; đánh giá CVĐC phù hợp với thực tế ở Việt Nam và yêu cầu của UNESCO (hệ thống GILGES).

- Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học quan trọng cho các nghiên cứu ứng dụng trong quy hoạch, khoanh vùng bảo tồn và khai thác hợp lý tài nguyên DSĐC ở các khu vực khác có điều kiện tương tự.

Hiệu quả về kinh tế - xã hội và các lĩnh vực khác

- Kết quả của công trình là cơ sở cho các cơ quan quản lý Nhà nước bảo vệ, bảo tồn di sản, kịp thời ngăn chặn các hoạt động nhân sinh xâm hại di sản. Kết quả của công trình giúp các nhà quản lý quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế xã hội, các ban ngành liên quan định hướng quy hoạch phát triển kinh tế ngành nghề ở tỉnh Thừa Thiên Huế và phụ cận. Đặc biệt là ngành du lịch: khai thác dịch vụ du lịch, du lịch địa chất, du lịch sinh thái và các ngành nghề, làng nghề liên quan đến dịch vụ du lịch đều có cơ hội phát triển.

- Các đơn vị Bảo tàng và các ngành liên quan của tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh lân cận có điều kiện nâng cao nhận thức về DSĐC, tham gia nghiên cứu DSTN, bảo vệ bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững hệ thống di sản ở ngay địa bàn mình quản lý.

- Người dân địa phương có điều kiện tiếp xúc với kết quả của công trình để nâng cao nhận thức về di sản, từ đó sẽ đóng góp tích cực và thiết thực trong công tác bảo tồn di sản nói chung.

III. KẾT LUẬN

1. Khu vực TG-BM có tính đa dạng địa chất cao, bao gồm đa dạng về cấu trúc địa chất, tuổi thành tạo địa chất, địa tầng, đá, cổ sinh vật, môi trường sinh thái, lịch sử phát triển và địa mạo cảnh quan. 

Đã xác lập được 115 DSĐC thuộc 8 kiểu DSĐC là cổ sinh; địa mạo, cảnh quan; cổ môi trường; đá; địa tầng; khoáng sản; kinh tế địa chất; cấu trúc kiến tạo, lịch sử tiến hóa địa chất có mặt ở khu vực TG - BM. Bước đầu phân cấp các DSĐC theo 3 cấp gồm: cấp quốc tế 5 DS, cấp quốc gia 41 DS và cấp địa phương 69 DS.

Kết quả nghiên cứu đã đánh giá khá chi tiết các giá trị di sản địa chất ở 7 khu trong khu vực TG - BM. Trong đó, giá trị DSĐC nổi bật là sự đa dạng địa chất, tính độc đáo, kỳ vĩ tiêu biểu có giá trị khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và giá trị kinh tế cao.

2. Về đa dạng sinh học, theo kết quả nghiên cứu và tổng hợp tài liệu bước đầu xác định có 5.843 loài động, thực vật ở khu vực nghiên cứu. Trong đó, thực vật bậc cao 2.762 loài, 268 họ, 7 ngành; Nấm 346 loài, 134 chi, 55 họ, 28 bộ, 4 lớp, 3 ngành; Thực vật phù du 347 loài, 50 họ, 6 ngành; Động vật có xương sống 1.167 loài, 214 họ, 50 bộ, 5 lớp; Côn trùng 1.113 loài, 147 họ, 17 bộ; Thân mềm 42 loài, 27 giống, 14 họ, 7 bộ; Giáp xác có 66 loài, 37 giống, 18 họ, 5 bộ thuộc các hệ sinh thái khác nhau từ vùng rừng đến biển. Trong đó, có 223 loài đặc hữu, 191 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007), 92 loài có tên trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP.

3. DSVH vật thể bao gồm di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh, các di vật, hiện vật gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất. Theo dòng chảy lịch sử từ thời tiền sử - sơ sử, đến thời kỳ lãnh thổ của Vương quốc Champa với những dấu tích văn hóa mang đậm bản sắc của văn minh Ấn Độ và tiếp nối đến văn hóa Đại Việt trải qua các triều đại Trần, Hồ, Lê và thời của chúa Nguyễn mở đất Đàng Trong, của Quang Trung thống nhất sơn hà bắt đầu từ Phú Xuân và định đô ở Phú Xuân – Huế. Lần đầu tiên trở thành Kinh đô của cả nước, đến triều Nguyễn với thời gian tồn tại 143 năm trong lịch sử, để lại một dấu ấn văn hóa Huế - văn hóa Phú Xuân trong lòng văn hóa Việt Nam, trong đó Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới của nhân loại.

DSVH phi vật thể hay văn hóa tinh thần từ văn hóa cung đình đến văn hóa dân gian xứ Huế, từ nghệ thuật diễn xướng truyền thống, lễ hội tín ngưỡng dân gian, văn hóa ẩm thực, làng nghề thủ công truyền thống... Đó là các giá trị văn hóa phát sinh và phát triển cùng quá trình sinh sống của cư dân Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế trong sự tiếp biến giao thoa văn hóa giữa việc kế thừa văn hóa truyền thống dân tộc từ văn minh sông Hồng, văn hóa Thăng Long, từ vùng văn hóa Thanh Nghệ Tĩnh, từ nền văn hóa bản địa của nền văn minh Champa rực rỡ một thời, là nối kết tinh hoa văn hóa phương Tây. Đặc biệt sự giao thoa và chuyển hóa giữa chốn cung đình và dân gian đã tạo nên các giá trị đặc sắc mà ngày nay, một bộ phận nghệ thuật âm nhạc truyền thống Huế là Nhã nhạc cung đình Huế được tôn vinh là DSVH phi vật thể, kiệt tác truyền khẩu của nhân loại. Đồng thời các lĩnh vực, hình thức khác tiếp tục được bảo tồn, phát huy và đồng hành trên con đường xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

4. Những kết quả nghiên cứu về DSĐC, đa dạng sinh học và di sản văn hóa cho thấy khu vực Tam Giang - Bạch Mã hội tụ đủ điều kiện về mặt tự nhiên và xã hội để thành lập Công viên địa chất trong hệ thống công viên địa chất ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Bước đầu đánh giá khả năng xây dựng CVĐC toàn cầu ở khu vực này theo các tiêu chí của UNESCO. Để công viên địa chất toàn cầu Tam Giang - Bạch Mã thành hiện thực, công việc cần làm tiếp theo là áp dụng mô hình quản lý CVĐC ở Việt Nam bao gồm 10 bước.

5. Bước đầu đánh giá được sự ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên và xã hội đến các DSĐC và di sản khác trong khu vực TG - BM và đề xuất một số giải pháp nhằm bảo vệ và bảo tồn di sản trong khu vực.

6. Đề xuất 4 tuyến du lịch địa chất kết hợp với du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử và tâm linh.

DANH MỤC SẢN PHẨM CÔNG BỐ LIÊN QUAN VỚI CÔNG TRÌNH

Bài báo

1. Vu Quang Lan, Truong Quang Quy, Trinh Hai Son, 2019.  SEQ CHAPTER \h \r 1Geological Heritage Types In Tam Giang - Bach Ma Area, Thua Thien - Hue Province, Vietnam. Modern Environmental Science and Engineering (ISSN 2333-2581). February 2019, Volume 5, No. 2, pp.

2. Vũ Quang Lân, Trần Quang Phương, Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Xuân Quang, 2019. Nghiên cứu, xác lập và phân loại di sản địa chất khu vực Tam Giang – Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Tạp chí Địa chất số 368/2019. Hà Nội.

3. Đặng Quốc Tiến, Đỗ Quang Thiên, Vũ Quang Lân, 2020. Các thành tạo cát biển trong trầm tích Đệ tứ ở Thừa Thiên Huế và giá trị di sản địa chất liên quan. Tạp chí Địa chất số 371-372/2020. Hà nội.

4. Vũ Quang Lân, Nguyễn Tiến Dũng, Lương Quang Khang, Trần Quang Phương, Hoàng Văn Quyền, Nguyễn Danh Lam, Bùi Văn Nghĩa, 2020. Tiềm năng di sản địa chất khu vực Tam Giang - Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Mỏ - Địa chất. Tập 61, Kỳ 2 (2020). Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Hà Nội.

5. Vũ Quang Lân, Trần Quang Phương, Hoàng Ngô Tự Do, 2020. Đặc điểm các trầm tích Holocen ở đồng bằng Thừa Thiên Huế. Tạp chí Khoa học và Công nghệ. Tập 17, số 2 (2020). Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.

6. Lê Nguyễn Thới Trung, Vũ Quang Lân, 2020. Sự đa dạng về địa chất, địa mạo và sinh vật: Cơ sở xây dựng công viên địa chất cho tỉnh Thừa Thiên Huế. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (157), 2020. Huế.

7. Hoàng Ngô Tự Do, Hồ Trung Thành, Vũ Quang Lân, 2021. Định hướng phát triển du lịch địa chất kết hợp với du lịch sinh thái ở khu vực Tam Giang – Bạch Mã, Thừa Thiên Huế. Tạp chí Khoa học và Công nghệ. Tập 17, số 2 (2021). Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.

8. Vũ Quang Lân, Trương Quang Quý, Nguyễn Đại Trung, 2021. Các giá trị di sản địa chất nổi bật ở khu vực Tam Giang – Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đã được chấp nhận đăng trong Tuyển tập các công trình của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản.

Sách chuyên khảo

1. Vũ Quang Lân (chủ biên), Hoàng Ngô Tự Do, Bùi Tiến Dũng, Trần Quang Phương, Nguyễn Xuân Quang, Hoàng Văn Quyền, Trương Quang Quý, Nguyễn Đại Trung, 2021. Tiềm năng di sản địa chất khu vực Tam Giang – Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhà xuất bản Đại học Huế, 2021. Huế.

2. Vũ Quang Lân (Chủ biên), Hoàng Ngô Tự Do, Trần Quang Phương, 2021. Đồng bằng Thừa Thiên Huế - Địa chất, Địa mạo và Tài nguyên liên quan. Nhà xuất bản Đại học Huế, 2021. Huế. 

Báo cáo tại hội nghị khoa học quốc tế và trong nước

1. Vu Quang Lan, Truong Quang Quy, Trinh Hai Son, 2018. Types of Geoheritage in Tam Giang – Bach Ma area, Thua Thien Hue province, Vietnam. 8th International conference Unesco Global Geoparks, Italia, 2018.

2. Vu Quang Lan, Truong Quang Quy, Tran Quang Phuong, 2018. Geological setting and geoheritage potential in Tam Giang – Bach Ma area, Thua Thien Hue province. 15th GEOSEA 2018, Hanoi, Vietnam.

3. Trương Quang Quý, Vũ Quang Lân, 2021. Tiềm năng thành lập Bảo tàng địa chất ngoài trời ở khu vực Tam Giang – Bạch Mã, Thừa Thiên Huế. Hội nghị toàn quốc Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam tổ chức tháng 5/2021. Hà Nội.

 

TS. Vũ Quang Lân và ThS. Lê Nguyễn Thới Trung

thay mặt tập thể tác giả công trình nhận Giải thưởng

Hỗ trợ trực tuyến