NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC VỀ ĐỊA CHẤT VÀ KHOÁNG SẢN QUA THI CÔNG ĐỀ ÁN HOÀNG SU PHÌ

Tên đề án: Lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 nhóm tờ Hoàng Su Phì.

Thuộc đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội”. 

Thời gian thực hiện: từ tháng 03 năm 2016 đến tháng 12 năm 2022.

Diện tích công tác: 941 km2.

Chủ nhiệm đề án: ThS. La Mai Sơn (từ 03/2016 - 2/2020), KS. Bùi Tiến Dũng (từ 2/2020 - 12/2022).

Các kết quả chủ yếu đạt được

Về địa tầng: chính xác hóa diện phân bố, phân chia chi tiết theo đặc điểm thạch học và thể hiện trên bản đồ địa chất các hệ tầng Thác Bà, Hà Giang và các thành tạo Đệ tứ. Không ghi nhận được sự có mặt các đá của hệ tầng An Phú. 

Về magma: chính xác hóa diện phân bố các đá của phức hệ Sông Chảy. Làm rõ sự khác nhau về đặc điểm thạch học, địa hóa, sinh khoáng, tính chuyên hóa địa hóa, biến đổi sau magma, bối cảnh địa động lực và khoáng sản liên quan với các đá của phức hệ Sông Chảy. Các kết quả về tuổi đồng vị, thành phần thạch học, địa hóa và quan hệ địa chất đã xếp phức hệ vào mức tuổi phù hợp với các tài liệu địa chất khu vực. Ghi nhận các đai mạch không rõ tuổi. Không ghi nhận được các đá xâm nhập acid có tuổi Creta.

Về cấu trúc kiến tạo: diện tích nhóm tờ thuộc 1 khối cấu trúc kiến tạo, gồm 4 tổ hợp thạch kiến tạo và 4 pha biến dạng. Đã xác định quy mô, tính chất và vai trò của các đứt gãy chủ yếu trong nhóm tờ, ghi nhận 20 đứt gãy theo các phương khác nhau. Làm sáng tỏ các đặc điểm biến dạng và khả năng có liên quan đến tạo quặng của mỗi giai đoạn biến dạng. Đặc biệt ghi nhận hoạt động pha biến dạng B2 và mối liên quan tới hệ thống các mạch nhiệt dịch, pegmatit, granit aplit liên quan đến khoáng sản felspat khu vực Nậm Khòa, Nậm Phang và thạch anh khu vực Tân Tiến.

 Các công tác nghiên cứu kết hợp:

- Về địa mạo: đã phân chia địa hình vùng nghiên cứu tương ứng với 7 bề mặt địa hình; trong đó dạng địa hình chiếm diện tích chủ yếu là bề mặt địa hình bóc mòn - rửa trôi - xâm thực và bề mặt địa hình bóc mòn - tích tụ. Xác định được tuổi các bề mặt địa hình từ Neogen đến Đệ tứ.

- Về vỏ phong hóa:đã xác định được 3 kiểu vỏ phong hóa là kiểu sialit, sialferit và saprolit. Khoanh định được các diện tích có chứa các kiểu vỏ phong hóa trên, giai đoạn hình thành các kiểu vỏ phong hóa được xác định tương ứng với giai đoạn phát triển của bề mặt địa hình. Xác định được những khu vực có bề dày vỏ phong hóa lớn, có liên quan đến tai biến địa chất. Khoáng sản liên quan với vỏ phong hóa: Kaolin ở khu vực xã Đản Ván; Tụ Nhân; Nậm Phang.

- Về tai biến địa chất: ghi nhận 6 loại tai biến địa chất, các dạng tai biến địa chất được tổng hợp, đánh giá hiện trạng mức độ thiệt hại, nguyên nhân hình thành, phát triển và đã khoanh định các khu vực tập trung các dạng tai biến địa chất gồm 8 khu vực có nguy cơ cao: Bản Máy - Chiến Phố (10 km2), Thèn Chu Phìn - Pố Lồ (6 km2), Đản Ván (8 km2), thị trấn Vinh Quang (20 km2), Hồ Thầu (15 km2), Quảng Nguyên (1,2 km2), Đèo gió - Nà Chì (10 km2), Xuân Minh (6,5 km2); đồng thời đưa ra các biện pháp phòng tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại do tai biến địa chất gây ra. Khoanh định diện tích 40 km2 (khu vực trung tâm thị trấn Hoàng Su Phì) có nguy cơ rất cao về tai biến địa chất.

- Về môi trường địa chất: với tài liệu hiện có đã khoanh định được diện phân bố của các giá trị đo xạ gama với 3 bậc giá trị từ 2,7-3,2 mSv/năm (31-37 μR/h); 3,2-3,7 mSv/năm (37-43 μR/h.) và 3,7-4,2 mSv/năm (43-48 μR/h). Ghi nhận các vành phân tán nguyên tố arsen (As), chì (Pb), kẽm (Zn). Tuy nhiên, chưa ghi nhận được sự ảnh hưởng độc hại của các nguyên tố này trong môi trường đất, môi trường nước.

- Về di sản địa chất: ghi nhận và phân loại được 37 DSĐC thuộc 5 kiểu DSĐC gồm: địa mạo; đá; khoáng vật - khoáng sản; kiến tạo - lịch sử địa chất; kinh tế địa chất và 04 các di sản khác; khoanh định 10 cụm DSĐC, các địa điểm có giá trị về địa chất, địa mạo, văn hóa là nơi giàu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Khoanh định được diện tích (325 km2) có tiềm năng di sản địa chất đề nghị điều tra tiếp theo.

Về khoáng sản: Đã đăng ký trên bản đồ 31 mỏ khoáng, biểu hiện khoáng sản, biểu hiện khoáng hóa. Các khoáng sản được xếp vào 3 nhóm chính gồm: khoáng sản kim loại, khoáng sản không kim loại, nước nóng - nước khoáng.

Trong đó đã điều tra khoáng sản chi tiết 6 biểu hiện khoáng sản (tổng diện tích 31km2) bao gồm: felspat Nậm Khòa (9 km2), đã khoanh định được 8 thân khoáng sản felspat với tài nguyên là 931.889 tấn, trong đó khoanh định được diện tích 2,5 km2 có triển vọng felspat (tài nguyên cấp 333 là 542.332 tấn, cấp 334a là 170.292 tấn, tổng tài nguyên 712.624 tấn) và đề nghị đưa vào thăm dò 0,7 km2; kaolin-felspat (mica) Nậm Phang (7 km2), đã khoanh định được 20 thân khoáng sản, tính tài nguyên cho 13 thân khoáng sản cấp 334a là 819.032 tấn felspat và 59.100 tấn kaolin; thạch anh Tân Tiến (6 km2), đã khoanh định được 12 thân khoáng, tài nguyên là 1.373.618 tấn; kaolin Đản Ván (3 km2), đã khoanh định được 5 thân khoáng sản, tài nguyên cấp 334a là 150.158 tấn; kaolin Tụ Nhân (3 km2), đã khoanh định được 5 thân khoáng sản, tài nguyên cấp 334a là 224,950 tấn; granit ốp lát Thông Nguyên (3 km2), tài nguyên cấp 334a làm ốp lát 31.162.374 m3, làm vật liệu xây dựng thông thường 152.145.706 m3.

Đã phân vùng và dự báo triển vọng khoáng sản trong diện tích nhóm tờ. Đề xuất 03 diện tích rất triển vọng (A-21,5 km2) cần thăm dò tiếp theo; 04 diện tích triển vọng (B-193 km2) cần được đánh giá tiềm năng; 04 diện tích chưa rõ triển vọng (C-173 km2) cần được khảo sát, điều tra bổ sung.

Các ghi nhận mới về địa chất - khoáng sản

Địa chất: lần đầu tiên phát hiện disten (kyanit) trong đá phiến thạch anh-mica thuộc hệ tầng Thác Bà ở khu vực Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang (ảnh 1,2). 

 Khoáng sản: phát hiện mới 10 biểu hiện khoáng sản và 08 biểu hiện khoáng hóa: 

- BHKS (10 điểm), gồm: 01 BHKS felspat Nậm Khòa (ảnh 3-5); 01 BHKS felspat, kaolin (mica) Nậm Phang (ảnh 6-7); 03 BHKS kaolin (Thàng Tín, Tụ Nhân, Đản Ván) (ảnh 8); 01 BHKS mica (Quang Sơn); 01 BHKS thạch anh Tân Tiến (ảnh   9-11); 02 BHKS granit ốp lát (Thông Nguyên, Chiến Thắng) (ảnh 12-13); 01 BHKS đá vôi xây dựng (Xín Mần). 

- BHKH (08 điểm), gồm: 01 vàng, chì - kẽm (Nàn Xỉn); 01 BHKH wolfram (vàng) (Chiêu Lầu Thi); 03 BHKH wolfram (Chiến Phố, Lùng Cẩu, Chế Là); 01 BHKH đất hiếm (Thông Nguyên); 01 BHKH disthen (Đản Ván); 01 BHKH turmalin (Tân Tiến). 

Felspat, kaolin khu vực Nậm Khòa

 

Felspat, kaolin khu vực Nậm Phang 

 Kaolin khu vực Tụ Nhân

 Ảnh 8: Kaolin khu vực Tụ Nhân (vết lộ HS.1150)

Khoáng sản thạch anh khu vực Tân Tiến:  

 

 

 Ảnh 11: Mẫu lõi khoan thạch anh khu vực Tân Tiến (lỗ khoan LK.3-TT-HS) 

Đá granit ốp lát khu vực Thông Nguyên 


Đánh giá mức độ hoàn thành

Kết quả thi công đề án phù hợp mục tiêu, đối tượng, nhiệm vụ được giao. Báo cáo đã thể hiện đầy đủ kết quả thực hiện của đề án, đảm bảo về chất lượng, đáp ứng độ tin cậy cần thiết. Bản đồ địa chất, khoáng sản phản ánh phù hợp kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản. Bản đồ dự báo triển vọng khoáng sản được xây dựng trên cơ sở các tiền đề và dấu hiệu khống chế khoáng sản phù hợp tài liệu thực tế. Báo cáo có những phát hiện mới về khoáng sản có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.

Đánh giá tác động kết quả nhiệm vụ hoàn thành

Kết quả thi công đã cơ bản làm sáng tỏ cấu trúc địa chất khu vực nghiên cứu, các tiền đề, dấu hiệu liên quan trực tiếp đến sự hình thành và khống chế quặng hóa; đã xác định được tiềm năng triển vọng tài nguyên khoáng sản felspat, kaolin khu vực Nậm Khòa, Nậm Phang; thạch anh khu vực Tân Tiến, vật liệu xây dựng, nước nóng khoáng… làm cơ sở định hướng triển khai các nhiệm vụ điều tra cơ bản và thăm dò khoáng sản tiếp theo. Góp phần hoàn thành nhiệm vụ của ngành Địa chất về điều tra địa chất và khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 trên toàn bộ diện tích phần đất liền lãnh thổ Việt Nam.

Việc hoàn thành đề án còn cung cấp cho chính quyền và nhân dân địa phương các thông tin về tài nguyên khoáng sản, môi trường, tai biến địa chất… nhằm giúp cho việc định hướng quy hoạch phát triển, phòng ngừa các tác động tiêu cực liên quan đến tai biến địa chất.

Sản phẩm của đề án đáp ứng yêu cầu điều tra cơ bản phục vụ quy hoạch  phát triển kinh tế xã hội hiện nay ở khu vực nghiên cứu, đóng góp vào mục tiêu chung của Chính phủ về quy hoạch phát triển kinh tế xã hội đất nước.  

Hỗ trợ trực tuyến