HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ

Hội thảo quốc tế về “Tai biến và Địa chất duyên hải”

 Hội thảo quốc tế về “Tai biến và Địa chất duyên hải” do CCOP phối hợp với Sở Địa chất Nhật Bản và Đề án DelSEA tổ chức tại Bandung, Indonesia, từ ngày 16 đến 22 tháng 3 năm 2014 với sự tham dự của 10 đại biểu đến từ 8 Quốc gia (Campuchia: 1, Hàn Quốc 1, Malaysia: 1, Mỹ: 1, Nhật Bản: 2, Thái Lan: 2, Trung Quốc: 1, Việt Nam: 1) và 25 đại biểu là Nghiên cứu viên thuộc Viện Nghiên cứu biển, Indonesia. Nội dung Hội thảo có 2 phần: hội thảo khoa học và khảo sát thực địa.

 


Đại biểu tham dự Hội nghị

Hội thảo khoa học được tổ chức trong 2 ngày 17 và 18 tháng 3 năm 2014 với 15 báo cáo được trình bày theo 4 chủ đề: (1) Về các đồng bằng châu thổ; (2) Xói lở bờ biển; (3) Tai biến đới ven biển và đặc điểm cấu trúc; (4) Bờ biển Indonesia. Sau khi nghe các báo cáo khoa học, Hội nghị đã thảo luận làm rõ hơn các nội dung về cấu trúc địa chất đới ven biển, các tai biến thường xảy ra ở vùng này và thống nhất đề xuất các quốc gia cần quan tâm đầu tư nghiên cứu nhiều hơn nữa đối với khu vực quan trọng và nhạy cảm này trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia.   

Đoàn khảo sát thực địa ven biển Pondok Bali, Pamanukan và Cirebon

Trong 3 ngày, từ 19 đến 21 tháng 3, Ban tổ chức đã tổ chức khảo sát thực địa dọc theo ven biển ở Pondok Bali, Pamanukan và Cirebon. Đã tập trung khảo sát ở khu vực phát triển rừng ngập mặn với đường bờ biển được bồi tụ và các khu vực đường bờ biển bị xói mòn. Kết thúc chuyến khảo sát thực địa, Ban tổ chức đã tổ chức thảo luận về hiện trạng và nguyên nhân gây ra xói lở đường bờ biển và các tai biến liên quan khác ở đới ven bờ.

 

Tàu nghiên cứu biển của Indonesia

Ngoài chương trình hội thảo, Ban tổ chức hội nghị còn tổ chức cho các đại biểu tham quan Tàu nghiên cứu biển, Phòng thí nghiệm địa chất, Phòng lưu trữ mẫu vật của Viện Nghiên cứu biển, Indonesia; Bảo tàng Hội nghị Á – Phi được tổ chức tại Bandung vào năm 1955.

Phòng lưu trữ mẫu của Viện Nghiên cứu biển, Indonesia

Tham gia Hội thảo này, đại biểu Việt Nam đã trình bày báo cáo khoa học “Đặc điểm trầm tích Đệ tứ và tai biến lũ lụt ở đồng bằng Quảng Trị - Thừa Thiên Huế”. Nội dung báo cáo tập trung làm rõ đặc điểm tiến hóa của các thành tạo trầm tích Đệ tứ theo thời gian, không gian và mối quan hệ giữa trầm tích với đặc điểm địa mạo, tân kiến tạo; tai biến lũ lụt, nguyên nhân gây ra lũ lụt và đề xuất các giải pháp khắc phục nhằm giảm thiểu tác hại của lũ lụt ở vùng nghiên cứu.

Ngoài ra, đại biểu Việt Nam đã trực tiếp trao đổi với đại diện của CCOP, Sở Địa chất Nhật Bản, KIGAM (Hàn Quốc) và Cục Địa chất Trung Quốc về khả năng hợp tác trong nghiên cứu các đồng bằng châu thổ và đới ven biển giữa Việt Nam và các nước trong khu vực. Đại diện của CCOP và KIGAM thống nhất sẽ đề xuất những nội dung hợp tác nghiên cứu đới ven biển trong thời gian tới. Việc tham gia hội thảo “Tai biến và Địa chất duyên hải” mở ra cơ hội hợp tác nghiên cứu đới ven biển giữa các nước thành viên của CCOP.

Trong năm 2015, Hội thảo khoa học do CCOP và đề án DelSEA phối hợp tổ chức tại thành phố Quindao, Trung Quốc.

 

TS. Vũ Quang Lân, Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc.

Hỗ trợ trực tuyến