LIÊN ĐOÀN BẢN ĐỒ ĐỊA CHẤT MIỀN BẮC 55 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

  55 năm trước (tháng 9/1959), một chuyên ngành mới của ngành địa chất Việt Nam được thành lập - chuyên ngành Bản đồ địa chất, với tên gọi Ban Bản đồ.
     Nhiệm vụ của chuyên ngành Bản đồ địa chất là tiến hành đo vẽ lập bản đồ địa chất và tìm kiếm khoáng sản các tỷ lệ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước.

     Thực hiện việc điều tra cơ bản là điều tra về cấu trúc, thành phần vật chất, lịch sử phát sinh, phát triển vỏ trái đất và các điều kiện, qui luật sinh khoáng liên quan. Trên cơ sở đó tiến hành điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản nghĩa là việc đánh giá tổng quan tiềm năng khoáng sản làm căn cứ khoa học cho việc định hướng các hoạt động khảo sát thăm dò khai thác khoáng sản nói riêng và qui hoạch phát triển kinh tế cho từng địa phương cũng như cả nước nói chung. Đó chính là bước tiên phong cho mọi hoạt động tiếp theo của ngành địa chất của mỗi nước.
Đầu năm 1960, theo Quyết định số 238 BCN/QĐ ngày 15/02/1960 của Bộ Công nghiệp, Ban Bản đồ - đơn vị thành lập bản đồ địa chất được gọi là Đoàn 20 nằm trong cơ cấu tổ chức của Cục Địa chất.
     Tên gọi Đoàn 20 đã gắn liền mật thiết với công trình Bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam 1:500.000 và một số bản đồ chuyên đề đi cùng do tập thể các nhà địa chất trẻ của Việt Nam cùng chung sức với một tập thể các nhà địa chất Xô Viết thực hiện dưới sự chỉ đạo khoa học của nhà địa chất tài ba A.E.Dovjicov.
     Ngày 26/7/1960, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà công bố sắc lệnh số 18/TCT về việc thành lập Tổng Cục Địa chất trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Năm 1967, theo Nghị định 141/CP ngày 1/9/1967 trong danh sách các đơn vị trực thuộc Tổng cục Địa chất, Đoàn 20 được đổi tên thành Cục Bản đồ địa chất.
     Từ năm 1967 đến 1977 là thời kỳ phát triển hết sức mạnh mẽ đội ngũ của những nhà bản đồ địa chất Việt Nam cả về số lượng và tri thức. Cục Bản đồ đã thực hiện rất nhiều phương án đo vẽ lập bản đồ địa chất ở tỷ lệ 1:200.000, 1:50.000 ở miền Bắc và tiến hành đo vẽ 1:500.000 ở miền Nam Việt Nam ngay sau khi sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước hoàn thành. Đây cũng là thời kỳ Cục ban hành nhiều hướng dẫn thành lập các loại tài liệu trong công tác lập bản đồ.
     Đặc biệt năm 1973, theo yêu cầu của Ban Thống nhất Trung ương, Tổng cục Địa chất thành lập Ban B để tổ chức các Đoàn Địa chất chi viện cho miền Nam. Trong số đó, Đoàn vào chiến trường B3, Tây Trường Sơn gồm một số Đoàn thực hiện công tác chuyên môn như Đoàn Bản đồ, Đoàn Vật liệu xây dựng, Đoàn nước. Đoàn Bản đồ do ông Nguyễn Xuân Bao làm Đoàn trưởng, và ông Lê Giang là một trong hai Phó đoàn.
     Tại Quyết định số 131/ĐC-TC ngày 11/5/1977, Cục Bản đồ (địa chất) trực Tổng cục Địa chất đổi tên thành Liên đoàn Bản đồ địa chất.
     Hai mươi năm từ 1977 - 1997 là thời kỳ có rất nhiều biến động về tổ chức, lực lượng của Liên đoàn nhưng cũng là những năm ghi nhiều dấu ấn đối với sự nghiệp Bản đồ địa chất. Liên đoàn đã hoàn thành việc đo vẽ tỷ lệ 1:500.000 miền nam Việt Nam, chỉnh lý theo những tài liệu mới phần miền Bắc để lắp ghép, thành lập bộ Bản đồ địa chất Việt Nam 1:500.000, Bản đồ khoáng sản Việt Nam 1:500.000 (bộ bản đồ này đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005) và nhiều bản đồ chuyên đề khác cùng tỷ lệ.
     Năm 1977 cũng là năm Tổng cục Địa chất thành lập một số Liên đoàn mới như Liên đoàn C, Liên đoàn Địa chất 1, Liên đoàn Địa chất 3..., trong đó một lực lượng từ Liên đoàn Bản đồ địa chất chuyển sang Liên đoàn C. Năm 1984, Liên đoàn Bản đồ địa chất tách gần một nửa lực lượng để thành lập Liên đoàn Bản đồ II đặc trách công tác lập bản đồ địa chất miền Nam Việt Nam. Đặc biệt cuối những năm 70, đầu những năm 80 nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Liên đoàn đã được điều động và bổ nhiệm lên những cương vị lãnh đạo cấp Tổng cục, Bộ, Ngành và Nhà nước.
     Đồng thời với việc đẩy mạnh công tác đo vẽ 1:200.000, 1:50.000 phần miền Bắc, Liên đoàn đã thực hiện việc đo vẽ theo phương pháp nhóm tờ tỷ lệ 1:200.000 ở lãnh thổ phía Nam, bắt đầu là nhóm tờ Huế - Quảng Ngãi. Đây có thể coi là một bước ngoặt mang tính đột phá để đẩy nhanh tiến độ và chất lượng của công tác đo vẽ bản đồ địa chất 1:200.000. Để nâng cao chất lượng công tác đo vẽ bản đồ địa chất 1:50.000, Liên đoàn đã biên soạn và được Tổng cục Mỏ và Địa chất ban hành “Qui chế tổ chức và tiến hành đo vẽ địa chất nhóm tờ tỷ lệ 1:50.000 (1:25.000)”; đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học, nhất là phương pháp viễn thám...
     Công tác hiệu đính các loạt tờ bản đồ địa chất và khoáng sản tỷ lệ 1:200.000 Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ cũng được tiến hành trong thời gian từ năm 1978 đến 2001.
     Ngày 20 tháng 6 năm 1997, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp đã ban hành quyết định số 887/QĐ-TCCB về việc hợp nhất Liên đoàn Bản đồ địa chất và Trung tâm Viễn thám địa chất thành Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc.
     Từ tháng 8 năm 2011 đến tháng 6 năm 2014, cơ cấu tổ chức của Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc thực hiện theo Quyết định số 43/ĐCKS-TCCB ngày 22/7/2011 của Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản. Từ tháng 7 năm 2014, cơ cấu tổ chức của Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc được thực hiện theo Quyết định số 416/ĐCKS-TCCB ngày 01/7/2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.
     Kế tục truyền thống của các thế hệ đi trước, từ 1997 đến nay Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc đã hoàn thành có chất lượng công tác đo vẽ bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 của 14 nhóm tờ, đang thi công 3 nhóm tờ; thực hiện thành công 17 đề án, đề tài nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực địa chất – khoáng sản, địa chất đô thị, điều tra tai biến địa chất và địa chất môi trường, soạn thảo qui chế, hướng dẫn... Đồng thời tiến hành nhiều hợp tác khoa học với các cơ quan khác, các địa phương, doanh nghiệp trong qui hoạch khoáng sản, đánh giá, thăm dò khoáng sản; các công trình điều tra phục vụ thuỷ điện, điện nguyên tử. Công tác đào tạo và hợp tác quốc tế được chú trọng nhằm xây dựng lực lượng cán bộ kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài của Liên đoàn cũng như của ngành Địa chất.
     Nguồn tài liệu tổng hợp hết sức quí giá cả về ý nghĩa khoa học lẫn thực tiễn – công sức của hàng ngàn cán bộ, công nhân viên Liên đoàn 55 năm qua tạo dựng nên là hết sức đồ sộ với hệ thống bản đồ địa chất, khoáng sản và các bản đồ chuyên đề đi cùng ở các tỷ lệ khác nhau:
     - Tỷ lệ 1:500.000 (1:1.000.000; 1:500.000) gồm 12 bộ theo từng miền (miền Nam, miền Bắc) và trên toàn lãnh thổ của đất nước.
     - Tỷ lệ 1:200.000 gồm 25 bộ theo tờ, nhóm tờ và đã được hiệu đính nhiều lần của các loạt tờ Tây Bắc, Đông Bắc và Bắc Trung Bộ.
     - Tỷ lệ 1:50.000 với 49 bộ theo tờ, nhóm tờ.
     - Tỷ lệ 1:25.000 (1:10.000) với 17 bộ của 17 vùng và rất nhiều loại bản đồ thuộc các đề tài nghiên cứu khoa học khác.
     Đặc biệt kết quả của toàn bộ công tác đo vẽ lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 của Liên đoàn tính cho đến thời điểm này đã đăng ký được 2656 điểm khoáng sản ở qui mô mỏ khoáng và biểu hiện khoáng sản, trong đó phát hiện mới là 1246 điểm. Đây chính là biểu hiện cụ thể và sinh động nhất về hiệu quả của công tác điều tra cơ bản trong việc cung cấp cơ sở khoa học để xây dựng chiến lược, qui hoạch phát triển kinh tế nguyên liệu khoáng của đất nước.
    Với những thành tích trong xây dựng và phát triển 55 năm qua, Liên đoàn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao tặng nhiều phần thưởng cao quí:
   - Giải thưởng Hồ Chí Minh.
   - Huân chương Độc lập hạng 2, hạng 3.
   - 02 danh hiệu Anh hùng lao động (01 tập thể, 01 cá nhân).
   - 10 Huân chương lao động các loại; hàng trăm bằng khen, huy chương, giải thưởng các loại.
   Phát huy truyền thống 55 năm xây dựng và phát triển, dưới ánh sáng đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; với sự chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trực tiếp là Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Bắc sẽ tiếp tục phấn đấu, phát hiện thêm nhiều khoáng sản góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh.

Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ cho cụm công trình: Bản đồ địa chất Việt Nam tỷ lệ 1:500.000 và Bản đồ khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1:500.000

Tập thể tác giả được trao giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2005)

Hỗ trợ trực tuyến