BỐN MƯƠI NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA ĐOÀN ĐỊA VẬT LÝ 209

     Các phương pháp địa vật lý là những phương pháp nghiên cứu địa chất một cách gián tiếp; các tín hiệu địa vật lý được biến đổi, xử lý phân tích cho các kết quả ở dạng mặt cắt địa chất - địa vật lý, bản đồ trường, bản đồ tham số vật lý phản ánh hình thái, bản chất môi trường địa chất. Các phương pháp địa vật lý có ưu điểm đặc biệt là có thể nghiên cứu các môi trường địa chất từ xa, nghiên cứu các đối tượng địa chất ở sâu mà con người bằng mắt thường không thể quan sát được.

     Do những ưu điểm nêu trên, trong quá trình đo vẽ lập bản đồ địa chất và tìm kiếm khoáng sản ở các tỷ lệ không thể không có công tác địa vật lý (ĐVL), vì vậy việc ra đời một đơn vị ĐVL chuyên đề trong Liên đoàn Bản đồ địa chất là một yêu cầu tất yếu của công tác kỹ thuật.
     Theo đề nghị của Ông Cục trưởng Cục Bản đồ (nay là Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc), Tổng cục Địa chất (nay là Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam), đã ký quyết định số 25QĐ/TC, ngày 30/01/1971 thành lập Đoàn Địa vật lý trực thuộc Cục Bản đồ có phiên hiệu là Đoàn 209 với các nhiệm vụ cụ thể sau:

     1- Xây dựng và thi công các phương án kỹ thuật ĐVL, lập báo cáo tổng kết theo kế hoạch Tổng cục giao, phục vụ có chất lượng và đảm bảo thời gian trong công tác nghiên cứu lập bản đồ địa chất ở các tỷ lệ 1: 200.000, 1:50.000 đến 1:25.000 và 1: 10.000;
     2- Đo và xử lý phân tích các tài liệu tham số vật lý của các mẫu đá và quặng (các mẫu được lấy trong quá trình lập bản đồ địa chất ở các tỷ lệ, thuộc phạm vi hoạt động của Cục);
     3- Sửa chữa nhỏ các máy móc và thiết bị ĐVL Tổng cục giao;
     4- Đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ, tay nghề cho cán bộ, công nhân viên trong Đoàn.
     Thành tựu nổi bật và xuyên suốt trong hơn bốn mươi năm qua của công tác ĐVL là phục vụ có hiệu quả, góp phần giải quyết các mục tiêu và nhiệm vụ của chuyên ngành đo vẽ địa chất và tìm kiếm khoáng sản, cụ thể là:
     1-Hiệu quả của công tác ĐVL phục vụ đo vẽ lập bản đồ địa chất
     Các phương pháp ĐVL đã được sử dụng trong đo vẽ bản đồ địa chất chủ yếu gồm: phương pháp đo Từ, đo Phóng xạ mặt đất, đo Phổ Gamma, các phương pháp đo Điện, đo khí phóng xạ, hơi Thủy ngân, đo Địa chấn, Phòng VILAS-107 với các phương pháp đo tham số (từ, điện trở suất, độ phân cực, độ phóng xạ, mật độ).
     + Phương pháp đo từ (theo diện hoặc theo tuyến) nhằm tìm kiếm, phát hiện các thân quặng sắt, xác định ranh giới giữa đá xâm nhập và các đá trầm tích, đặc biệt là các thể magma xâm nhập, xác định các đứt gãy kiến tạo, các đới biến đổi, đánh giá bản chất các dị thường từ hàng không, xác định diện tích cho công tác tìm kiếm chi tiết tiếp theo.
     Công tác này đã được tiến hành trên các tờ: Sông Cả, Mahaxay - Đồng Hới (1: 200.000); Hòa Bình - Tân Lạc, Đại Thị- Phia Khao, Tây Tam Điệp, Tabhinh, Bản Nhũng, Hà Quảng,Văn Chấn…. (1: 50.000 và 1:25.000).
     + Đo sâu điện cấu tạo được tiến hành ở các vùng đồng bằng có lớp phủ Đệ tứ. Trong các năm 1970-1984 đã tiến hành công tác đo sâu điện các vùng trũng Hà Nội, Hải Phòng - Nam Định, Thanh - Nghệ Tĩnh, Huế - Quảng Ngãi, đồng bằng sông Cửu Long (tỷ lệ 1:200.0000) và một số thung lũng giữa núi.
     Kết quả của phương pháp đo sâu điện là đã xác định được các bề mặt nền đá gốc, xác định ranh giới các lớp đất đá khác nhau, chiều dày các lớp trầm tích, dự doán các tầng có khả năng chứa nước, các vùng nhiễm mặn…
     + Công tác đo tham số: Các tính chất chất vật lý của đá và quặng được xác định là độ phóng xạ, mật độ, giá trị điện trở suất, độ phân cực, độ từ cảm, từ dư. Các kết quả này cung cấp thêm thông tin giúp các nhà địa chất trong công tác lập bản đồ địa chất và tìm kiếm khoáng sản, giúp cho việc lựa chọn tổ hợp các phương pháp ĐVL nhằm nghiên cứu các loại hình khoáng sản khác nhau.
     2- Công tác ĐVL phục vụ công tác tìm kiếm khoáng sản
     Đã tiến hành một khối lượng lớn các phương pháp ĐVL trong công tác điều tra chi tiết khoáng sản tỷ lệ 1: 10.000, đã đạt được kết quả tốt.
     Tùy theo loại hình khoáng sản mà áp dụng các hệ phương pháp ĐVL khác nhau, gồm: đo điện các loại (đo điện mặt cắt liên hợp, hệ các phương pháp đo mặt cắt phân cực kích thích, đo sâu điện các loại…), đo Từ, Xạ phổ Gamma, suất liều phòng xạ, đo hơi thủy ngân, khí phóng xạ các loại… Các đối tượng khoáng sản tìm kiếm mà đơn vị đã thực hiện trong hơn bốn mươi năm qua là: vàng sa khoáng, vàng gốc, pyrit- pyrotin, chì –kẽm, antimon, mangan, sắt magnetit - hematit, vonfram- molybđen, than,  barit, đồng- vàng, sulfur- đa kim, uran, đất hiếm…
     Các kết quả ĐVL cho kết quả tốt trên các vùng như: vàng gốc Avao, DakSa-K7, Bó Cầm, Làng Tim, Làng Đầu, Làng Chang, Tân Lĩnh, Đông Quan, Lộc Xoa, Minh Đồng, Tân Ca, Bản Lát….; chì- kẽm Hùng Lợi, Khuôn Khương- Đồng Chẫu, Xá Nhè,…; mangan Nghĩa Thuận, Đồng Tâm; pyrit Làng Cái, Tam Điệp; sắt Thu Cúc, Sùng Đô, Cao Lù - Lũng Luông, Bản Lan…; Xạ hiếm Tabhinh… Đặc biệt là trong công tác thăm dò quặng barit PhaKat thuộc nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
     Kết quả đã vạch ra hàng trăm đới và dải dị thường ĐVL, xác định được bản chất các dị thường, nhiều dị thường ĐVL đã được phân tích định lượng chỉ ra vị trí không gian, các thông số của dị thường (bề rộng, chiều sâu, hướng cắm), rất nhiều công trình khai đào, khoan đã gặp quặng và các đối tượng có liên quan.
     Trong quá trình nghiên cứu phục vụ công tác tìm kiếm khoáng sản, nhiều điểm quặng có giá trị đã được phát hiện, đã được bàn giao cho giai đoạn tìm kiếm thăm dò của các Liên đoàn khu vực, nhiều điểm đã trở thành các khu mỏ có giá trị cao về kinh tế như điểm vàng Đak Sa- K7, Đông Quan, Bó Cầm..; xạ Tabhinh, sắt Tân An…
     3- Công tác nghiên cứu chuyên đề
     Công tác nghiên cứu chuyên đề được thực hiện tốt với các kết quả cụ thể như sau:
     - Xây dựng quy phạm kỹ thuật xác định các tính chất vật lý của đá và quặng.
     - Tổng hợp tài liệu phóng xạ mặt đất toàn lãnh thổ Việt Nam, tỷ lệ 1:500.000
     - Công trình nghiên cứu các tính chất vật lý của đá và quặng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tỷ lệ 1:500.000.
     - Thành lập sách tra cứu các tính chất vật lý đá và một số loại quặng ở Việt Nam, sách đã được hiệu đính và xuất bản.
     - Sử dụng một số thuật toán vào việc phân tích tài liệu ĐVL vùng Chợ Đồn - Ngân Sơn, sắt Lũng Luông…
     - Nghiên cứu, lắp đặt thành công đưa vào sử dụng hệ thống nguồn phát công suất lớn phục vụ công tác đo sâu trên các vùng có giá trị điện trở suất nhỏ (vài Ώm), các vùng có mặt các lớp bị nhiễm mặn mà các thiết bị thông thường không thể nghiên cứu được.
     - Trong những năm gần đây, đơn vị đã tham gia đánh giá sự hoạt động của một số đứt gãy lớn như đứt gãy Cao Bằng- Tiên Yên, đứt gãy Sông Đà, Sơn La, nghiên cứu môi trường phóng xạ vùng Chí Linh… bằng tổ hợp các phương pháp ĐVL.
     Các đề tài nghiên cứu trên đã đạt được những kết quả tốt, có nhiều ý nghĩa khoa học, thể hiện sự lớn mạnh về năng lực nghiên cứu khoa học của cán bộ kỹ thuật, Đoàn Địa vật lý 209.
     4-Phòng VILAS-107 và hệ thống trang, thiết bị máy móc của đơn vị
     Từ năm 2002, đơn vị đã dược Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc cho phép thành lập phòng VILAS -107, với các chức năng nhiệm vụ là: Đo tham số vật lý của đá và quặng trong và ngoài Liên đoàn, gồm các tham số: từ (độ từ cảm, từ dư), mật độ, độ phóng xạ (U, Th, K..), các giá trị điện trở suất, độ phân cực, phục vụ công tác điều tra cơ bản trong và ngoài ngành.
     Được sự quan tâm của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc, những năm gần đây, đơn vị đã được trang bị một hệ thống máy móc hiện đại, đủ sức đáp ứng cho những nghiên cứu chuyên đề và chuyên sâu. Một tổ hợp các máy đo Địa vật lý hiện đại của đơn vị bao gồm: các máy đo điện của nước cộng hòa Pháp (CYCALPRO…), của Tiệp khắc, Trung Quốc, các máy đo Radon (khí phóng xạ) của Canada, máy đo hơi thủy ngân, hệ thống các máy đo từ của Canada, Nga, trạm đo địa trấn đa kênh của Mỹ.
     Một tổ hợp máy móc Địa vật lý trang bị cho phòng VILAS-107 như các máy phổ Gamma đa kênh (Canada), máy đo các tham số từ của Nga, đo tham số mật độ của Nhật.
     Với hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, các cán bộ kỹ được trang bị  kiến thức cơ bản, kinh nghiệm tổ chức thi công vững vàng, trình độ sử dụng công nghệ tiên tiến, đã giúp cho đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đã có những đóng góp hiệu quả đặc biệt trong lĩnh vực tìm kiếm khoáng sản trong các giai đoạn đo vẽ ở các tỷ lệ khác nhau.
     Do những thành tựu đã đạt được và những đóng góp to lớn của Đoàn 209 cho chuyên ngành Bản đồ địa chất trong suốt hơn 40 năm qua, Đoàn 209 đã nhiều lần được Tổng cục Địa chất, Bộ công nghiệp và Chính phủ tặng Bằng khen. Năm 2000, đơn vị được Nhà nước trao tặng huân chương Lao động hạng ba.
     Nhìn lại chặng đường đã qua, tự hào với các thành tích đã đạt được, xin cảm ơn tinh thần lao động của các cán bộ kỹ thuật và công nhân Đoàn 209, cảm ơn sự giúp đỡ to lớn và hiệu quả của lãnh đạo Liên đoàn và các Phòng chức năng, các nhà địa chất đã tạo điều kiện để Đoàn Địa vật lý 209 hoàn thành tốt nhiệm vụ.

ThS. Nguyễn Đức Nhượng, Đoàn trưởng Đoàn 209

Một số thiết bị của Đoàn Địa vật lý 209

Máy đo điện đa kênh SyscalPro IRIS

Máy đo trường từ GSM-19T                              Máy đo khí phóng xạ AB-5R

Máy đo địa chấn 48 kênh STRATAVISOR NZ

Máy đo điện đa kênh SYSCAL-PRO kết nối với bộ phát tự thiết kế và lắp ráp có công suất từ 1KW đến 5KW.

Hỗ trợ trực tuyến