ĐỊA CHẤT VÀ KHOÁNG SẢN NHÓM TỜ HÀ QUẢNG

     Đề án “Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 nhóm tờ Hà Quảng thuộc các tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn”.
     Diện tích: 1700km2.
     Thời gian thi công: tháng 12 năm 2004 – 12/2011
     Chủ biên: TS. Vũ Quang Lân.

      Những kết quả chủ yếu đạt được:
     - Về địa tầng: đã thể hiện trên bản đồ địa chất 17 phân vị địa tầng có tuổi từ Devon sớm đến Đệ tứ; trong đó, có 4 phân vị địa tầng (hệ tầng Bản Cỏng, Nà Đắng, Bằng Ca, Bằng Giang) lần đầu được ghi nhận và thể hiện trên bản đồ tỷ lệ 1:50.000. Các phân vị địa tầng được nghiên cứu khá chi tiết về thành phần thạch học, phát hiện mới nhiều nhóm hoá thạch Tay cuộn, Hai mảnh, Vỏ nón, San hô, Foraminifera, Răng nón... trong địa tầng Devon, Permi thượng và Trias hạ trên diện tích nhóm tờ Hà Quảng.
     Bước đầu làm rõ được phần thấp nhất của hệ tầng Bắc Sơn trong phạm vi nhóm tờ Hà Quảng. Ở đây, đáy của hệ tầng Bắc Sơn là lớp đá vôi chứa sét, đá vôi silic xen đá phiến sét phân lớp mỏng chứa hóa thạch Trùng lỗ Mediocris mediocris tuổi Carbon sớm. Trên cơ sở thành phần vật chất và cổ sinh đã phân chia hệ tầng Bắc Sơn thành 2 tập; phát hiện thêm nhiều vị trí có quan hệ không chỉnh hợp giữa hệ tầng Đồng Đăng với hệ tầng Bắc Sơn.
     Phát hiện quan hệ không chỉnh hợp giữa bazan hệ tầng Bằng Giang trên bề mặt đá vôi hệ tầng Bắc Sơn, phát hiện bazan cầu gối trong hệ tầng Bằng Giang.


     Ảnh 1:Tập hợp hóa thạch Tay cuộn trong hệ tầng Mia Lé. Ảnh 2:  Hóa thạch Lỗ tầng và Vỏ nón trong đá vôi chứa silic màu xám đen. Ảnh 3: San hô trong đá vôi chứa bột hệ tầng Nà Quản. Ảnh Vũ Quang Lân
    Ảnh 4: Quan hệ chuyển tiếp từ các lớp đá vôi sét màu đen xen các lớp silic vôi màu đen hệ tầng Bằng Ca (D3bc) lên các đá vôi vi hạt, đá vôi si lic phân dải màu xám sáng hệ tầng Tốc Tát (D3tt). Ảnh 5:  Các thành tạo hệ tầng Bắc Sơn ở Thông Nông: 1. Đá vôi, vôi silic, vôi sét phân lớp mỏng thuộc tập 1, chứa Mediocris mediocris, Endothyra inflata, Tetrataxis media tuổi Carbon sớm. 2. Đá vôi phân lớp trung bình-dày thuộc tập 2. Ảnh Hoàng Bá Quyết

    Ảnh 6, 7:  Quan hệ không chỉnh hợp giữa đá vôi màu xám trắng thuộc tập 2 hệ tầng Bắc Sơn với đá phiến sét vôi, bột kết vôi hoặc với quặng bauxit màu nâu hệ tầng Đồng Đăng. Ảnh Vũ Quang Lân,

    Ảnh 7: Quan hệ không chỉnh hợp giữa bazan hệ tầng Bằng Giang với đá vôi hệ tầng Bắc Sơn. Ảnh 8:  Bazan cầu gối trong hệ tầng Bằng Giang. Ảnh Vũ Quang Lân,

    Ảnh 9: Thế nằm chỉnh hợp của hệ tầng Hồng Ngài trên hệ tầng Đồng Đăng ở bản Ca Lỳ, xã Kéo Yên, huyện Hà Quảng 1. Các lớp đá vôi, đá vôi silic thuộc hệ tầng Đồng Đăng; 2. Các lớp đá sét vôi, vôi sét chứa hóa thạch Claraia thuộc hệ tầng Hồng Ngài
     Ảnh 10: Hoá thạch Claraia trong hệ tầng Hồng Ngài ở bản Nậm Giật, xã Xuân Trưuờng, huyện Bảo Lạc Ảnh Vũ Quang Lân,

     - Về magma xâm nhập: ghi nhận và thể hiện phức hệ Cao Bằng có thành phần từ siêu mafic đến axit và các đai mạch thành phần diabas không rõ tuổi. Các đá thuộc phức hệ Cao Bằng gồm 7 khối phân bố thành 3 khu vực: bắc Nguyên Bình, Bảo Lạc - Thông Nông và Cao Bằng - Hòa An, và một số khối nhỏ phân bố rải rác trong phạm vi nhóm tờ. Trên cơ sở tuổi đồng vị và quan hệ địa chất đã xếp tuổi của phức hệ Cao Bằng vào Permi muộn, phù hợp với các tài liệu địa chất khu vực. Qua kết quả phân tích địa hóa cho thấy các đá magma của phức hệ có nguồn gốc manti trên bị nhiễm vật chất vỏ. Bước đầu làm rõ được khoáng hóa liên quan với phức hệ Cao Bằng bao gồm sắt, vàng, đồng - nickel, asbest.
     - Về cấu trúc kiến tạo: đã phân chia diện tích nhóm tờ thuộc 2 khối cấu trúc kiến tạo là khối Trà Lĩnh và khối Thông Nông, ranh giới giữa 2 khối là đứt gãy nghịch Đại Tiến - Sóc Hà; khối Thông Nông gồm 2 phụ khối, các khối cấu trúc và phụ khối cấu trúc được đặc trưng bởi thành phần vật chất của các thành tạo địa chất và khoáng sản liên quan.
     Đã phân chia các tổ hợp thạch kiến tạo từ Paleozoi giữa đến Kainozoi, phân chia 5 pha biến dạng kiến tạo. Mô tả khá chi tiết một số đứt gãy chính và nếp uốn chính trên diện tích nhóm tờ. Trên cơ sở tài liệu đo vẽ của đề án và một số đề tài nghiên cứu khoa học, có thể kết luận: trong phạm vi nhóm tờ Hà Quảng, đứt gãy Cao Bằng - Tiên Yên không có ý nghĩa là ranh giới phân chia cấu trúc khu vực.

    Ảnh 11: Đới trượt chờm giữa đá vôi thuộc hệ tầng Mia Lé và đá bột kết tuf của hệ tầng Sông Hiến tại Ca Thành, Nguyên Bình. Ảnh Vũ Đình Tải,

     Ảnh 12: Nếp uốn trong đá vôi, vôi silic hệ tầng Đồng Đăng ở Kéo Yên, Hà Quảng. Ảnh Vũ Quang Lân,

     - Về địa chất thủy văn: đã phân chia 7 tầng chứa nước và 3 tầng chứa nước rất nghèo và nghèo. Đồng thời đã nghiên cứu khá chi tiết đặc điểm địa chất thủy văn ở thị trấn Xuân Hòa (Hà Quảng) và thị trấn Nước Hai (Hòa An). Qua các mặt cắt đo sâu điện đã phát hiện được các đới dập vỡ, nứt nẻ hoặc hang karst bị phủ dưới trầm tích Đệ tứ có khả năng là đối tượng chứa nước ngầm.
     - Về tai biến địa chất: mô tả và đăng ký trên bản đồ các dạng tai biến: trượt lở đất, đá; lũ lụt, lũ quét; xói lở và bồi tụ bờ sông; xói mòn bề mặt; sụt lún do karst ngầm; tai biến liên quan với địa chất thủy văn; tai biến liên quan với khai thác khoáng sản... Đồng thời khoanh định được những vùng thường xảy ra tai biến địa chất.
     - Về khu bảo tồn thiên nhiên: đã khoanh định vùng Lục Khu thuộc huyện Hà Quảng là khu vực đá vôi có những đặc điểm đặc sắc về địa mạo, địa chất và di tích lịch sử văn hóa cần được bảo tồn và phát huy giá trị.


   Ảnh 13:  Địa hình núi đá vôi hình nón (các Kim tự tháp tự nhiên)

     - Về khoáng sản: đã ghi nhận và đăng ký được 49 điểm khoáng sản (có 8 điểm mới phát hiện); trong đó có 19 mỏ khoáng quy mô từ nhỏ đến trung bình, 28 biểu hiện khoáng sản, 2 biểu hiện khoáng hoá của các loại khoáng sản: than, sắt, antimon, vàng, bauxit, asbest, phosphorit, thạch anh tinh thể, kaolin, vật liệu xây dựng... 
     Phát hiện biến đổi skarn ở ranh giới tiếp xúc giữa đá magma phức hệ Cao Bằng với đá vôi hệ tầng Bắc Sơn ở vùng Cao Lù, Khuổi Tòng và Bó Nình. Đây là cơ sở luận giải nguồn gốc skarn cho quặng sắt magnetit trong phạm vi nhóm tờ. Đồng thời, đã phát hiện các thân quặng sắt gốc trong đới tiếp xúc của đá vôi hệ tầng Bắc Sơn với đá xâm nhập phức hệ Cao Bằng ở Cao Lù, Lũng Luông và Khuổi Tòng.
     Phát hiện các biểu hiện khoáng sản vàng có triển vọng ở Lộc Xoa, Dược Lang, Khuổi Tòng và Nà Đông.
     Phát hiện sét xi măng và kaolin có triển vọng trong vỏ phong hoá của hệ tầng Cao Bằng; phát hiện các tập đá vôi xi măng, đá vôi dùng trong công nghiệp và đá vôi sạch trong hệ tầng Bắc Sơn, đá ốp lát trong hệ tầng Tốc Tát ở Kéo Quyển và nhiều điểm bauxit ở Đức Xuân, Phia Đang và Thượng Thôn.
    Trên cơ sở các dấu hiệu, tiền đề tìm kiếm và yếu tố khống chế quặng... đã dự kiến 7 diện tích (43,5 km2) cần tiến hành điều tra đánh giá, thăm dò với các loại khoáng sản: sắt, vàng, antimon, đá vôi xi măng, đá ốp lát, sét gạch ngói và sét xi măng.
   

Ảnh 14: Quan hệ xuyên cắt, bắt tù và gây biến đổi skarn hóa, hoa hóa giữa đá xâm nhập khối Lũng Luông - phức hệ Cao Bằng với đá vôi hệ tầng Bắc Sơn ở Cao Lù 1- Đá gabro, gabrodiabas phong hóa; 2- Đá skarn; 3- Đá vôi hoa hóa). 

Ảnh 15: Thân quặng sắt skarn trong đới nội tiếp xúc ở Cao Lù - Khối Lũng Luông.1- Thân quặng sắt magnetit, 2- Đá gabro phong hóa dở dang; 3- Đá gabro phong hóa triệt để

 Ảnh 16:  Quặng bauxit gốc ở Tổng Cọt, Hà Quảng

Ảnh 17: Đá vôi ốp lát ở Kéo Quyển, Hà Quảng

Hỗ trợ trực tuyến