KẾT QUẢ THI CÔNG THỰC ĐỊA BƯỚC VI, NĂM 2014 - ĐỀ ÁN: "LẬP BẢN ĐỒ ĐỊA CHẤT VÀ ĐIỀU TRA KHOÁNG SẢN TỶ LỆ 1:50.000 NHÓM TỜ BẮC GIANG"

     Thực hiện Quyết định số 38/QĐ-ĐCKS ngày 08 tháng 02 năm 2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản về việc giao kế hoạch và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014 cho Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc;
     Thực hiện Quyết định số 17/QĐ/BĐMB-KH ngày 14 tháng 02 năm 2014 của Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc về việc giao kế hoạch năm 2014 cho đề án Bắc Giang; Đoàn Địa chất Viễn thám và Đoàn Địa vật lý 209 đã triển khai công tác thực địa của đề án trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2014. Trong điều kiện thi công phân tán trên địa bàn các tỉnh: Bắc Giang, Hải Dương, Lạng Sơn, Bắc Ninh; điều kiện thời tiết thay đổi phức tạp; tập thể tác giả đề án, các đơn vị tham gia đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện và hoàn thành cơ bản khối lượng được giao. Trong quá trình thi công thực địa, đề án đã được Liên đoàn kiểm tra, hướng dẫn, nghiệm thu qua 3 đợt (đợt I: từ ngày 26-27/4/2014, đợt II: từ ngày 8-11/7/2014 và đợt III: ngày 06/8/2014).

     Đề án đã hoàn thành khối lượng thực địa sau:
     - Điều tra địa chất - khoáng sản sơ bộ tỷ lệ 1:50.000: 635km2;
     - Điều tra khoáng sản chi tiết tỷ lệ 1:10.000: 27 km2;
     - Lấy mẫu trọng sa sườn: 350 mẫu, lấy và đãi mẫu trong sa công trình: 15 mẫu;
     - Đo mặt cắt phân cực kích thích (PCKT): 1200 điểm; mặt cắt liên hợp: 3500 điểm; đo sâu PCKT: 20 điểm; đo hơi thủy ngân: 486 điểm;
     - Thi công: 671m3 hào, 5m3 hố; 365 m3 dọn sạch vỉa lộ;
     - Khoan tay: 629,7 m (0-10m: 206,8m; 0-20m: 272,9m; 0-30m: 150m);
     - Lấy mẫu rãnh và các loại mẫu phân tích đi kèm…
     Qua kết quả đo vẽ lập bản đồ địa chất, bước đầu tập thể tác giả đã khoanh định và phân chia chi tiết các hệ tầng: Tấn Mài (O3-Stm), Dưỡng Động (D1-2dđ), Bãi Cháy (P3bc), Mẫu Sơn (T3cms), Văn Lãng (T3n-rvl), Hòn Gai (T3n-rhg), Hà Cối? (J1-2hc?) và các thành tạo trầm tích Đệ tứ (hệ tầng Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Hưng, Thái Bình) về diện phân bố, đặc điểm thành phần, quan hệ địa chất và mối liên quan với khoáng sản ngoại sinh, nội sinh; lần đầu ghi nhận sự có mặt của 2 phân vị địa tầng trong diện tích nhóm tờ Bắc Giang là hệ tầng Tấn Mài và hệ tầng Hà Cối.
     Công tác điều tra khoáng sản thực địa bước VI đã khoanh định được các đới khoáng hóa, thân khoáng ở các diện tích điều tra khoáng sản chi tiết tỷ lệ 1:10.000 và phát hiện mới một số điểm biểu hiện khoáng sản như sau:
    - Biểu hiện khoáng sản vàng gốc khu vực Hố Tông: kết quả điều tra khoáng sản chi tiết tỷ lệ 1:10.000, bước đầu khoanh định được 8 thân khoáng trong 3 đới khoáng hóa.
     Đới I dài khoảng 1 km, rộng 400-430m.
     Đới II dài khoảng 2,1 km, rộng 300-500m.
     Đới III dài khoảng 2,3 km, rộng 250-500m.
     Ngoài vàng, trong khu vực Hố Tông đã xác định được một đới biến dạng có chứa quặng barit kéo dài khoảng 150m, dày 1-2m.
     - Biểu hiện khoáng sản thủy ngân - vàng khu vực Trại Gạo: kết quả điều tra khoáng sản chi tiết tỷ lệ 1: 10 000, bước đầu khoanh định được 3 đới khoáng hóa.
     Đới I dài khoảng 0,65 km, rộng 50-130m.
     Đới II dài khoảng 0,7 km, rộng 180-420m.
     Đới III dài khoảng 3 km, rộng 150-620m.
     - Biểu hiện khoáng sản cát thủy tinh (cát xây dựng, kaolin) khu vực Lê Lợi: kết quả điều tra khoáng sản chi tiết tỷ lệ 1: 10.000, bước đầu đã xác định đặc điểm các loại khoáng sản như sau:
     - Cát thủy tinh: gồm 2 thân khoáng với tổng diện tích >6km2; chiều dày tầng sản phẩm từ 0,65 - 4,6m.
    - Cát xây dựng: gồm 2 thân khoáng trùng với diện phân bố của cát thủy tinh (nằm ở phần dưới); chiều dày tầng sản phẩm từ 1,2 - 5,6m.
     - Kaolin: trong khu vực ghi nhận được 3 thân khoáng, bước đầu xác định kaolin có nguồn gốc nhiệt dịch được biến đổi từ các lớp trầm tích giàu sét của hệ tầng Hòn Gai.
     Thân khoáng 1 kéo dài khoảng 800m, chiều dày 5 - 6m.
     Thân khoáng 2 kéo dài khoảng 230m, chiều dày 1,2 - 2,5m.
     Thân khoáng 3 kéo dài khoảng 350m, chiều dày 1,5 - 3m.
     Ngoài ra, đề án còn ghi nhận mới biểu hiện khoáng hóa vàng Thôn Mông, thủy ngân - vàng Hố Giải và một số khoáng sản ngoại sinh khác.
     Đồng thời với công tác đo vẽ lập bản đồ địa chất - điều tra khoáng sản, đề án đã thực hiện các nghiên cứu kết hợp: địa mạo, tai biến địa chất, vỏ phong hóa, cấu trúc kiến tạo trên diện tích nghiên cứu.
    Trên cơ sở kết quả thi công thực địa, đề án đã khẩn trương hoàn thiện công tác văn phòng thực địa, chọn gửi phân tích mẫu phục vụ cho công tác văn phòng bước VI.

Ảnh 1: Thi công lỗ khoan nghiên cứu trầm tích Đệ tứ


Ảnh 2: Mẫu lõi khoan


Ảnh 3: Hào 17-TG (điểm điều tra chi tiết thủy ngân - vàng Trại Gạo)


Ảnh 4: Kiểm tra thực địa tại thân khoáng kaolin, khu vực Lê Lợi

 

Hỗ trợ trực tuyến