KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NĂM 2014 CỦA LIÊN ĐOÀN BẢN ĐỒ ĐỊA CHẤT MIỀN BẮC

     Trên cơ sở các đề án, nhiệm vụ được giao thực hiện, đến thời điểm này Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc đã hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch năm 2014. Các đề án, nhiệm vụ đã được Hội đồng nghiệm thu các cấp nghiệm thu công nhận khối lượng, giá trị và đánh giá kết quả đạt loại khá trở lên. Dưới đây là những kết quả nổi bật của các đề án, nhiệm vụ:

     I. Nhiệm vụ thường xuyên
     Năm 2014, Liên đoàn thực hiện 04 đề án, nhiệm vụ:
     I.1. Đề án: “Đo vẽ bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 nhóm tờ Mộc Châu”
    - Thành lập bản đồ địa chất và khoáng sản trên diện tích 762,68 km2 thuộc các tờ bản đồ Sơn Thành, Bản Pom Khuông; khoanh định chính xác diện phân bố, đặc điểm thành phần các hệ tầng Nậm Cô, Sông Mã, Hàm Rồng, Nậm Pìa, Bản Páp, Cẩm Thuỷ, Cò Nòi, Đồng Giao, Yên Châu, các trầm tích Đệ tứ và các thành tạo magma có trong diện tích còn lại của nhóm tờ.
    - Đã khoanh định được các thân quặng, đới khoáng hóa và tính tài nguyên dự báo cấp 334b, làm rõ triển vọng của các đối tượng khoáng sản wolfram (vàng) Bản Ngà, vàng (wolfam, nikel) Bản Lát, xạ Chòm Pọng trong diện tích điều tra khoáng sản chi tiết. Đồng thời, đã đăng ký được 14 điểm biểu hiện khoáng sản gồm: dolomit, đá vôi xi măng, bazan xây dựng, granit xây dựng và sét gạch ngói...
    - Hoàn thiện hồ sơ cho các phân vị địa chất, các điểm điều tra khoáng sản chi tiết trong toàn nhóm tờ, các tài liệu nghiên cứu kết hợp; thành lập báo cáo, bản vẽ dự kiến thông qua chú giải cho nhóm tờ.
    Đề án được nghiệm thu cấp cơ sở vào ngày 25/11/2014.
    Nghiệm thu cấp quản lý vào ngày 08/12/2014; kết quả xếp loại: khá.
    I.2. Đề án “Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 nhóm tờ Bắc Giang”
    - Hoàn thành công tác điều tra địa chất khoáng sản sơ bộ tỷ lệ 1:50.000 trên diện tích 650 km2.
    - Đã khoanh vẽ và phân chia chi tiết các hệ tầng Dưỡng Động, Nà Khuất, Mẫu Sơn, Vân Lãng, Hòn Gai, các trầm tích Đệ tứ trên diện tích lập bản đồ địa chất bước VI.
    - Khoanh vẽ được các đới khoáng hóa, các thân quặng, thân khoáng và sơ bộ tính được tài nguyên dự báo cấp 334a, 334b đối với khoáng sản vàng - barit Hố Tông, thủy ngân - vàng Trại Gạo, cát thủy tinh (kaolin) Lê Lợi.
     - Công tác nghiên cứu kết hợp về địa mạo, vỏ phong hóa, tai biến địa chất, địa chất thuỷ văn, cấu trúc - kiến tạo được tiến hành đồng thời với công tác lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000; phương pháp nghiên cứu, quy trình thực hiện theo đề án được duyệt.
     - Một số phát hiện mới về địa chất, khoáng sản:
     + Xác định sự có mặt của các hệ tầng Tấn Mài và hệ tầng Hà Cối trong diện tích lập bản đồ địa chất 1:50.000.
     + Phát hiện hóa thạch động vật trong hệ tầng Dưỡng Động, hóa thạch thực vật và động vật trong hệ tầng Bãi Cháy và các hóa thạch thực vật trong hệ tầng Hòn Gai.
     + Các biểu hiện kaolin phân bố trong Tập 3 hệ tầng Hòn Gai khu vực Lê Lợi và kaolin phân bố trong hệ tầng Dưỡng Động. Phát hiện vàng sa khoáng ở khu vực Lê Lợi.
     - Sản phẩm của bước địa chất đã thành lập bao gồm: bản đồ tài liệu thực tế, bản đồ địa chất khoáng sản, bản đồ vỏ phong hóa, bản đồ địa mạo, hồ sơ các điểm điều tra khoáng sản chi tiết… cơ bản đã hoàn thành, báo cáo được thực hiện theo các quy định kỹ thuật hiện hành.
     Đề án được nghiệm thu cấp cơ sở vào ngày 24/11/2014.
     Nghiệm thu cấp quản lý vào ngày 08/12/2014; kết quả xếp loại: khá.
     I.3. Đề án “Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 nhóm tờ Phố Lu - Bắc Than Uyên”
     - Hoàn thành công tác trọng sa, địa hóa diện tích: khoanh định được 110 vành phân tán khoáng vật và 210 vành phân tán nguyên tố có ý nghĩa định hướng cho công tác điều tra khoáng sản tiếp theo.
     - Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản sơ bộ tỷ lệ 1:50.000 trên diện tích 220 km2; chính xác hóa diện phân bố và phân chia chi tiết cho các hệ tầng Nậm Mu, Yên Châu, Pu Tra, phức hệ Cốc Pìa và đai mạch chưa rõ tuổi.
    - Các phát hiện mới về địa chất và khoáng sản:
    + Phát hiện hóa thạch động vật tuổi Trias muộn trong hệ tầng Nậm Mu (T3cnm);
    + Phát hiện 3 đới khoáng hóa chứa vàng (trong đó có 7 điểm biểu hiện khoáng sản và 30 biểu hiện khoáng hóa). Kết quả phân tích cho hàm lượng vàng tương đối cao, có 15/30 (50%) mẫu đạt hàm lượng Au ≥1g/T. Đã khoanh định được 3 khu vực với tổng diện tích 33 km2 có triển vọng vàng (đồng) để điều tra chi tiết tiếp theo.
    - Sản phẩm của bước III, năm 2014 bao gồm: tài liệu nguyên thủy, các bản vẽ công trình, tài liệu giải đoán ảnh lặp lại, các loại bản đồ, kết quả phân tích, báo cáo được thực hiện theo các quy định kỹ thuật hiện hành.
     Đề án được nghiệm thu cấp cơ sở vào ngày 22/11/2014.
     Nghiệm thu cấp quản lý vào ngày 09/12/2014; kết quả xếp loại: khá.
     I.4. Nhiệm vụ đặc thù “Bảo quản mẫu địa chất, tư liệu tại Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc năm 2014”
     - Công tác bảo quản mẫu vật, tư liệu địa chất tại Liên đoàn năm 2014 bao gồm các công việc: kiểm tra hiện trạng mẫu lát mỏng, khoáng tướng lưu trữ thuộc Báo cáo Đo vẽ lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:500.000 miền Nam Việt Nam.
    - Kết quả: kiểm tra, bảo quản 7282 mẫu lát mỏng; 75 mẫu khoáng tướng.
    Nghiệm thu cấp cơ sở vào ngày 26/11/2014.
    Nghiệm thu cấp quản lý vào ngày 09/12/2014; kết quả xếp loại: khá.
    II. Nhiệm vụ khoa học công nghệ
   II. 1. Đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu xây dựng tiêu chí để hiệu đính, lắp ghép các nhóm tờ bản đồ địa chất - khoáng sản tỷ lệ 1:50.000. Áp dụng thử nghiệm tại một số nhóm tờ thuộc vùng Đông Bắc Bắc Bộ”
     Năm 2014, đề tài chủ yếu thực hiện công tác thu thập, tổng hợp các tài liệu, công trình nghiên cứu liên quan bao gồm: kết quả công tác lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:200.000, 1:50.000; các quy trình, quy định kỹ thuật công tác đo vẽ 1:50.000; các quy phạm, hướng dẫn kỹ thuật trong nước và quốc tế…. Trên cơ sở tài liệu thu thập hoàn thành 21 chuyên đề thuộc nội dung nghiên cứu I, II, III, theo thuyết minh đã được phê duyệt;
     Đề tài đã tổng hợp 111 nhóm tờ (vùng, khu vực) tỷ lệ 1:50.000 trên phạm vi cả nước, các báo cáo chuyên đề, các quy phạm, quy chế chuyên ngành để rút kinh nghiệm; bước đầu xây dựng các tiêu chí định hướng công tác hiệu đính, lắp ghép các nhóm tờ bản đồ địa chất - khoáng sản tỷ lệ 1:50.000.
     Đề tài đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam kiểm tra tiến độ thực hiện, chất lượng vào ngày 26/11/2014.
     Đề tài được nghiệm thu cấp cơ sở vào ngày 24/12/2014.
    II.2. Đề tài khoa học công nghệ cấp cơ sở “Nghiên cứu quá trình thành tạo và chất lượng đá metacarbonat vùng Văn Chấn, Yên Bái”
    Những kết quả của đề tài góp phần làm sáng tỏ đặc điểm cấu trúc địa chất, thành phần thạch học, hoá học; đặc điểm biến chất, quy luật phân bố không gian của các tầng đá metacarbonat trong khu vực nghiên cứu nói riêng và công tác nghiên cứu địa chất, sinh khoáng khu vực Tây Bắc miền Bắc Việt Nam nói chung, chúng không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn góp phần làm sáng tỏ tài nguyên khoáng sản liên quan với các khu vực phân bố các đá metacarbonat, trước hết là đá mỹ nghệ.
     - Các thành tạo metacarbonat khu vực Văn Chấn, Yên Bái phân bố trong thành tạo biến chất Tiền Cambri thuộc các hệ tầng Sin Quyền, hệ tầng Cha Pả và hệ tầng Đá Đinh. Trong hệ tầng Sin Quyền, Cha Pả chúng tạo thành các tập dày từ một vài m đến 20-30m xen kẹp trong đá phiến kết tinh; trong hệ tầng Đá Đinh khối lượng chủ yếu là các đá metacarbonat.
     - Các đá metacarbonat có thành phần nguyên thủy từ các đá vôi chứa sét, đá vôi, một khối lượng lớn marnơ, dolomit, một ít sét vôi, cục bộ có các thấu kính dolomit; chúng bị biến chất nhiệt động tạo thành đá hoa, đá hoa dolomit, đá phiến calcit. Ở một số khu vực (Suối Giàng, Sùng Đô huyện Văn Chấn), chúng bị biến chất tiếp xúc trao đổi tạo thành các đá biến đổi có giá trị mỹ thuật cao.
     - Về thành phần vật chất cũng như chất lượng của các đá metacarbonat khu vực Suối Giàng, Sùng Đô (huyện Văn Chấn) đáp ứng đủ tiêu chuẩn làm đá mỹ nghệ, một số nơi có thể làm đá ốp lát.
     Đề tài được nghiệm thu cấp cơ sở vào ngày 13/12/2014.
     Nghiệm thu cấp quản lý vào ngày 29/12/2014; kết quả xếp loại: khá.
    II.3. Đề tài khoa học công nghệ cấp cơ sở “Nghiên cứu mối quan hệ giữa quặng hóa đồng - niken với kiến trúc - cấu tạo Khối Tạ Khoa
     - Quặng hóa trong nội sinh khối cấu trúc Tạ Khoa khá đa dạng; trong đó, đáng chú ý hơn cả là quặng đồng - niken, đồng - vàng. Quặng đồng - niken gồm 3 kiểu: kiểu thứ nhất phân bố tại đáy và vách của khối xâm nhập siêu mafic phức hệ Ba vì (có nguồn gốc dung ly); kiểu thứ hai quặng dạng đặc sít, phân bố trong các đới biến dạng cao; kiểu thứ ba liên quan tới quá trình phong hóa các đá siêu mafic.
     - Quặng đồng - niken liên quan mật thiết với các yếu tố cấu trúc có trong vùng. Các yếu tố cấu tạo khống chế sự hình thành và phát triển quặng hóa gồm các đáy của các khối xâm nhập siêu mafic, các đới trượt dẻo pha biến dạng 2 và 3. Các quá trình biến dạng về sau đã tác động mạnh mẽ lên các cấu tạo chứa quặng đã hình thành, làm cho các thân quặng bị uốn nếp, bị cắt và dịch chuyển rời xa nhau; vì vậy công tác điều tra đánh giá quặng trong khu vực nghiên cứu gặp nhiều khó khăn.
     - Từ các yếu tố cấu trúc quặng, đặc điểm biến dạng khu vực, các tiền đề và dấu hiệu có trong khu vực nghiên cứu, các tác giả đã sơ bộ phân chia ra 6 diện tích rất triển vọng, 4 khu vực triển vọng, 3 diện tích chưa rõ triển vọng đối với quặng đồng - niken trong khu vực nghiên cứu. 
      Đề tài được nghiệm thu cấp cơ sở vào ngày 13/12/2014.
      Nghiệm thu cấp quản lý vào ngày 29/12/2014; kết quả xếp loại: khá.
     III. Các nhiệm vụ chính phủ
     Năm 2014, Liên đoàn tham gia thực hiện các phần công việc thuộc 02 đề án Chính phủ do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản chủ trì.
     III. 1. Đề án “Điều tra, đánh giá tiềm năng tài nguyên urani Việt Nam”
     (Phần diện tích do Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Bắc thực hiện là khu vực Khánh Hòa).
     Nhiệm vụ năm 2014 do Liên đoàn thực hiện chủ yếu là công tác văn phòng. Kết quả xử lý, tổng hợp các tài liệu thực địa, văn phòng đã phân chia khu vực Khánh Hòa ra các block cấu trúc sinh khoáng urani và các đối tượng địa chất cần được ưu tiên tiến hành tìm kiếm hoặc điều tra đánh giá tiềm năng urani. Các đối tượng địa chất liên quan mật thiết đến khoáng hóa urani ở khu vực Khánh Hòa là các đá magma xâm nhập acit đến á kiềm phức hệ Đèo Cả và thành tạo trầm tích biến chất nhiệt động khu vực tướng epidot - amphibolit tuổi Proterozoi. 
     Đề án được nghiệm thu cấp cơ sở vào ngày 22/12/2014.
     Nghiệm thu cấp quản lý vào ngày 24/12/2014; kết quả xếp loại: khá.
     III. 2. Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”
     (Phần diện tích do Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Bắc thực hiện thuộc tỉnh Hòa Bình và Sơn La)
     Công tác văn phòng trên diện tích tỉnh Sơn La: Trên cơ sở kết quả tổng hợp, xử lý tài liệu của công tác thực địa, công tác văn phòng đã xác định được những nguyên nhân chủ yếu gây nên các dạng trượt lở đất đá cũng như lũ ống - lũ quét trên phạm vi nghiên cứu (gồm các nguyên nhân tự nhiên, nhân sinh và hỗn hợp). Bằng những tài liệu thu thập được và phân tích các điều kiện, yếu tố có thể gây nên các hiện tượng trượt lở đất đá, bước đầu đã dự báo và khoanh định được 70 vùng có nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá cao; đồng thời dự kiến khoanh định 4 khu vực có nguy cơ rất cao đề nghị điều tra chi tiết với tổng diện tích 765 km2.
     Sản phẩm thực hiện trên địa bàn tỉnh Sơn La đã hoàn thành và bàn giao cho Ban chủ nhiệm Đề án và đã được bàn giao cho tỉnh.
     Công tác Điều tra hiện trạng và thành lập bản đồ hiện trạng trượt lở tỷ lệ 1:50.000, khu vực tỉnh Hòa Bình
    - Đã thu thập thông tin 183 điểm trượt lở, 11 điểm đá đổ, đá rơi, 7 điểm lũ ống, lũ quét, 7 điểm xói lở bờ sông, 182 điểm nguy cơ tai biến và 43 điểm khai thác khoáng sản. Bước đầu khoanh định được một số khu vực trượt lở đất đá ở huyện Đà Bắc; lũ ống, lũ quyét ở các huyện Lạc Sơn, Tân Lạc, Mai Châu; xói lở đường bờ ở các huyện Lạc Sơn, Lạc Thủy.
    - Bước đầu xác định được những nguyên nhân chủ yếu gây ra các dạng trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét và xói lở đường bờ. Phân tích nguyên nhân, xử lý thông tin đã có, định hướng việc phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, thành lập  báo cáo kết quả thực địa, báo cáo kết quả điều tra và thành lập bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 khu vực tỉnh Hòa Bình.
    - Các sản phẩm thành lập: tài liệu nguyên thủy, file số liệu, các dạng bản đồ được thành lập theo quy định của đề án và các quy định kỹ thuật hiện hành.
    Đề án được nghiệm thu cấp cơ sở vào ngày 22/12/2014.
    Nghiệm thu cấp quản lý vào ngày 26/12/2014; kết quả xếp loại: khá.
    IV. Hoạt động sản xuất dịch vụ địa chất
    Ngoài các nhiệm vụ chuyên môn được giao, Liên đoàn còn tham gia thực hiện một số đề án dịch vụ trong lĩnh vực quy hoạch khoáng sản cho các tỉnh Hà Giang, Quảng Ninh, Bắc Giang, Cao Bằng...; điều tra, thăm dò các loại khoáng sản. Kết quả các nhiệm vụ đã thực hiện đạt yêu cầu chuyên môn, chất lượng tài liệu, đúng tiến độ và đã được nghiệm thu, thanh lý.
     Tóm lại: Các nhiệm vụ năm 2014 do Liên đoàn thực hiện đều đạt yêu cầu; khối lượng, giá trị thực hiện và sản phẩm hoàn thành của các đề án, nhiệm vụ đã được Hội đồng nghiệm thu cấp quản lý và các tỉnh nghiệm thu, đánh giá cao về chất lượng. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ kỹ thuật thuộc các đề án được nâng lên; uy tín của Liên đoàn trong Tổng cục được giữ vững, thương hiệu của Liên đoàn với đơn vị bạn và đối tác được tăng cao.

Hỗ trợ trực tuyến