PHÁT HIỆN MỚI HÓA ĐÁ THÂN CÂY TRONG CÁC THÀNH TẠO TRẦM TÍCH CHỨA THAN HỆ TẦNG VÂN LÃNG KHU VỰC BỐ HẠ, YÊN THẾ, TỈNH BẮC GIANG

VŨ XUÂN LỰC

               Chủ nhiệm đề án Bắc Giang, Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc

Các thành tạo trầm tích chứa than hệ tầng Vân Lãng khu vực Mỏ than Bố Hạ và các khu vực lân cận đã được nhiều nhà địa chất quan tâm nghiên cứu (Hà Dương Cơ, 1964;  Cao Thế Long, 1972; Hoàng Văn Mão, 1984; Phạm Văn Công, 1985; Đoàn Kỳ Thụy, 1976; Hoàng Ngọc Kỷ, 1978;…). Các công trình này chủ yếu tập trung vào công tác điều tra khoáng sản để xác định cấu trúc, quy mô và chất lượng than trong vùng mà hầu như chưa xác định được các hóa thạch định tuổi kể cả hóa thạch thực vật.  

 Trong quá trình khảo sát thực địa Bước VII năm 2015, Đề án “Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản nhóm tờ Bắc Giang tỷ lệ 1:50.000” ở khu vực Mỏ than Bố Hạ, huyện yến Thế, tỉnh Bắc Giang. Tác giả đã ghi nhận được một số vị trí tại khu vực Đồng Hưu, Bố Hạ trong các thành tạo Tập 2 hệ tầng Vân Lãng có chứa các hóa đá thân cây và lá cây. Tại khu vực Mỏ than Bố Hạ, mặt cắt chứa hóa đá thân cây có đặc điểm như sau (Hình 1):

Hình 1: Mặt cắt chứa hóa đá thân cây tại vết lộ BG.497 khu vực Mỏ than Bố Hạ

            Hệ lớp 1: Chủ yếu là cát kết màu xám, xám đen phân lớp dày 10 – 30cm, đôi khi tới 50 – 60cm, xen các lớp mỏng đá phiến sét màu đen có chứa ít vật chất than.

            Hệ lớp 2: Bắt đầu bằng lớp than dày gần 5m, than bị ép phiến khá mạnh, đôi khi tạo phiến mỏng. Trong lớp này đã ghi nhận được nhiều hóa đá thân cây, đôi chỗ tập trung khá dày (Ảnh 1A, 1B), đường kính các thân cây có nhiều kích thước khác nhau từ 10cm tới 30 -40cm. Thành phần chính của hóa đá thân cây là calcit màu xám đen, xám nâu. Mức độ bảo tồn các hóa đá thân cây ở đây đôi chỗ còn khá tốt (Ảnh 2). Tiếp lên chủ yếu là bột kết, sét bột kết có chứa vật chất than màu xám đen phân lớp dày 20 – 100cm, xen ít hơn là cát kết màu xám, xám đen phân lớp mỏng hơn từ 10 – 30cm.

            Hệ lớp 3: Thành phần gồm bột kết chứa vật chất than màu xám đen tới đen, xen phiến sét chứa than màu đen xám và ít lớp cát kết màu xám đen. Đá phân lớp khá dày từ 30cm tới 2m. Tại lớp bột kết chứa vật chất than ở phần thấp nhất của hệ lớp đã ghi nhận có chứa khá phong phú hóa đá thân cây (Ảnh 1C, 1D) và các di tích lá cây đi cùng (Ảnh 1E). Đường kính các hóa đá cũng có nhiều kích thước khác nhau như ở Hệ lớp 2, đôi khi có kích thước khá lớn (Ảnh 1F). Các hóa đá thân cây ở đây thường có màu xám nâu cũng khá giàu calcit. Mức độ bảo tồn các thân cây và lá cây ở đây cũng khá tốt (Ảnh 1D, 1E). 

Ảnh 1: Vị trí có chứa hóa đá thân cây trong lớp than tại Hệ lớp 2 (A, B) và tại Hệ lớp 3 ( C, D, E, F) của mặt cắt Vết lộ BG.497.

  


 Ảnh 2: Các hóa đá thân cây tại khu vực Mỏ than Bố Hạ.

        Việc phát hiện được các hóa đá thân cây có thể góp phần làm sáng rõ tuổi thành tạo của hệ tầng Vân Lãng và làm cơ sở để đối sánh với các thành tạo chứa than hệ tầng Hòn Gai thuộc đới cấu trúc Hòn Gai lân cận, ngoài ra có thể quy hoạch khu vực trong việc bảo tồn các di sản địa chất.

 

Hỗ trợ trực tuyến