BẢN ĐỒ ĐỊA CHẤT, BẢN ĐỒ KHOÁNG SẢN VIỆT NAM TỶ LỆ 1:200.000

Ngày 28/7/2018, công trình “Bản đồ địa chất, bản đồ khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1:200.000” vinh dự được vinh danh cùng 07 công trình khác trong chương trình “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn những công trình” năm 2018; chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV1.

Đây là niềm vui, niềm tự hào to lớn của các thế hệ người làm công tác đo vẽ lập bản đồ địa chất nói riêng và của Ngành Địa chất nói chung. Để giúp bạn đọc có thêm thông tin về công trình “Bản đồ địa chất, bản đồ khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1:200.000”, chúng tôi xin giới thiệu tóm tắt những nội dung chủ yếu của công trình này.

1. Cơ quan chủ trì: Liên đoàn Bản đồ địa chất (nay là Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc) và Liên đoàn Bản đồ II (nay là Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam).

2. Cơ quan chủ quản: Tổng cục Địa chất (nay là Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường).

3. Tác giả công trình và những người tham gia

- Tác giả: Công trình này là tập hợp từ 28 công trình đo vẽ lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:200.000 và các công trình hiệu đính, lắp ghép bản đồ địa chất và khoáng sản cùng tỷ lệ. Mỗi công trình được thành lập bởi một tập thể tác giả, trong đó có một chủ biên và các đồng tác giả. Tổng số có 265 tác giả, trong đó:

+ Chủ biên: 26.

+ Đồng tác giả: 239.

- Những người tham gia: Tổng số cán bộ công nhân viên Ngành Địa chất tham gia có đến hàng nghìn người. Ngoài ra, còn có sự tham gia của nhiều nhà khoa học thuộc nhiều cơ quan khác nhau trong cả nước.

4. Thời gian thực hiện

- Năm bắt đầu: 1964.

- Năm hoàn thành công tác đo vẽ lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản: 1994.

- Năm hoàn thành công tác hiệu đính xuất bản: 2005.

5. Quá trình thực hiện và sản phẩm của công trình

 Giữa thập kỷ 60 (thế kỷ XX), khi công tác đo vẽ bản đồ địa chất, bản đồ khoáng sản tỷ lệ 1:500.000 phần miền Bắc Việt Nam đang bước vào giai đoạn hoàn thiện, công tác đo vẽ bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:200.000 bắt đầu được triển khai thực hiện, bắt đầu bằng các tờ bản đồ: tờ Lào Cai - Kim Bình, tờ Tuyên Quang và tờ Quỳ Châu.

 Năm 1984, chuyên ngành bản đồ địa chất được chia tách, nhiệm vụ lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1:200.000 phần miền Bắc do Liên đoàn Bản đồ địa chất (nay là Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc) thực hiện; phần diện tích miền Nam do Liên đoàn Bản đồ II (nay là Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam) thực hiện.

Đến năm 1994, toàn bộ lãnh thổ quốc gia được hoàn thành công tác lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:200.000. Đã thành lập các tờ bản đồ địa chất, khoáng sản, địa mạo, địa chất thủy văn, trọng sa, địa hóa ở tỷ lệ 1:200.000 trên phạm vi cả nước.

Từ những năm cuối thập kỷ 70 (thế kỷ XX), công tác tổng hợp, hiệu đính và xuất bản các loạt tờ bản đồ địa chất và khoáng sản tỷ lệ 1:200.000 được tiến hành. Đến năm 2005, toàn bộ 56 tờ bản đồ địa chất và khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1:200.000 đã được hiệu đính, xuất bản.

Sản phẩm của công trình bao gồm:

- Tài liệu lưu trữ:

+ Bộ bản đồ địa chất tỷ lệ 1:200.000 gồm 28 tờ, loạt tờ và báo cáo thuyết minh.

+ Bộ bản đồ khoáng sản tỷ lệ 1:200.000 gồm 28 tờ, loạt tờ và báo cáo thuyết minh.

+ Các bộ bản đồ trọng sa - kim lượng, bản đồ địa chất thủy văn, bản đồ địa mạo,… tỷ lệ 1:200.000 cho 28 tờ, loạt tờ.

- Tài liệu công bố:

+ Bộ bản đồ địa chất và khoáng sản tỷ lệ 1:200.000 gồm 56 tờ bản đồ và Thuyết minh tóm tắt bằng Tiếng Việt và Tiếng Anh.

+ Cuốn “Những vấn đề địa chất Tây Bắc Việt Nam” do Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật xuất bản năm 1977.

+ Các bài báo khoa học: hơn 240 bài báo, báo cáo khoa học.

6. Những đặc điểm chủ yếu của công trình

 Bản đồ địa chất, bản đồ khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1:200.000 là công trình điều tra cơ bản đồ sộ, được tiến hành trong khoảng 40 năm và được thành lập bởi hàng nghìn nhà địa chất thuộc nhiều thế hệ trong cả nước.

 Công trình này là tập hợp từ 28 công trình đo vẽ lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:200.000. Mỗi công trình được thực hiện trên một khu vực khác nhau, diện tích từ khoảng 5000 km2 đến vài chục nghìn km2, lần lượt phủ kín toàn bộ diện tích đất nước. Trên mỗi diện tích của từng công trình đều được khảo sát thực địa, lấy mẫu phân tích để thành lập các bản đồ địa chất, bản đồ khoáng sản, bản đồ trọng sa - kim lượng, bản đồ địa chất thủy văn, bản đồ địa mạo,… và tìm kiếm, phát hiện các điểm khoáng sản. Ước tính, đôi chân các nhà địa chất đã tiến hành hơn 150.000 km lộ trình khảo sát trên khắp mọi miền của Tổ quốc.

 Đến nay, toàn bộ 56 tờ bản đồ địa chất và khoáng sản tỷ lệ 1:200.000 phủ kín diện tích phần đất liền Việt Nam đã được xuất bản và được chia ra 6 loạt tờ để thuận lợi cho việc sử dụng, tra cứu, tham khảo tài liệu. Mỗi tờ bản đồ đều có thuyết minh về địa chất và khoáng sản bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Một số thông tin chính về các loạt tờ bản đồ:

- Loạt tờ Tây Bắc (gồm 8 tờ bản đồ): thể hiện và mô tả 50 phân vị địa tầng, 17 phức hệ magma; đăng ký 742 mỏ và điểm quặng của 66 loại khoáng sản, trong đó có 41 mỏ lớn, 41 mỏ vừa, 186 mỏ nhỏ.

- Loạt tờ Đông Bắc (gồm 11 tờ bản đồ): thể hiện và mô tả 47 phân vị địa tầng, 13 phức hệ magma; đăng ký 1206 mỏ và điểm quặng của gần 60 loại khoáng sản, trong đó có 70 mỏ lớn, 90 mỏ vừa, 350 mỏ nhỏ.

- Loạt tờ Bắc Trung Bộ (gồm 11 tờ bản đồ): thể hiện và mô tả 51 phân vị địa tầng, 22 phức hệ magma; đăng ký 898 mỏ và điểm quặng của 70 loại khoáng sản, trong đó có 65 mỏ lớn, 51 mỏ vừa, 276 mỏ nhỏ.

- Loạt tờ Kon Tum-Buôn Ma Thuột (gồm 10 tờ bản đồ): thể hiện và mô tả 40 phân vị địa tầng, 22 phức hệ magma; đăng ký 556 mỏ và điểm quặng của 59 loại khoáng sản, trong đó có 204 mỏ, 242 điểm quặng và 110 điểm khoáng hóa.

- Loạt tờ Bến Khế - Đồng Nai (gồm 7 tờ bản đồ): thể hiện và mô tả  17 phân vị địa tầng, 03 phức hệ magma; đăng ký 395 mỏ và điểm quặng của 50 loại khoáng sản, trong đó có 178 mỏ 217 điểm quặng và điểm khoáng hóa.

- Loạt tờ Đồng bằng Nam Bộ (gồm 9 tờ bản đồ): thể hiện và mô tả 36 phân vị địa tầng, 06 phức hệ magma; đăng ký 447 mỏ và điểm quặng của 34 loại khoáng sản, trong đó có 54 mỏ lớn, 83 mỏ vừa, 143 mỏ nhỏ.

7. Giá trị của công trình

7.1. Các kết quả mới chủ yếu về địa chất và khoáng sản

1. Về địa chất: So với các tài liệu địa chất có trước, bản đồ địa chất, bản đồ khoáng sản tỷ lệ 1:200.000 đã xác nhận và mô tả chi tiết hàng trăm phân vị địa chất, khoanh định diện phân bố, đặc điểm đặc trưng và tuổi của các phân vị; hoàn chỉnh hơn cấu trúc địa chất, đặc điểm kiến tạo, sinh khoáng khu vực. Trên cơ sở đó xác lập các tiền đề tìm kiếm khoáng sản, định hướng hiệu quả cho công tác điều tra, đánh giá, thăm dò khoáng sản và đo vẽ bản đồ địa chất, điều tra khoáng sản ở các tỷ lệ lớn hơn.

2. Về khoáng sản: Đã phát hiện hàng trăm điểm quặng, các vành phân tán khoáng vật và nguyên tố chỉ thị cho tìm kiếm khoáng sản, khoanh định các vùng triển vọng về khoáng sản. Đặc biệt, đã phát hiện và khoanh định các vùng quặng, đới quặng, cấu trúc thuận lợi cho tạo quặng, làm cơ sở để tiến hành các  đề án tìm kiếm, đánh giá, thăm dò khoáng sản, xác định tài nguyên, trữ lượng các mỏ, điểm quặng.

7.2. Về giá trị khoa học

Công trình “Bản đồ địa chất, bản đồ khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1:200.000” là công trình đo vẽ lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản ở tỷ lệ trung bình trên phạm vi cả nước. Trên thế giới, công tác đo vẽ lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản ở tỷ lệ trung bình là tài liệu cơ sở để đánh giá về cấu trúc địa chất và khoáng sản của mỗi quốc gia. Quốc gia nào hoàn thành công tác lập bản đồ địa chất và khoáng sản ở tỷ lệ 1:200.000 được coi là có đủ cơ sở khoa học để định hướng phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, cũng như các ngành kinh tế có liên quan khác, và được công nhận có đủ tài liệu về địa chất - khoáng sản để hợp tác, trao đổi trong lĩnh vực địa chất khoáng sản.

- Trước khi có công trình này, công tác đo vẽ lập bản đồ địa chất trên lãnh thổ Việt Nam được thực hiện ở tỷ lệ 1:500.000 do các nhà địa chất Việt Nam và chuyên gia Liên Xô thực hiện. Công trình “Bản đồ địa chất, bản đồ khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1:200.000” hoàn toàn do các nhà địa chất Việt Nam thực hiện. Đây là công trình điều tra cơ bản đầu tiên được tiến hành đồng bộ, hệ thống các phương pháp điều tra, nghiên cứu địa chất, khoáng sản và môi trường phóng xạ trên phạm vi cả nước.

- Trước khi có công trình này, các nghiên cứu về cấu trúc địa chất, tiềm năng khoáng sản trên phạm vi cả nước mới ở mức độ khái quát. Đây là công trình đo vẽ, lập bản đồ địa chất có đủ mật độ khảo sát thực địa nhất để khẳng định cấu trúc địa chất toàn lãnh thổ cũng như xác định được tiềm năng khoáng sản của đất nước.

- Bộ bản đồ địa chất tỷ lệ 1:200.000 phản ánh bức tranh toàn cảnh về cấu trúc, lịch sử phát sinh, phát triển địa chất của toàn lãnh thổ Việt Nam, đóng góp quan trọng vào kết quả nghiên cứu địa chất của khu vực và thế giới.

- Bộ bản đồ địa chất và khoáng sản tỷ lệ 1:200.000, ngoài việc phản ánh tiềm năng khoáng sản của đất nước, còn xác định được quy luật phân bố, nguồn gốc thành tạo của các loại khoáng sản, làm cơ sở cho việc điều tra, tìm kiếm, thăm dò khoáng sản về sau.

- Các tài liệu của công trình là cơ sở để biên hội, thành lập các bản đồ địa chất, bản đồ khoáng sản tỷ lệ 1:500.000 và 1:1000.000 trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

- Bộ bản đồ địa chất và khoáng sản tỷ lệ 1:200.000 là cơ sở khoa học quan trọng cho việc hình thành và triển khai nhiều công trình, đề tài nghiên cứu khoa học để làm rõ các vấn đề địa chất, khoáng sản.

- Trên cơ sở kết quả của công trình, các tác giả đã xuất bản cuốn sách “Những vấn đề địa chất Tây Bắc Việt Nam” do NXB Khoa học và Kỹ thuật xuất bản năm 1977, dày 357 trang và công bố hơn 240 bài báo khoa học trên các tạp chí trong và ngoài ngành địa chất, tham luận tại các hội nghị địa chất trong nước và quốc tế.

7.3. Về giá trị thực tiễn

- Việc phát hiện hàng trăm điểm quặng và các cấu trúc địa chất chứa quặng trên toàn lãnh thổ là cơ sở quan trọng để tìm kiếm, đánh giá xác định tài nguyên, trữ lượng khoáng sản, phục vụ cho triển khai các đề án thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Đặc biệt, đã phát hiện và khoanh định các vùng quặng, đới khoáng hóa kim loại (thiếc, wolfram, molipden) ở Nam Việt Nam; đồng ở vùng Lào Cai; kim loại phóng xạ ở Lai Châu; vàng, đá quí, quặng đa kim, khoáng chất công nghiệp; vật liệu xây dựng ở nhiều nơi,…; tạo tiền đề cho công tác thăm dò, khai thác các loại khoáng sản này phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Kết quả của công trình là cơ sở quan trọng góp phần định hướng cho việc quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản trên phạm vi cả nước. Sản phẩm của công trình là cơ sở khoa học để triển khai thực hiện công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các vùng trọng điểm như Tây Nguyên, Tây Bắc....

- Bản đồ địa chất tỷ lệ 1:200.000 với việc phân chia các đá có thành phần khác nhau là cơ sở cho việc xây dựng các bản đồ thổ nhưỡng, bản đồ địa chất công trình, bản đồ địa chất thủy văn phục vụ quy hoạch các ngành nông nghiệp, giao thông, xây dựng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong cả nước.

- Bản đồ địa hóa - khoáng vật tỷ lệ 1:200.000 đã chỉ ra các vùng, các diện tích có sự tập trung cao hoặc thiếu hụt các nguyên tố có ảnh hưởng tới vật nuôi, cây trồng; cùng với bản đồ địa chất, các bản đồ này làm cơ sở cho việc thành lập bản đồ thổ nhưỡng ở cùng tỷ lệ.

- Bản đồ địa chất, bản đồ địa mạo tỷ lệ 1:200.000 đã chỉ ra các đới xung yếu, các đứt gãy lớn hoạt động có liên quan đến động đất, trượt lở đất đá,… ảnh hưởng đến đời sống con người. Các bản đồ này còn được sử dụng làm tài liệu cơ sở cho các dự án, đề tài điều tra, đánh giá về tai biến địa chất, địa chất môi trường, và cũng là cơ sở để thành lập bản đồ địa chất công trình ở giai đoạn sau.

- Các bản đồ cấu trúc địa chất Kainozoi ở vùng đồng bằng định hướng cho công tác điều tra, thăm dò và sử dụng nguồn tài nguyên nước dưới đất phục vụ đời sống và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, các bản đồ này còn là cơ sở cho việc nghiên cứu địa chất đô thị, địa chất môi trường.

7.4. Kết quả của công trình đối với lĩnh vực an ninh, quốc phòng

Việc hoàn thành bộ bản đồ địa chất, bản đồ khoáng sản, bản đồ địa chất và khoáng sản tỷ lệ 1:200.000 trên toàn bộ lãnh thổ đất nước góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

7.5. Kết quả của công trình với công tác giáo dục, đào tạo

- Sản phẩm của công trình là tài liệu tham khảo tốt cho công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học của nhiều trường đại học, nhiều viện nghiên cứu; là tài liệu tham khảo và định hướng nghiên cứu của nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản. Công trình được trích dẫn nhiều trong các bài báo, báo cáo khoa học về lĩnh vực địa chất - khoáng sản ở trong nước và quốc tế.

- Qua thực hiện công tình này, lực lượng cán bộ kỹ thuật Việt Nam làm công tác điều tra cơ bản về địa chất đã trưởng thành, nhiều người trở thành những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản; nhiều nhà địa chất đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ địa chất như: TS. Nguyễn Văn Hoành, TS. Trần Tất Thắng, TS. Nguyễn Văn Quý, TS. Hoàng Anh Khiển, TS. Đào Văn Thịnh, TS. Hoàng Ngọc Kỷ, TS. Hà Quang Hải, TS. Vũ Văn Vĩnh...

8. Các giải thưởng khoa học và công nghệ đã đạt được của công trình 

TT

Tên giải thưởng

Năm tặng thưởng

1

Huy chương Bạc triển lãm kinh tế kỹ thuật Việt Nam cho Bản đồ địa chất Quỳ Châu tỷ lệ 1:200.000

Tháng 11 năm 1985

2

Bằng khen của Ủy ban KH&KT Nhà nước cho đề tài 44.01.01.11 “Hiệu đính bản đồ khoáng sản 1:200.000 các loạt tờ Đông Bắc, Tây Bắc, Trường Sơn”

Tháng 12 năm 1986

9. Danh sách chủ biên công trình

 

Các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tặng hoa chúc mừng đại diện 8 công trình được vinh danh

 


Anh hùng lao động Nguyễn Xuân Bao (người đứng giữa) thay mặt tập thể tác giả công trình “Bản đồ địa chất, bản đồ khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1:200.000” nhận biểu trưng vinh danh

 

Đại diện tập thể chủ biên công trình cùng đại diện lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc và Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam tham dự chương trình “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn những công trình’ năm 2018