HỘI THẢO KHOA HỌC ĐỀ TÀI KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CẤP QUỐC GIA

Thực hiện kế hoạch công tác năm 2020, được sự đồng ý của Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước; ngày 28/8/2020, tại Hội trường Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên, Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc tổ chức Hội thảo khoa học đề tài KHCN cấp quốc gia “Nghiên cứu di sản địa chất làm cơ sở khoa học để thành lập công viên địa chất toàn cầu ở khu vực Tam Giang – Bạch Mã”. Tham dự Hội thảo có: 

Khách mời: 

1. GS.TS Trần Văn Trị, Tổng hội Địa chất Việt Nam. 

2. TS. Trịnh Hải Sơn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản. 

3. TS. Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản. 

4. ThS. Ngô Huy Kiên, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp, Bộ NN&PT nông thôn. 

5. Ông Trương Quang Quý, Giám đốc Bảo tàng Địa chất. 

6. Các thành viên chính của đề tài công tác tại Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bảo tàng Địa chất, Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Huế. 

Về phía Liên đoàn: Lãnh đạo Liên đoàn; lãnh đạo các phòng và các đơn vị trực thuộc; phòng Kỹ thuật; chủ nhiệm đề án, đề tài, nhiệm vụ; đội trưởng, tổ trưởng, bộ môn trưởng. 

Tại Hội thảo, các tác giả đã trình bày 06 báo cáo về các lĩnh vực: Đa dạng địa chất, di sản địa chất (DSĐC); đa dạng văn hóa; đa dạng sinh học; bảo tồn di sản địa chất và các di sản khác; du lịch địa chất. 

Sau 2,5 năm thực hiện, tập thể tác giả đề tài đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu, thành lập được các sản phẩm đầy đủ về số lượng và có chất lượng cao, hoàn thành mục tiêu đề tài nghiên cứu đặt ra. Kết quả nghiên cứu đã xác lập được 115 DSĐC thuộc 8 kiểu DSĐC là cổ sinh; địa mạo, cảnh quan; cổ môi trường; đá; địa tầng; khoáng sản; kinh tế địa chất; cấu trúc kiến tạo, lịch sử tiến hóa địa chất có mặt ở khu vực  Giang – Bạch Mã. Bước đầu phân cấp các DSĐC theo 3 cấp gồm: cấp quốc tế 5 DS, cấp quốc gia 41 DS và cấp địa phương 69 DS. Các DSĐC ở đây có tính đa dạng địa chất cao; tính kỳ vĩ, độc đáo và đặc trưng cho vùng ven biển miền Trung Việt Nam. Chúng tạo nên các giá trị nổi bật về khoa học và giáo dục địa chất, giá trị thẩm mỹ và giá trị kinh tế. Đồng thời với các kết quả nghiên cứu về DSĐC, đề tài đã đánh giá được tính đa dạng sinh học, đa dạng văn hóa và các giá trị của các di sản này ở khu vực nghiên cứu Những kết quả nghiên cứu về DSĐC, đa dạng sinh học và di sản văn hóa cho thấy khu vực Tam Giang - Bạch Mã hội tụ đủ điều kiện về mặt tự nhiên và xã hội để thành lập Công viên địa chất trong hệ thống công viên địa chất ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. 

Ngoài các kết quả nghiên cứu về DSĐC và các di sản khác, kết quả nghiên cứu của đề tài còn góp phần làm sáng tỏ lịch sử phát triển đồng bằng ven biển Thừa Thiên Huế trong Holocen. Xác định được một vịnh biển cổ ở đồng bằng Huế phát triển trong Holocen sớm - giữa và bị lấp đầy bởi vật liệu của sông trong Holocen giữa - muộn. 

Tập thể tác giả đã công bố 04 bài báo khoa học (01 bài trên tạp chí quốc tế, 03 bài trên tạp chí trong nước); 02 báo cáo tại hội nghị địa chất quốc tế; tổ chức 02 hội thảo khoa học, tham gia 03 hội nghị khoa học quốc tế và 01 hội nghị trong nước. Đào tạo 02 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn cao học và hỗ trợ 02 nghiên cứu sinh. 

Phát biểu tại Hội thảo, các nhà khoa học đánh giá cao kết quả đã đạt được của tập thể tác giả đề tài, đồng thời chỉ rõ những nội dung cần được bổ sung, chỉnh sửa trước khi trình sản phẩm lên Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định.

GS.TS. Trần Văn Trị cùng đại diện lãnh đạo Liên đoàn, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bảo tàng Địa chất tham dự Hội thảo

 

TS. Vũ Quang Lân, chủ nhiệm đề tài trình bày kết quả thực hiện đề tài

 

KS. Trương Quang Quý trình bày báo cáo tại Hội thảo

 

GS.TS. Trần Văn Trị phát biểu tại Hội thảo

 

TS. Trịnh Hải Sơn phát biểu tại Hội thảo

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

 

Hỗ trợ trực tuyến