THÔNG TIN ĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THEO NGHỊ ĐỊNH THƯ

Ngày 30 tháng 03 năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức phiên họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Lào: “Nghiên cứu tiến hóa kiến tạo – magma và sinh khoáng Sn, W, Au, đa kim vùng Tây Bắc Nghệ An – Sầm Nưa”, mã số NĐT.35.LA/17.

Hội đồng đánh giá, nghiệm thu gồm 09 thành viên do GS.TS Trần Văn Trị, Tổng hội Địa chất làm Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Trần Tuấn Anh, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam làm Phó Chủ tịch Hội đồng. Các Ủy viên phản biện gồm: 1- PGS.TS Nguyễn Hoàng, Viện Địa chất, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; 2- TS Đặng Mỹ Cung, Vụ KH&CN, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Khu vực Tây Bắc Nghệ An – Sầm Nưa, có diện tích khoảng 9.400km2 thuộc một phần địa phận các huyện Quế Phong, Kỳ Sơn (Tây Bắc Nghệ An), Sầm Nưa, Xiêng Khoảng (CHDCND Lào). Đây là khu vực có cấu trúc địa chất rất phức tạp và đã trải qua lịch sử tiến hóa địa chất lâu dài. Trên bình đồ hiện tại, vùng Tây Bắc Nghệ An – Sầm Nưa là một phần của 03 đới cấu trúc chính kéo dài theo phương Tây Bắc – Đông Nam gồm: đới Sầm Nưa, đới Phu Hoạt, đới Sông Cả. Các thành tạo địa tầng và magma xâm nhập phát triển và phân bố khá đa dạng, bao gồm các thành tạo có tuổi từ Neoproterozoi đến Kainozoi. Đi kèm với sự phức tạp và đa dạng về mặt cấu trúc địa chất thì vùng Tây Bắc Nghệ An – Sầm Nưa cũng đã hình thành phong phú các loại hình khoáng sản: Sn, W, Au, đa kim, Cu, Fe, vật liệu xây dựng, trong số đó có những loại hình khoáng sản là những mỏ lớn và đang được tiến hành đầu tư khai thác, nhiều loại khoáng sản cũng đã được đánh giá là rất có tiềm năng, triển vọng.

Hoạt động hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và Lào về lĩnh vực địa chất – khoáng sản – môi trường trong những năm gần đây đã được Chính phủ hai nước đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam (và một số nước khác) tiến hành đầu tư về lĩnh vực thăm dò và khai thác khoáng sản tại nước CHDCND Lào. Vì vậy, ngày 16 tháng 9 năm 2016, Cục Địa chất và Khoáng sản Lào có công văn đề xuất số 061/Pb.CTH về việc hợp tác nghiên cứu địa chất khu vực; tìm kiếm – điều tra, thăm dò khoáng sản, giải quyết các vấn đề về môi trường và tai biến địa chất vùng Đông Bắc Lào; nâng cao trình độ nghiên cứu, tổ chức và quản lý tài nguyên khoáng sản của Lào.

Trên cơ sở đó, Bộ KH&CN đã có quyết định số 2979/QĐ-BKHCN ngày 31 tháng 10 năm 2017, phê duyệt nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư: “Nghiên cứu tiến hóa kiến tạo – magma và sinh khoáng Sn, W, Au, đa kim vùng Tây Bắc Nghệ An – Sầm Nưa”, mã số NĐT.35.LA/17. Phía Việt Nam do TS Trịnh Đình Huấn (từ tháng 12 năm 2017 đến tháng 9 năm 2018) và ThS Lưu Công Trí (từ tháng 10 năm 2018 đến tháng 12 năm 2021) làm Chủ nhiệm; Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc là cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ; Các đơn vị phối hợp thực hiện gồm: Viện Công nghệ Địa chất và Khoáng sản – Tổng hội Địa chất; Đại học Mỏ - Địa chất. Phía đối tác Lào do TS Boua Lay Saasy làm Chủ nhiệm, Cục Địa chất và Khoáng sản Lào là cơ quan chủ trì thực hiện các nội dung, công việc trên lãnh thổ CHDCND Lào.

Nhiệm vụ được phê duyệt với 04 mục tiêu:

1. Làm rõ cấu trúc địa chất, tiến hóa kiến tạo - magma và tiềm năng sinh khoáng vùng Tây Bắc Nghệ An - Sầm Nưa (trọng tâm ở phía Lào).

2. Làm rõ đặc điểm thành phần vật chất, nguồn gốc, điều kiện thành tạo quặng hóa tại các tụ khoáng Sn, W, Au, đa kim điển hình trong vùng nghiên cứu.

3. Xác lập tiền đề và dấu hiệu tìm kiếm, khoanh vùng triển vọng quặng Sn, W, Au, đa kim vùng Tây Bắc Nghệ An - Sầm Nưa định hướng cho công tác tìm kiếm, đánh giá khoáng sản tiếp theo.

4. Góp phần nâng cao trình độ khoa học cho cán bộ địa chất của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

I. Kết quả đạt được của nhiệm vụ

Các sản phẩm dạng I, II, III, IV gồm:

- Báo cáo tổng hợp kết quả khoa học và công nghệ nhiệm vụ NĐT.35.LA/17;

- Báo cáo tổng hợp về kiến tạo – sinh khoáng;

- Báo cáo các tụ khoáng và đánh giá tiềm năng quặng Sn, W, Au, đa kim;

- Bản đồ kiến tạo – sinh khoáng tỷ lệ 1:200.000;

- Bản đồ phân vùng triển vọng tỷ lệ 1:200.000 và đề xuất các diện tích chi tiết hóa;

- Bản đồ địa chất - khoáng sản và cấu trúc khống chế quặng Sn, W, đa kim khu vực Huổi Chừn (CHDCND Lào);

- Bản đồ địa chất – khoáng sản và cấu trúc khống chế quặng Au khu vực Na Moong (CHDCND Lào);

- Bộ cơ sở dữ liệu cho các tụ khoáng (Sn, W, Au, đa kim) vùng Tây Bắc Nghệ An – Sầm Nưa;

- Bài báo công bố trên tạp chí quốc tế: 01 bài;

- Bài báo công bố trên tạp chí trong nước: 02 bài;

- Hỗ trợ đào tạo 01 Nghiên cứu sinh chuyên ngành địa chất và khoáng sản (đã bảo vệ thành công 02 chuyên đề nghiên cứu sinh);

- Hỗ trợ đào tạo 02 Học viên người Lào đã hoàn thành luận văn thạc sĩ tại trường Đại học Mỏ - Địa chất, chuyên ngành địa chất và khoáng sản.

II. Danh mục các sản phẩm đã được chuyển giao và ứng dụng

 

III. Những điểm mới của nhiệm vụ

- Lần đầu tiên các đới tạo khoáng khu vực Tây Bắc Nghệ An - Sầm Nưa và khoáng hóa Sn, W, Au, đa kim được nghiên cứu chi tiết dựa trên sự kết hợp giữa các phương pháp nghiên cứu truyền thống và tổ hợp các phương pháp nghiên cứu mới hiện đại.

- Nhiệm vụ đã xác định tuổi đồng vị U-Pb trên zircon đối với một số phức hệ magma: Nậm Giải tuổi Oligocen - Miocen (trước đây xếp tuổi Paleozoi giữa), Na Khoun tuổi Oligocen - Miocen (trước đây xếp tuổi Jura - Creta).

- Nhiệm vụ đã phân tích một số mẫu bao thể và đồng vị bền (S, O-H) tại các tụ khoáng Sn, W, Au, đa kim điển hình trong khu vực để làm sáng tỏ điều kiện hóa lý tạo quặng, nguồn gốc quặng hóa, quan hệ sinh khoáng với hoạt động magma và cấu trúc khống chế quặng hóa,... Số liệu là cơ sở tin cậy để xác lập các tiền đề và dấu hiệu tìm kiếm khoáng sản Sn, W, Au, đa kim cũng như dự báo tiềm năng các loại hình khoáng sản này trong vùng nghiên cứu.

- Kết quả khoanh định được các diện tích triển vọng cấp A, B, C và thành lập bản đồ phân vùng triển vọng khoáng sản Sn, W, Au, đa kim vùng Tây Bắc Nghệ An – Sầm Nưa tỷ lệ 1:200.000 trên cơ sở các nghiên cứu các đặc điểm về quặng hóa, tiền đề - dấu hiệu tìm kiếm.

- Thành lập bản đồ kiến tạo – sinh khoáng Sn, W, Au, đa kim vùng Tây Bắc Nghệ An – Sầm Nưa tỷ lệ 1:200.000 dựa trên các đối sánh về địa tầng, magma, kiến tạo khu vực Tây Bắc Nghệ An và khu vực Sầm Nưa. Các kết quả nghiên cứu mới về nguồn gốc và điều kiện thành tạo quặng hóa khu vực.

- Thành lập sơ đồ địa chất – khoáng sản và cấu trúc khống chế quặng Sn, W, Au, đa kim tỷ lệ 1:25.000 tại 02 diện tích có tiềm năng về quặng hóa trong khu vực Sầm Nưa.

- Thành lập bộ cơ sở dữ liệu cho một số mỏ và điểm quặng Sn, W, Au, đa kim trong khu vực Tây Bắc Nghệ An – Sầm Nưa. Trong đó thể hiện các thông tin như: vị trí điểm mỏ, sơ bộ đặc điểm địa chất mỏ, thành phần khoáng vật quặng chính, nguồn gốc và kiểu mỏ, tiền đề - dấu hiệu tìm kiếm,…

 Toàn cảnh phiên họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp Quốc gia

IV. Hiệu quả của nhiệm vụ

1. Hiệu quả kinh tế

- Việc xác lập các tiền đề, dấu hiệu tìm kiếm và đánh giá tiềm năng khoáng sản Sn, W, Au, đa kim vùng Sầm Nưa góp phần định hướng cho công tác tìm kiếm, đánh giá tiếp theo nhằm giảm bớt thời gian và kinh phí trong quá trình triển khai thực hiện các đề án tìm kiếm đánh giá khoáng sản trong khu vực này;

- Kết quả nghiên cứu đã xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu cho các tụ khoáng Sn, W, Au, đa kim sẽ giúp ích cho công tác quản lý về mặt tài nguyên – khoáng sản nước CHDCND Lào được rõ ràng, thuận lợi hơn;

- Bản đồ địa chất – khoáng sản và cấu trúc khống chế quặng Sn – đa kim vùng Huổi Chừn, tỉnh Hủa Phăn, CHDCND Lào, tỷ lệ 1:25.000 và các đánh giá về tiền đề, dấu hiệu tìm kiếm trong báo cáo sẽ là cơ sở giúp cho việc theo dõi quá trình khai thác, lập các đề án thăm dò mở rộng tiếp theo tại khu mỏ Huổi Chừn được thuận lợi, giảm thiểu được các chi phí có liên quan;

- Cung cấp các cơ sở dữ liệu quan trọng về cấu trúc địa chất khu vực, các loại hình khoáng sản và tiềm năng khoáng sản Sn, W, Au, đa kim cho các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư tại khu vực này.

2. Hiệu quả xã hội

- Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho các cán bộ địa chất và một số học viên cao học của nước CHDCND Lào;

- Xây dựng được bộ cơ sở lý thuyết về địa chất, phục vụ công tác giảng dạy, đào tạo tại các trường Đại học, Cao đẳng tại Lào;

- Tăng cường sự đoàn kết và hợp tác về khoa học địa chất giữa hai nước Việt Nam và Lào thông qua các chương trình Đoàn ra, Đoàn vào;

- Có nhiều triển vọng hợp tác trong tương lai đối với công tác tìm kiếm đánh giá, thăm dò khoáng sản tại khu vực Sầm Nưa, CHDCND Lào.

Hỗ trợ trực tuyến