KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN LẬP BẢN ĐỒ ĐỊA CHẤT KHOÁNG SẢN TỶ LỆ 1:50.000 NHÓM TỜ SÔNG MÃ

1. Thông tin về đề án

            Tên đề án: Lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 nhóm tờ Sông Mã

            Thuộc đề án“Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát  triển bền vững kinh tế xã hội”.        

    Thời gian thực hiện: lập và thi công đề án 2016 - 2024.

            Chủ nhiệm đề án thành phần: Thạc sỹ Hoàng Bá Quyết.

            2. Những kết quả chủ yếu 

Tập thể tác giả đã hoàn thành công tác đo vẽ và thành lập bản đồ địa chất, khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 diện tích 2940km2, làm sáng tỏ các vấn đề về thạch học, cấu trúc địa chất và lịch sử phát triển địa chất vùng.

            Về địa tầng: đã chính xác hóa và ghi nhận sự có mặt của 12 hệ tầng: hệ tầng Nậm Cô, Huổi Hào, Nậm Ty, Tây Trang, Bắc Sơn, Yên Duyệt, Suối Bàng, Đồng Trầu, Hoàng Mai, Nậm Pồ, Sốp Cộp, hệ Đệ tứ. Đã phân chia chi tiết các phân vị theo đặc điểm thạch địa tầng kết hợp phát hiện hóa thạch; nghiên cứu thành phần vật chất, địa hóa một số hệ tầng, quan hệ địa chất và khoáng sản liên quan. Xác lập mới hệ tầng Sốp Cộp.

Về magma: đã chính xác hóa và ghi nhận được diện phân bố của 7 phức hệ: phức hệ Pắc Nậm, Bó Xinh, Chiềng Khương, Sông Mã, Bù Rình, Mường Hinh, các đai mạch không rõ. Đã phân tích các loại mẫu định lượng về thành phần vật chất, tuổi đồng vị, làm rõ về biến đổi sau magma của mỗi phức hệ và khoáng sản liên quan. Đã tách các đá phun trào ryolit giàu ban tinh có kiến trúc xferolit cấu tạo khối xếp vào hệ tầng Đồng Trầu thành phức hệ Mường Hinh có tuổi đồng vị U-Pb zircon (T2-3), đã tách các đá granit porphyr, granit granophyr trước đây xếp vào phức hệ Sông Mã thành phức hệ Bù Rình có tuổi đồng vị U-Pb zircon (T2-3).

Về cấu trúc - kiến tạo: đã phân chia được 3 khối cấu trúc Sốp Cộp (đới cấu trúc Sầm Nưa), khối cấu trúc Chiềng Khương (đới cấu trúc Sông Mã), khối cấu trúc Tây Trang (đới cấu trúc Điện Biên), 8 tổ hợp thạch kiến tạo: THTKT vỏ lục địa cổ tuổi Neoproterozoi (NP), THTKT rìa lục địa thụ động Paleozoi trung (D), THTKT kiểu vỏ đại dương Paleozoi trung - muộn (C), THTKT kiểu bồn thềm lục địa thụ động Paleozoi muộn (C – P), THTKT rift nội lục Mesozoi sớm (T), THTKT nội lục sau va chạm Mesozoi sớm - giữa (MZ), THTKT kiểu bồn trũng kéo tách Neogen (N), THTKT kiểu nội lục tuổi Đệ Tứ (Q).  Đã  phân chia được 4 pha biến dạng. Ghi nhận các hệ thống đứt gãy TB -ĐN, ĐB - TN, á kinh tuyến, á vĩ tuyến và một số nếp uốn chính trên diện tích nhóm tờ.

Khoáng sản: đăng ký trên bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 27 điểm biểu hiện khoáng sản và khoáng hóa. Khoáng sản nhóm tờ được xếp vào 4 chính: nhiên liệu, khoáng sản kim loại, khoáng sản không kim loại, nước nóng - nước khoáng. Trong đó có 10 diện tích được điều tra chi tiết tỷ lệ 1:10.000 tính tài nguyên dự báo 333, 334a, 334b.

Công tác nghiên cứu kết hợp:

- Địa mạo: trong diện tích nhóm tờ đã phân chia được 13 bề mặt đồng nguồn gốc (bề mặt tích tụ bãi bồi hiện đại, bề mặt tích tụ thềm bậc I, bề mặt tích tụ thềm bậc II, bề mặt sườn xâm thực bóc mòn, sườn bóc mòn tổng hợp, sườn bóc mòn rửa trôi, sườn và vách kiến tạo do bóc mòn, sườn và vách karst,...). Xác định được tuổi các bề mặt địa hình, hình thành trong giai đoạn từ Neogen đến Đệ tứ.

- Vỏ phong hóa: ghi nhận được 4 kiểu vỏ phong hóa: kiểu vỏ phong hóa Siallit (SiAl); kiểu vỏ phong hóa Ferosialit (FeSiAl); kiểu vỏ phong hóa feralit (FeAl), kiểu vỏ phong hóa Saprolit (Sa). Đã khoanh định sơ bộ được các diện tích có chứa các kiểu vỏ phong hóa trên, giai đoạn hình thành các kiểu vỏ phong hóa được xác định tương ứng với giai đoạn phát triển của bề mặt địa hình. Xác định được những khu vực có bề dày vỏ phong hóa lớn, có liên quan đến tai biến địa chất chủ yế dọ theo các đường giao thông mới mở: bản Gia Phú xã Na Tông, bản Huổi Puốc xã Mường Lói,.... khoáng sản có liên quan: Kaolin ở khu vực bản Tà Cọ xã Sốp Cộp, sét gạch ngói là vật liệu xây dựng khu vực Bản Pặt,  Huổi Khăng xã Dồm Cang,...

- Tai biến địa chất: đã thu thập lập phiếu  điều tra 112 điểm TBĐC với 6 loại tai biến địa chất, các dạng tai biến địa chất được tổng hợp, đánh giá hiện trạng mức độ thiệt hại, nguyên nhân hình thành, phát triển và đã khoanh định các khu vực tập trung các dạng tai biến địa chất gồm 5 khu vực có nguy cơ cao về TBĐC trượt lở đất đá, nứt đất khu vực xã Tìa Dình, Pú Hao xã Mường Lạn,  5 vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét, lũ lụt khu vực bản Huổi Bua, Co Cưởm xã Chiềng Cang, Huổi Búa, Nậm Bó xã Púng Bánh, Nậm Thoáng xã Đứa Mòn, Nậm Sọi xã Mường Cai, xã Nậm Lạnh,...

- Môi trường địa chất: trong diện tích nghiên cứu, công tác nghiên cứu về môi trường địa chất còn có những hạn chế nhất định, với kết quả của tài liệu hiện có đã  khoanh được một số diện có liều tương đương thuộc mức "Giám sát phóng xạ" tại một số khu vực Bản Sôm, Bản Mạt, Pu Sút, Huổi Le với 4 bậc giá trị từ 3,1-4,9 mSv/năm 4,9-11,7 mSv/năm và 3,0-3,7 mSv/năm, 3,2 mSv/năm.  Ghi nhận các vành phân tán nguyên tố địa hóa arsen (As), chì (Pb), kẽm (Zn) khu vực vùng Nộc Cốc (lưu vực Huổi Sông), Chiềng Khương (lưu vực Bản Củ). Tuy nhiên, chưa ghi nhận được sự ảnh hưởng độc hại của các nguyên tố này trong môi trường đất, môi trường nước và cũng ít bị tác động, ảnh hưởng xấu bởi các hoạt động kinh tế.

- Địa chất thủy văn: nước mặt phân bố trong 3 đới cấu trúc (đới cấu trúc Điện Biên, Sầm Nưa, Sông Mã), đã lấy và phân tích 37 mẫu hóa nước đơn giản. Kết quả phân tích chất lượng nước đều đạt yêu cầu dùng để sinh hoạt cho con người.

- Di sản địa chất: đã ghi nhận và phân loại được 96 DSĐC thuộc 6 kiểu DSĐC gồm: Cổ sinh (A), địa mạo (B), kiểu đá (D), địa tầng (E), khoáng sản (F), cấu trúc kiến tao, lịch sử phát triển (I). Trong đó số lượng và kiểu di sản phần lớn thuộc  kiểu A (cổ sinh), F (khoáng sản). Khoanh định được 4 cụm DSĐC, các điểm có giá trị về địa chất, địa mạo, văn hóa liên quan với địa danh nơi giàu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng với nhiều đồng bào dân tộc khác nhau. Đã thành lập bản đồ địa mạo - vỏ phong hóa - tai biến địa chất - môi trường địa chất - di sản địa chất, trên đó đã thể hiện đầy đủ chi tiết các kết quả đã đạt được của đề án qua các giai đoạn thi công. Khoanh định được 4 diện tích (920km2) có tiềm năng di sản địa chất đề nghị điều tra tiếp theo.

Các ghi nhận mới về địa chất và khoáng sản

Về địa chất: xác lập mới hệ tầng Sốp Cộp có tuổi Pliocen; lần đầu tiên trên diện tích nhóm tờ ghi nhận mới và tách các đá phun trào dạng khối kiến trúc xferolit thành phức hệ núi lửa Mường Hinh tuổi Triat giữa - muộn (T2-3); tách các đá granit granophyr thành phức hệ Bù Rình tuổi Triat giữa - muộn (T2-3); ghi nhận mới các đá biến chất chứa graphit có giá trị công nghiệp khu vực Bản Sôm, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên.

            Về khoáng sản: diện tích đo vẽ của nhóm tờ trước khi lập đề án là vùng chưa có đăng kí khoáng sản. Trong quá trình đo vẽ 1:50.000, tập thể tác giả đề án đã có phát hiện mới 2 BHKS than đá, 1 BHKH sắt magnetit, 1 BHKS wolfram (vàng), 1 BHKS vàng (wolfram), 1 BHKH vàng - sulphur đa kim, 1 BHKS vàng (đồng, graphit), 1 BHKS đá mỹ nghệ, 1 BHKS barit (chì-kẽm), 1 BHKS đá granit ốp lát, 1 BHKH antimon, 1 BHKH chì - kẽm (barit), 2 BHKS nước nóng nước khoáng. Ngoài ra, còn có các BHKH sét kaolin, sét gạch ngói,  đá vôi xi măng và VLXD và các điểm khoáng hóa đơn lẻ mới được phát hiện.

3. Tồn tại, đề xuất và kiến nghị

Tồn tại

- Đối với phức hệ núi lửa Mường Hinh chưa ghi nhận được quan hệ trực tiếp với hệ tầng Đồng Trầu, nguyên nhân do lớp vỏ phong hoá dày, ít lộ đá gốc.

- Tổ hợp Ophiolit khu vực Sông Mã gồm các hệ tầng Huổi Hào, Nậm Ty phức hệ Pắc Nậm, Bó Xinh được xếp tuổi C1 chưa chắc chắn. Nguyên nhân do các kết quả nghiên cứu mới các năm 2014, 2020 vẫn còn ít cần được nghiên cứu tiếp theo.

- Diện lộ có các đá biến chất cao đi cặp kè với hệ tầng Đồng Trầu thuộc tướng amphibolit khu vực Nà Khoang là biến chất cục bộ do ảnh hưởng của đứt gãy phân đới Điện Biên, chưa có cơ sở (tài liệu minh chứng).

- Đới cấu trúc Sầm Nưa thuộc diện tích đo vẽ của nhóm tờ có tiềm năng về khoáng sản nội sinh W - Au và các khoáng sản khác mới chỉ được nghiên cứu ở mức độ phát hiện. Nguyên nhân vốn đầu tư chưa đáp ứng.

Đề xuất và kiến nghị

- Tổ hợp Ophiolit khu vực Sông Mã gồm các hệ tầng Huổi Hào, Nậm Ty phức hệ Pắc Nậm, Bó Xinh được xếp tuổi C1 như nói ở trên cần được đầu tư nghiên cứu bằng các đề tài KHCN để có đủ luận cứ kết luận.

- Diện lộ có các đá biến chất cao đi cặp kè với hệ tầng Đồng Trầu thuộc tướng amphibolit khu vực Nà Khoang một số nhà địa chất có quan điểm đây là biến chất cục bộ do ảnh hưởng của đứt gãy phân đới Điện Biên, vấn đề này cần được nghiên cứu tiếp.

Hỗ trợ trực tuyến