KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN BIÊN TẬP, TỔNG HỢP LẬP BẢN ĐỒ ĐỊA CHẤT KHOÁNG SẢN TỶ LỆ 1:250.000 VÙNG TÂY BẮC

1. Thông tin về đề án

Tên đề án: Biên tập, tổng hợp lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1: 250.000 vùng Tây Bắc.

Thuộc đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát  triển bền vững kinh tế xã hội”.

Thời gian thực hiện: lập và thi công đề án 2016 - 2024.

Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Bắc được giao chủ trì đề án từ tháng 10/2021.

Chủ nhiệm đề án thành phần: Tiến sỹ Nguyễn Công Thuận.

2. Những kết quả chủ yếu 

Nguồn tài liệu được thu thập, xử lý tổng hợp

Tập thể tác giả đã thu thập tài liệu của các bản đồ địa chất tỷ lệ 1:2000.000 đến 1:50.000 được thành lập từ các giai đoạn trước và các đề tài nghiện cứu, các bài báo trong và ngoài nước với các tài liệu chính sau đây:

1. 23 tờ bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:200.000 gồm các bản thành lập, các bản hiệu đính qua các thời kỳ, bản đồ xuất bản (2001), sổ mỏ và điểm quặng và các báo cáo thuyết minh. Trên các tờ bản đồ này ghi nhận 2418 mỏ và điểm quặng của hơn 70 loại khoáng sản.

2. 88 nhóm tờ bản đồ tỷ lệ 1:50.000 thi công từ những năm trước năm 1970 của thế kỷ trước đến hiện tại. Khi thành lập bản đồ ĐCKS tỷ lệ 1:250.000 các tác giả đã kiểm tra lại các thông tin của tất cả các nhóm tờ 1:50.000 trên vùng Tây Bắc. Các tài liệu thu thập gồm toàn bộ các sổ mỏ điểm quặng, báo cáo của các nhóm tờ. Tổng số mỏ và điểm quặng ghi nhận của các nhóm tờ 1: 50.000 là hơn 4000 điểm. Hàng trăm điểm quặng mới được phát hiện có triển vọng đã được bổ sung đưa vào bản đồ ĐCKS tỷ lệ 1:250.000.

3. Bản đồ địa chất và khoáng sản 14 tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An cùng với các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thái Nguyên,Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, TP Hà Nội…do Cục địa chất thành lập và bàn giao cho các tỉnh năm 2005 đã được tác giả sử dụng.

4. Các tài liệu điều tra hiện trạng khoáng sản được các Liên đoàn Địa chất Đông Bắc, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ tiến hành từ những năm 2017 đến 2023, trong đó bao gồm cả các tài liệu tìm kiếm đánh giá đối với một số điểm khoáng sản..

5. 1074 công trình điều tra đánh giá khoáng sản và các tài liệu đánh giá, thăm dò khoáng sản từ 1960 đến nay.

 6. Các bài báo, các chuyên khảo, các báo cáo khoa học của các tác giả trong và ngoài nước về khoáng sản vùng Tây Bắc; báo cáo phân vùng sinh khoáng và triển vọng của viện VSEGEI - Liên Bang Nga, 2023.

Các tài liệu đo vẽ các nhóm tờ bản đồ 1:50.000 và các bản đồ tỷ lệ 1:200.000 tài liệu chính để các tác giả sử dụng lựa chọn bổ sung thể hiện khách quan và khoa học trên thành lập bộ bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:250.000.

Những kết quả chính

Đề án đã tổng hợp, hợp nhất được các kết quả của bản đồ địa chất, khoáng sản tỉ lệ 1:200.000 trong các năm 1965 -1996, và các lần hiệu đính biên tập, xuất bản trong các năm 1978, 1995 và 2005 trong ba nhóm tờ: Đông Bắc, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ. Trên đó cũng đã tổng hợp thể hiện được các kết quả điều tra lập bản đồ địa chất, khoáng sản tỉ lệ 1:50.000 cho đến thời điểm hiện nay, đã ghi nhận được nhiều thông tin mới về địa chất khoáng sản. Đồng thời, cũng đã thể hiện các công trình nghiên cứu về cấu trúc kiến tạo, magma, địa tầng mới được công bố, luận giải nhiều vần đề về lịch sử hình thành các thành tạo và các cấu trúc địa chất trong vùng. Trong các thập kỷ vừa qua các hoạt động thăm dò khai thác các loại khoáng sản đã diễn ra tích cực, góp phần làm rõ thêm các nhận định về tài nguyên khoáng sản trong vùng.

Hệ thống bản đồ địa chất của Việt Nam trước đây có tỷ lệ không phù hợp với việc hội nhập Quốc tế. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng bộ bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:250.000 vùng Tây Bắc, theo hướng hội nhập quốc tế, tích hợp dữ liệu với các ngành trong Bộ Tài nguyên và Môi trường và Quốc gia. Đề án hoàn thành là một tài liệu có giá trị cho công tác nghiên cứu địa chất, điều tra khoáng sản vùng Tây Bắc. Bộ bản đồ đã được tổng hợp đặc điểm thành phần vật chất cũng như diện phân bố của các phân vị địa chất là cơ sở để nghiên cứu làm rõ đặc điểm, lịch sử phát triển địa chất so với khu vực và thế giới; quy mô của các loại khoáng sản cũng đã được cập nhật theo tài liệu điều tra mới nhất. Việc hoàn thành bộ bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:250.000 có ý nghĩa rất lớn trong việc nghiên cứu địa chất quy hoạch khoáng sản phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội các tỉnh Tây Bắc trong thời gian tới.

Ranh giới các phân vị địa tầng, magma, biến chất đã được biên tập cơ bản theo tài liệu 1:50.000. Các mỏ, biểu hiện khoáng sản được cập nhật những thông tin về chất lượng, trữ lượng và tài nguyên mới nhất.

Về địa tầng: việc đối sánh các phân vị đã được hiệu chỉnh trên cơ sơ nguyên tắc Thạch Địa tầng với nguồn gốc, tướng trầm tích và tuổi thành tạo đã phản ánh được trật tự các thành tạo địa tầng từ cổ đến trẻ vùng Tây bắc Việt Nam. Việc tổng hợp đã ghi nhận có mặt 128 phân vị địa tầng có đặc đặc điểm riêng biệt và có những phân vị được gộp lại có những phân vị lần đầu tiên thể hiện trên bản đồ khu vực.

Về magma: đề án đã phân chia ra 8 giai đoạn thành tạo với 48 phức hệ magma có đặc điểm thạch hoạ, hoá học địa hoá rõ ràng; bối cảnh thành tạo và tuổi đặc trung cho mỗi phức hệ với các cơ sở tin cậy. Khu vực Điện Biên - Lai Châu ghi nhận sự có mặt phức hệ Huổi Tống có tuổi Silur - Devon là có cơ sở.

Về kiến tạo: các tác giả đã phân chia các khối cấu trúc, các tổ hợp thạch kiến tạo theo các nguyên tắc nhất định phù hợp với xu hướng chung của thế giới về kiến tạo trong đó đã:

- Thể hiện rõ hơn diện phân bố, ranh giới và đặc điểm cấu trúc của các đơn vị cấu trúc trên toàn khu vực Tây Bắc.

- Đã thể hiện rõ được đặc điểm thành phần, nguồn gốc và bối cảnh kiến tạo hình thành, tuổi của các đối tượng địa chất khác nhau, trong đó đã thể hiện được các kết quả mới nhất theo các quan điểm hiện đại.

- Đã thể hiện bản chất ranh giới (quy mô, tính chất dịch chuyển, hướng cắm của các đới trượt) của các đơn vị cấu trúc.

- Đã có sự liên kết tương đồng với các cấu trúc của các khu vực lân cân thể hiện mang tính khu vực. Có giá trị cao trong nghiên cứu địa chất khu vực Tây Bắc và các khu vực lân cận.

Về khoáng sản: đã tổng hợp được tương đối đầy đủ tiềm năng khoáng sản trong vùng với 2010 mỏ và BHKS của các loại khoáng sản, được tổng hợp, bổ sung, chỉnh lý từ các tài liệu điều tra, đánh giá, thăm dò khoáng sản có được cho đến thời điểm hiện tại. Đồng thời bổ sung mới 760 mỏ và BHKS từ các tài liệu điều tra địa chất tỷ lệ 1:50.000, từ bản đồ khoáng sản các tỉnh (2005) và các tài liệu điều tra hiện trạng gồm báo cáo của 25 đề án thành phần về khảo sát, đánh giá và điều tra hiện trạng của các khoáng sản nhiên liệu, kim loại, khoáng chất công nghiệp tiến hành trong những năm 2018-2023. Đã bổ sung thông tin (vị trí, đặc điểm địa chất khoáng sản, trữ lượng, tài nguyên… cho 372 mỏ và BHKS. Về khoáng sản đã ghi nhận một số loại khoáng sản mới: Wolfram (sheelit) vùng Đèo Gió-Ngân Sơn, Vùng Mộc Châu, Sông Mã (Sơn La), Vùng Hà Giang - Lào Cai (phía đông khối magma Sông Chảy)…; mỏ Thiếc-wolfram Hồ Quang Phìn (Hà Giang); hàng loạt các mỏ và điểm quặng vàng, đồng,… khoáng chất công nghiệp và VLXD khác.

Kết quả việc thi công đề án đã xây dựng được bộ tài liệu tương đối đầy đủ về khoáng sản vùng Tây Bắc đến thời điểm hiện tại giúp cho các cấp quản lý xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của toàn vùng và các địa phương;  xây dựng quy hoạch dài hạn và ngắn hạn cho công tác điều tra, đánh giá, thăm dò và khai thác khoáng sản đối với từng loại khoáng sản và từng vùng, miền, đặc biệt là việc đầu tư đánh giá đối với các khoáng sản mới được phát hiện.

Với các tài liệu mới về địa chất và khoáng sản đã làm rõ hơn về quy luật phân bố của nhiều loại khoáng sản đặc biệt là các khoáng sản kim loại (Cu,Ni,Sn,W,Au,Sb), đã vạch ra được 97 diện tích triển vọng (rất triển vọng, triển vọng và chưa rõ triển vọng) và đề xuất các nhiệm vụ điều tra đánh giá, thăm dò tiếp theo cho các diện tích này. Các tiền đề, dấu hiệu tìm kiếm cho các khoáng sản, các diện tích được xác định. Các kiểu nguồn gốc, thành hệ, kiểu khoáng được nghiên cứu và đề xuất làm cơ sở và định hướng cho công tác điều tra tiếp theo.

Trong vùng Tây Bắc có 5 phức hệ biến chất có đặc điểm phân biệt khá rõ, tướng biến chất đặc trưng, tuổi thành tạo có cơ sở và phân bố ở các khu vực riêng biệt đã được các tác giả đối sánh một cách khoa học và tin cậy.

Trên bộ bản đồ cũng đã thể hiện một số dạng tai biến địa chất chính như động đất, trượt lở, lũ quét và các vùng ảnh hưởng bới các nguyên tố độc hại là cơ sở nhận định và điều tra chi tiết các vùng có nguy cơ sẩy ra tai biến địa chất để có quy hoạch vùng an toàn cho dân cư.

Di sản địa chất phục vụ cho phát triển du lịch và ngày càng đem lại hiệu quả kinh tế của các tỉnh Tây bắc; cũng đã được khoanh định để định hướng phát triển kinh tế.

Đồng thời các tác giả cũng đã hoàn thành bản đồ địa chất khoáng sản và bộ mẫu địa chất, khoáng sản điển hình cho 14 tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An với các tài liệu tương đối đầy đủ đến thời điểm hiện tại. Tài liệu này giúp cho các địa phương nắm bắt, quản lý các hoạt động khoáng sản trên địa bàn của tỉnh và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội các tỉn phù hợp với những gì đã có theo hướng bền vững.

3. Kiến nghị

1. Sau khi đề án hoàn thành cần được biên tập xuất bản để sử dụng rộng rãi thay thế những tài liệu đã có trước đây chưa được cập nhật đầy đủ.

   2. Về địa tầng, mag ma và kiến tạo cần hiệu đính loạt bản đồ tỷ lệ 1:50.000 làm rõ các khoáng địa tầng và magma nêu trong tồn tại của đề án.

   3. Cần có chuyên đề riêng để nghiên cứu sinh khoáng của các phức hệ magma.

   4. Về khoáng sản có một số đề xuất như sau:

a. Cần có quy hoạch cụ thể cho việc điều tra, đánh giá, thăm dò và khai thác đối với các loại khoáng sản phục vụ cho công việc quả lý của các cấp và các địa phương. Quy hoạch lập cho mỗi 5 năm, 10 năm…

b. Tăng cường công tác khảo sát, đánh giá đối với các khoáng sản mới được phát hiện bao gồm các khoáng sản kim loại, khoáng chất công nghiệp, khoáng sản vật liệu xây dựng, đặc biệt là các khoáng sản mới được phát hiện trong thời gian gần đây được đánh giá là có triển vọng.

- Thăm dò các mỏ mới đối với các điểm mỏ đã được đánh giá như vàng, antimon, đồng, chì kẽm, wolfram, molibden; đá vôi nguyên liệu hóa và các đá vôi công nghiệp, đá hoa trắng, barit, sét , kaoloin, các đá xây dựng: Đá hoa, đá ốp lát, các đá sét, đá phiếp lợp…

- Thăm dò mở rộng và thăm dò dưới sâu đối với các mỏ còn khả năng phát triển ra xung quanh và phát triển xuống sâu: Than, sắt, chì kẽm, thiếc, đất hiếm… nhằm đánh giá đầy đủ tiềm năng của khoáng sản.

c. Việc thăm dò, khai thác các mỏ có quy mô lớn và vừa không nên chia và cấp phép thăm dò, khai thác từng diện tích nhỏ tránh gây thất thoát tài nguyên và không đánh giá được đầy đủ tiềm năng của mỏ.

d. Cần thiết phải thu hồi các tổ phần có ích đi kèm đối với các mỏ khoáng sản đa tổ phần để tăng thêm hiệu quả và tránh lãng phí tài nguyên.

e. Tăng cường công tác quản lý đối với các cấp quản lý và các địa phương, tuyệt đối tránh tình trạng khai thác tự do không có tổ chức và không được cấp phép gây thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái. Lưu ý đến việc thăm dò, khai thác khoáng sản ảnh hưởng đến các nguồn tài nguyên khác (các di sản và tài nguyên địa chất khác, di tích lịch sử văn hóa, đất đai, rừng…).

f. Sau công trình này cần có một công trình tổng hợp chỉnh lý bộ bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:500.000 cùng với một chuyên khảo khoáng sản cho vùng Tây Bắc kèm theo để sử dụng cho quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập.

Hỗ trợ trực tuyến